03/12/2021 10:24 GMT+7

Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam?

NGỌC KHANG
NGỌC KHANG

TTO - Việc xây dựng thương hiệu để trở thành Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam là chiến lược mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới để phát triển bền vững.

Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ

Tuy nhiên, làm thế nào để đáp ứng yêu cầu, trở thành THQG Việt Nam là một thách thức lớn bởi những chuẩn mực khắt khe mà chương trình đặt ra.

Với doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực gồm sữa tươi sạch, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi học đường và sữa chua mang thương hiệu TH True MILK là sản phẩm THQG Việt Nam, ông Ngô Minh Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn TH - cho rằng sự công nhận này từ Chính phủ, bộ ngành không chỉ giúp TH khẳng định giá trị thương hiệu của mình với người tiêu dùng trong nước, mà còn có giá trị để thương hiệu vươn tầm quốc tế một cách vững vàng hơn.

Năm 2022 sẽ là kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 8. Việc xét chọn được thực hiện theo trình tự chặt chẽ theo quy định tại quy chế để đảm bảo tính pháp lý, công bằng, công khai, minh bạch.

Ông Vũ Bá Phú (cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương)

Thương hiệu gắn với giá trị sản phẩm

Trong kỳ xét chọn năm 2022 sắp tới, TH đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững vị thế là nhà sản xuất sữa tươi sạch hàng đầu tại Việt Nam, với những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. TH cũng từng bước định vị là một chuyên gia dinh dưỡng trong ngành, đẩy mạnh nghiên cứu và cho ra mắt một số sản phẩm đặc biệt được xem như "giải pháp dinh dưỡng" cho người tiêu dùng, đặc biệt các sản phẩm theo xu hướng dinh dưỡng thực vật và giảm đường.

Bên cạnh đó, TH hướng tới các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, vừa nhằm mục tiêu Vì sức khỏe cộng đồng, vừa bảo tồn, nâng cao giá trị tinh hoa thảo dược quý, đặc hữu Việt Nam và thế giới. Gắn với đó là việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng là một trong những chiến lược quan trọng của TH thời gian tới.

Để tham gia, doanh nghiệp sẽ nộp 3 bộ hồ sơ đăng ký chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam trước ngày 31-3 của năm xét chọn. Ban thư ký chương trình THQG Việt Nam là Cục Xúc tiến thương mại sẽ có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để việc nộp hồ sơ, đăng ký và xét chọn đảm bảo đúng quy định.

Lễ công bố xét chọn sản phẩm đạt THQG 2022 dự kiến được tổ chức vào quý 4-2022 để vinh danh các doanh nghiệp đã theo đuổi và đáp ứng được các tiêu chí của chương trình là: "Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong". Bộ tiêu chí này được các chuyên gia nghiên cứu, xây dựng dựa trên phương pháp định giá thương hiệu InterBrand (công ty tư vấn thương hiệu nổi tiếng của Mỹ) và những tiêu chí tương tự của giải thưởng Chất lượng quốc gia Mỹ (The Malcolm Baldrige National Quality Award).

Các sản phẩm tham gia xét chọn sẽ được thực hiện theo thang đánh giá 1.000 điểm. Một sản phẩm đạt THQG Việt Nam phải đạt từ 650 điểm trở lên, mỗi tiêu chí quy định phải đạt từ 60% trở lên.

Về tiêu chí đổi mới, sáng tạo, bộ tiêu chí được đưa ra gồm có 7 yêu cầu như có chính sách khuyến khích sáng tạo rõ ràng, đầy đủ, có quy trình đánh giá và công nhận kết quả sáng tạo công khai, minh bạch; đưa ra các sáng tạo, sáng kiến mới được áp dụng tại doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp trước năm xét chọn, với nội dung đánh giá kết quả thu về rõ ràng.

Tiêu chí nào để đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam? - Ảnh 3.

TH là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm được công nhận là thương hiệu quốc gia Việt Nam

3 tiêu chí chuẩn mực

Đối với tiêu chí năng lực tiên phong, doanh nghiệp phải thể hiện được tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, phù hợp với ba nhóm yếu tố như khách hàng, đặc thù của ngành nghề kinh doanh... Doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng, đầy đủ, phù hợp với tầm nhìn và giá trị cốt lõi, có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ công khai minh bạch.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần có tầm nhìn thương hiệu rõ ràng, phù hợp với mục tiêu, chiến lược định vị sản phẩm, có lời hứa thương hiệu và định vị thương hiệu rõ ràng, thuyết phục, phù hợp thị trường. Gắn với đó là những chiến lược, hành động để bảo vệ thương hiệu thông qua bảo hộ các tài sản trí tuệ.

Đáng chú ý, bộ tiêu chí này cũng đưa ra các đánh giá liên quan đến xếp hạng tín dụng, tài chính như doanh thu của sản phẩm, nợ phải trả trên tổng tài sản/vốn chủ sở hữu; lợi tức sau thuế/doanh thu, tổng tài sản/vốn sở hữu. Là đơn vị đồng hành cùng chương trình THQG với tư cách là đơn vị đánh giá tài chính độc lập, KPMG cho hay dựa trên các báo cáo tài chính được kiểm toán của các doanh nghiệp, các chuyên gia đã thực hiện đánh giá các tiêu chí về năng lực tài chính, trên cơ sở thẩm định hồ sơ tài chính.

"Chúng tôi cũng hỗ trợ cử chuyên gia tham dự cùng các đoàn thẩm định thực tế tại doanh nghiệp. Đồng thời cùng phối hợp đoàn thẩm định khảo sát, tham quan cơ sở sản xuất kinh doanh, đưa ra những đánh giá chính xác, trung thực và khách quan nhất về tình hình các doanh nghiệp và sản phẩm tham gia xét chọn" - đại diện KPMG chia sẻ về quá trình xét chọn.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại khẳng định năm 2022 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, sẽ tập trung cho các hoạt động quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước. Tăng cường giao dịch thương mại trong nước gắn với củng cố, gia tăng sức mạnh thương hiệu sản phẩm, tạo đà xuất khẩu. Khi thị trường trong và ngoài nước bùng nổ về nhu cầu hàng hóa thì các doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuẩn bị nhiều hoạt động cho chương trình THQG Việt Nam 2022

Năm 2022 sẽ là kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG lần thứ 8. Song song với hoạt động xét chọn sản phẩm đạt THQG, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội thực hiện các nội dung đã được quy định chi tiết trong quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện chương trình THQG Việt Nam. Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục chủ động và linh hoạt trong việc hợp tác và đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc cung cấp chính xác, kịp thời các hoạt động xây dựng, phát triển quảng bá thương hiệu sản phẩm, THQG tới độc giả và doanh nghiệp.

Mục tiêu chương trình đặt ra: giai đoạn 2020 - 2030 tập trung xây dựng và phát triển THQG Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Ngày 8-3 và câu chuyện của nữ lãnh đạo TH true Milk Ngày 8-3 và câu chuyện của nữ lãnh đạo TH true Milk

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Trong số đó, tên tuổi bà Thái Hương tiếp tục được vinh danh.

NGỌC KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên