29/04/2021 16:24 GMT+7

Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Khẳng định vị thế trên đường hội nhập

NGỌC KHANG
NGỌC KHANG

Từ quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời, Việt Nam trở thành đất nước có vị thế thương hiệu trên trường quốc tế, mở cửa hội nhập, thân thiện cho đầu tư, phát triển đa dạng hàng hóa, dịch vụ, ngày càng nâng tầm vươn ra thế giới.

Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Khẳng định vị thế trên đường hội nhập - Ảnh 1.

Nghiên cứu và phát triển sản phẩm

Ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cho biết, trước năm 1986, thương hiệu gần như là một khái niệm "chưa tồn tại" đối với cộng đồng doanh nghiệp, hay thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới thương hiệu vẫn chưa được quan tâm do doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, chưa có sự giao thương, xuất khẩu với các nước trên thế giới.

Phải từ năm 1995 đến nay, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về phát triển thương hiệu mới có những bước biến chuyển rõ rệt. 

Khi Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với các hoạt động xúc tiến thương mại đặc thù, việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam được đặc biệt coi trọng.

Nhờ vậy, đầu những năm 2000, thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, đến năm 2020 tổng giá trị thương hiệu của 50 doanh nghiệp Forbes Việt Nam đạt hơn 12,6 tỉ USD với nhiều doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia như Viettel, Vinamilk, Sabeco, MobiFone, Vietcombank... 

Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỉ USD). 

Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Năm 2020 Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận đạt thương hiệu quốc gia, trong đó có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Khẳng định vị thế trên đường hội nhập - Ảnh 2.

Ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)

Chính vì vậy, việc phát triển thương hiệu quốc gia thời gian tới không chỉ bao hàm là sản phẩm hay doanh nghiệp, mà bao trùm các nội hàm rộng hơn, gồm hình ảnh quốc gia, các yếu tố cứng (cơ sở hạ tầng, các điểm đến, vị trí địa lý chiến lược, các quan niệm về tài sản, ổn định kinh tế, năng suất, chính sách thu hút, dịch vụ và mạng lưới hỗ trợ, chi phí hiệu quả) và các yếu tố mềm (chất lượng cuộc sống, năng lực và chuyên môn của lực lượng lao động, văn hóa quốc gia, quan hệ giữa con người, phong cách quản lý, tinh thần kinh doanh, tính chuyên nghiệp, sáng tạo trong kinh doanh...).

Đặc biệt, sản xuất đang ngày càng tập trung trên nền tảng của khoa học công nghệ, dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới hơn thời kỳ trước rất nhiều. Điều này khiến cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần phát triển thương hiệu quốc gia bằng cách thu hút nguồn lực con người có tri thức và tay nghề cao đến sống, lao động, làm việc và định cư tại quốc gia.

Để kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, trong những năm qua Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong. 

Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

* Bà Mai Kiều Liên (tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk):

Nâng chất lượng vươn tầm quốc tế, gắn với thời hội nhập

mai kieu lien

Vinamilk là công ty sữa đầu ngành với 6 lần liên tiếp được bình chọn là Thương hiệu quốc gia (từ năm 2010 đến nay). Giá trị thương hiệu của Vinamilk (theo Forbes Việt Nam) đã tăng dần đều qua các năm từ 2016 với hơn 1,5 tỉ USD đến 2,4 tỉ USD năm 2020. Trong năm "Covid-19" đầy biến động, lần đầu tiên Vinamilk, một doanh nghiệp của Việt Nam, vượt lên các công ty đa quốc gia khác để dẫn đầu danh sách 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, thuộc 1.000 thương hiệu dẫn đầu của châu Á theo Campaign Asia & Nielsen.

Các kết quả này đã cho thấy sự nhìn nhận toàn diện và đúng đắn về tầm quan trọng của thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó đặt trọng tâm của sự phát triển các sản phẩm có chất lượng, xây dựng uy tín với khách hàng.

Trải qua hơn 4 thập kỷ hoạt động, định hướng phát triển thương hiệu của Vinamilk gắn với chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa, được triển khai từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Đàn bò sữa không ngừng phát triển và đến nay Vinamilk sở hữu 12 trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi và quản lý chất lượng. Tổng đàn bò quản lý và khai thác sữa đạt gần 150.000 con, giúp cung ứng trên 1,3 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày.

Hệ thống trang trại được kết nối khoa học với 13 nhà máy hiện đại của Vinamilk trên cả nước, trong đó có 2 siêu nhà máy sản xuất sữa nước và sữa bột được ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới.

Ngoài việc phát triển thị trường trong nước thì Vinamilk cũng luôn chú trọng việc mở rộng ra các thị trường xuất khẩu, đưa các sản phẩm sữa Việt vươn ra thế giới. Tính từ thời điểm bắt đầu xuất khẩu vào năm 1997 đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu xuất khẩu lũy kế đạt hơn 2,4 tỉ USD.

Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả này có được một phần lớn là nhờ sự cam kết, đồng hành của Vinamilk với các đối tác nước ngoài, cũng như sự tín nhiệm của họ dành cho thương hiệu và chất lượng sản phẩm của Vinamilk.

Trong nhiều năm qua, Vinamilk đã đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động của công ty ra nước ngoài. Cụ thể như nhà máy ở Mỹ, Campuchia, New Zealand, hay mới đây là dự án xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa organic tại Lào, giúp tạo ra được năng lực sản xuất, lợi thế cạnh tranh lớn trên trường quốc tế.

Nhờ vậy mà trong bối cảnh dịch COVID-19, Vinamilk vẫn vững vàng vượt qua được thách thức, đảm bảo tăng trưởng ổn định, đóng góp cho kinh tế nói chung và tích cực hỗ trợ cộng đồng trong thời điểm khó khăn do đại dịch. Các giá trị cốt lõi đã được doanh nghiệp thực hiện với sự cam kết cao, điều đó góp phần đưa Vinamilk - thương hiệu quốc gia của ngành sữa vươn xa và ngày càng khẳng định được giá trị bền vững của mình.

* Ông Chu Văn Phương (tổng giám đốc Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong):

Chất lượng chưa đủ, phải có uy tín từ sản phẩm tiên phong

chu văn phương 2

Công ty nhựa Thiếu Niên Tiền Phong được thành lập từ năm 1960 và đồng hành 61 năm cùng sự phát triển của đất nước. Trước năm 1986, doanh nghiệp không quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu mà tập trung vào năng lực sản xuất để cung ứng vượt các chỉ tiêu Nhà nước giao.

Đến khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, chất lượng tốt chưa đủ, phải xây dựng được hình ảnh và uy tín thương hiệu để cạnh tranh thị trường và khẳng định vị thế doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Nhựa Tiền Phong đã chủ động thay đổi mình, chuyển hướng sản xuất để tạo ra các sản phẩm mới, tiên phong trên thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công ty chú trọng đầu tư quảng cáo, giới thiệu sản phẩm với khách hàng, xây dựng hệ thống phân phối và triển khai các biện pháp truyền thông để thâm nhập các thị trường.

Đặc biệt giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chúng tôi lựa chọn những phương thức phù hợp với chiến lược phát triển của công ty và thuận tiện tiếp cận những khách hàng mục tiêu, từng bước tạo dựng hình ảnh một doanh nghiệp tiên phong, vì lợi ích cộng đồng và xã hội.

Trong thời hội nhập, Nhựa Tiền Phong vẫn duy trì tốt sự tăng trưởng và vị thế hàng đầu trong ngành ống, phụ kiện nhựa tại Việt Nam, giữ vững thương hiệu Việt cho người Việt.

Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam

TTO - Phát triển các thương hiệu doanh nghiệp để trở thành đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn là bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập toàn diện…

NGỌC KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên