19/12/2021 10:37 GMT+7

Thương hiệu Việt vang xa

NGỌC KHANG
NGỌC KHANG

TTO - Sự đầu tư bài bản cho thương hiệu từ chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ngày càng giúp các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.

Thương hiệu Việt vang xa - Ảnh 1.

Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 - Ảnh: Bộ Công thương

Chặng đường 18 năm phát triển của chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam với 7 kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG đã ghi nhiều dấu ấn khi số lượng sản phẩm, doanh nghiệp ngày càng tăng. Đây là minh chứng khi trong quá trình hội nhập, từ rất sớm, Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Vì vậy, từ năm 2003, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì thực hiện chương trình THQG Việt Nam.

Sang năm 2022 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, các biện pháp của Cục Xúc tiến thương mại một mặt hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, mặt khác giúp các doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vũ Bá Phú (cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương)

Nhiều thương hiệu gây được tiếng vang

Ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương - cơ quan triển khai trực tiếp chương trình, đánh giá với 3 tiêu chí trụ cột: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Từ đó, tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam và góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu.

Trên thực tế, với sự hỗ trợ của chương trình THQG, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel - tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP sữa TH, doanh nghiệp đầu tiên có được "giấy thông hành" đi vào thị trường Trung Quốc, thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới...

Sự phát triển của các thương hiệu trong báo cáo của Brand Finance, năm 2021, THQG Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp.

Thương hiệu Việt vang xa - Ảnh 3.

Sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ngày càng có chất lượng và uy tín ở nước ngoài - Ảnh: Bộ Công thương

Ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng

Với ý nghĩa đó, ông Phú cho hay Bộ Công thương không giới hạn số lượng đăng ký mà luôn luôn khuyến khích các doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí của chương trình đăng ký tham gia xét chọn. Đơn cử kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 dù diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là khi dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, tác động đến sản xuất kinh doanh, song số lượng doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước tham gia đăng ký xét chọn vẫn không ngừng tăng lên.

Nhờ vậy, đã có 124 doanh nghiệp được lựa chọn trên cơ sở thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1.000 doanh nghiệp quan tâm tham gia, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, là những doanh nghiệp tiêu biểu.

Có thể thấy số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020 - số lượng đã tăng hơn 4 lần và cũng là năm có số lượng tham gia đông đảo nhất sau hơn 17 năm phát triển. Đây là minh chứng cho sự nhận thức rõ ràng hơn về uy tín của chương trình cũng như những giá trị mà doanh nghiệp được nhận khi đồng hành cùng chương trình THQG Việt Nam.

Cũng theo ông Phú, năm 2022 sẽ là kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG lần thứ 8. Để tham gia, doanh nghiệp sẽ nộp 3 bộ hồ sơ đăng ký chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam trước ngày 31-3. Ban thư ký chương trình THQG Việt Nam (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) sẽ hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp việc nộp hồ sơ, đăng ký và xét chọn đảm bảo đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch.

Tiếp theo đó sẽ là lễ công bố xét chọn sản phẩm đạt THQG 2022 dự kiến được tổ chức vào quý 4-2022 để vinh danh các doanh nghiệp đã theo đuổi và đáp ứng được các tiêu chí của chương trình là: "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong". Đặc biệt, năm 2022 sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG tại thị trường nước ngoài thông qua các đài truyền hình, báo chí quốc tế và các sự kiện văn hóa, kinh tế - xã hội.

Quy trình "chọn mặt gửi vàng" diễn ra thế nào?

Các hồ sơ đăng ký sau quá trình sàng lọc theo quy định sẽ được chuyển tới các thành viên ban chuyên gia - là đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các chuyên gia độc lập, hàng đầu trong các lĩnh vực, ngành hàng - thẩm định theo quy định về hệ thống tiêu chí do Bộ Công thương ban hành. Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên phương pháp định giá thương hiệu InterBrand (công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng của Mỹ) và những tiêu chí tương tự của giải thưởng Chất lượng quốc gia Mỹ (The Malcolm Baldrige National Quality Award).

Bộ Công thương cũng phối hợp với các bộ ngành liên quan, cụ thể: Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, sở lao động - thương binh và xã hội, sở tài nguyên & môi trường của 63 tỉnh thành trên cả nước, kiểm tra tình hình chấp hành về mặt pháp luật cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tiến hành thẩm định thực tế tại doanh nghiệp.

Sau đó, ban thư ký tổng hợp kết quả đánh giá, ý kiến từ phía các cơ quan chức năng cùng với kết quả giải trình của các doanh nghiệp để báo cáo và xin ý kiến các ủy viên Hội đồng THQG - gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam? Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam?

TTO - Việc xây dựng thương hiệu để trở thành Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam là chiến lược mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới để phát triển bền vững.

NGỌC KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên