Ngày 22-1, chia sẻ tại hội thảo "Khởi nghiệp với mô hình nhượng quyền thương mại" được tổ chức ở TP.HCM, bà Nguyễn Phi Vân - chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia - cho biết ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp của nó vào khoảng 5-10% GDP.
Tại Mỹ, cái nôi của ngành nhượng quyền, con số này là 5,1%. Mức đóng góp của ngành nhượng quyền vào GDP quốc gia còn ngoạn mục hơn tại Canada với 10%, Úc là 9%, Nam Phi 9,7%.
Tại châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất ở Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%. Đối với Malaysia, ngành nhượng quyền được chính phủ nước này lựa chọn như một chiến lược dài hạn để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu, thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm.
"Trong các cuộc suy thoái trước đây, mô hình kinh doanh này đã được chứng minh là có khả năng phục hồi và là một phương thức mở rộng hàng đầu nhằm thoát khỏi suy thoái kinh tế cần được khuyến khích", bà Vân nói.
Còn ở Việt Nam, trước COVID-19 đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm và rất thành công như: Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highland’s Coffee…
Theo Hiệp hội Nhượng quyền thương mại quốc tế (IFA), Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi.
Ông Nguyễn Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư & thương mại TP.HCM - cho biết Việt Nam cũng được dự báo là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng thời gian tới.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, sẽ có nhiều thay đổi trong thị trường nhượng quyền hậu COVID-19, các mô hình tiềm năng sẽ gắn với ứng dụng công nghệ, mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.
Trong tương lai, nhà đầu tư được khuyên nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản; những mô hình linh hoạt; đa dạng kênh doanh thu; đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh; ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Đức Hưng - chủ tịch Công ty Napoli, nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ hậu COVID-19.
Trong quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, hiện nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chọn con đường nhượng quyền để mở rộng lĩnh vực. Tuy vậy, mức độ am hiểu pháp luật cũng như khả năng đánh giá rủi ro của các nhà đầu tư lại chưa cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận