10/06/2024 16:34 GMT+7

Thụy Sĩ muốn kéo cả Nga và Ukraine vào tiến trình hòa bình

Thụy Sĩ, nước đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine, khẳng định sự kiện sẽ xác định cách đưa cả Nga và Ukraine vào một tiến trình hòa đàm.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (giữa) tại cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ngày 10-6 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (giữa) tại cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ngày 10-6 - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp báo ngày 10-6, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo cho đến nay đã có 90 quốc gia và tổ chức đăng ký tham gia hội nghị thượng đỉnh nhằm mở đường cho hòa bình ở Ukraine. Dự kiến sự kiện diễn ra trong hai ngày 15 và 16-6 tại Thụy Sĩ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nằm trong số những người được xác nhận sẽ tham dự.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ thảo luận về các lĩnh vực được quốc tế quan tâm rộng rãi, như nhu cầu về an ninh hạt nhân và lương thực, tự do hàng hải cũng như các vấn đề nhân đạo, chẳng hạn như tù nhân chiến tranh.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết mục đích hội nghị "nhằm truyền cảm hứng cho một tiến trình hòa bình trong tương lai và phát triển các yếu tố thực chất, cũng như các bước đi hướng tới một tiến trình như vậy".

"Tất cả các quốc gia có mặt tại hội nghị thượng đỉnh nên đóng góp ý tưởng và tầm nhìn của mình cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine", Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ giải thích thêm.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết nước này coi đây là "bước đầu tiên" trong tiến trình hướng tới một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine.

Nga chưa được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhưng Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sự kiện sẽ nhằm mục đích "cùng xác định lộ trình" về cách lôi kéo cả Nga và Ukraine vào tiến trình hòa bình trong tương lai.

Hồi tháng 1 rồi, đáp lại đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thụy Sĩ đã đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đa phương.

Theo Hãng tin Reuters, kể từ đó nước này đã cố gắng thu hút sự ủng hộ của các quốc gia có quan hệ tốt với Matxcơva hơn là các cường quốc hàng đầu phương Tây.

Thụy Sĩ đã mời đại diện của hơn 160 nước và tổ chức, bao gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên theo thống kê từ nhiều nguồn, phần lớn các nước tham gia đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Đông Nam Á, theo truyền thông địa phương, Singapore và Philippines nằm trong những nước xác nhận có đại diện tham dự.

Nga đã bác bỏ hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ, mô tả đây là một sự lãng phí thời gian. Đáp lại, Bern giải thích Matxcơva không được mời tham gia bởi vì nước này tỏ ra không quan tâm đến việc tham dự.

Mặc dù vậy, Thụy Sĩ nhấn mạnh Nga phải là một phần của tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Sự vắng mặt của Nga kéo theo một số nước như Trung Quốc từ chối tham dự, với lý do các cuộc đàm phán hòa bình sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không có cả Nga và Ukraine cùng tham gia.

Điều đó đã làm giảm đi những kỳ vọng về bất kỳ sự đột phá lớn nào tại hội nghị sắp tới.

Ông Zelensky: Trung Quốc ngăn các nước tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy SĩÔng Zelensky: Trung Quốc ngăn các nước tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ

Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc Trung Quốc đang nỗ lực ngăn cản các nước tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16-6 tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên