22/05/2021 11:46 GMT+7

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 1: Bao ve chai của mẹ già

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Cụ bà tuổi xế chiều vẫn ngày ngày đi nhặt rác nuôi con tâm thần. Người mẹ trẻ thì tặng gan cứu máu thịt của mình. Và người cha chịu cả đời "gà trống nuôi con" vì sợ đàn con bị chất độc da cam phải khổ...

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 1: Bao ve chai của mẹ già - Ảnh 1.

Người con gái đã lớn tuổi nhưng bệnh tật nên hoàn toàn dựa vào mẹ già - Ảnh: THÀNH NHƠN

Dù trong bất cứ hoàn cảnh khổ đau nào của số phận, tình thương mẹ cha dành cho con vẫn thiêng liêng ngất cao, sâu thẳm!

"Mọi người bảo tui sao không đi bán vé số đỡ cực và có tiền hơn, nhưng tui sợ bị kẻ xấu giật mất rồi tiền đâu mà trả cho người ta, tiền đâu mà nuôi con gái bệnh.

Bà Phan Thị Hương

Trên mớ rác dơ bẩn, hôi thối vừa được đổ xuống, bà lão tóc bạc, da mồi lọm khọm nhặt nhạnh từng bịch nilông, chai lọ. Thỉnh thoảng bà lại quệt mồ hôi, thở dốc, rồi ngồi bệt xuống giữa bãi rác vì mệt và thương lo cho người con gái bệnh tật đang chờ mẹ ở nhà.

Mẹ tìm miếng ăn từ bãi rác

Đó là công việc hằng ngày của bà Phan Thị Hương (70 tuổi, quê Đồng Tháp). Ở cái tuổi xế chiều thay vì nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng thì bà lão lầm lũi từ sáng đến chiều tại bãi rác nghĩa địa để "mót" miếng ăn cho mình và người con gái tâm thần.

Đến khu nghĩa địa xã Bình Thạnh (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), hỏi thăm bà Ba Bồ - tên thường gọi của bà Phan Thị Hương - ai cũng có thể chỉ nhà chính xác. Hằng ngày trời còn chưa sáng hẳn, bà đã đạp xe đến khu nghĩa địa cách nhà khoảng 5km để nhặt nhạnh ve chai. 

Hình ảnh người đàn bà tóc bạc, còng lưng đạp xe quen thuộc đến mức ngày nào không thấy bà đi ngang ngõ là hàng xóm lại ghé nhà để hỏi han, sợ mẹ con bà lão nghèo khó, bệnh tật có bề gì bất trắc.

Mùa mưa, con đường dẫn vào điểm đổ rác khó đi vì bùn lầy nhão nhoẹt và vô số ổ voi, ổ gà. Tập trung từ sáng sớm, bà Hương cùng chục người khác trông ngóng xe rác trở về bãi. Ngay khi xe vừa trờ tới, tuôn đống phế thải dơ bẩn xuống là hàng chục con người xúm nhau nhặt nhạnh. Người có sức khỏe thì tranh thủ lượm sắt thép, vỏ chai, người yếu thế thì chỉ nhặt được bao nilông, bìa giấy...

Dáng bà Hương liêu xiêu, lọm khọm, lọt thỏm giữa đám đông người. Giữa núi rác đầy ruồi nhặng, bà cố sức yếu ớt bới móc từng bịch nilông, vỏ chai nước. Bóng người đàn bà ngả nghiêng theo từng lần cúi xuống nhặt rác, lâu lâu lại thấy bà thở dốc vì mệt. 

"Nhặt không lại tụi trẻ, già rồi sức yếu nên mần không có nổi nữa. Mà không bỏ được, đi mần còn có đồng ra đồng vô mua bó rau, chai nước tương chứ ở không tiền đâu mà sống nuôi con", bà Hương thở hổn hển chia sẻ.

Với mỗi ký bịch nilông nhặt được, bà được chủ vựa mua lại với giá 1.200 đồng. Đều đặn khoảng 20 ngày đến 1 tháng, ghe ve chai sẽ tạt ngang cân nilông của những người nhặt tại khu nghĩa địa. 

"Tháng nào nhiều lắm cũng chỉ được chừng gần 200kg, bán được hơn 200.000 đồng. Chai nhựa, vỏ lon thì đem vô nhà phân loại bán riêng, cộng lại hết tất cả cũng không quá 500.000 đồng", bà Hương mệt mỏi kể.

Chẳng ai muốn gắn bó với công việc dơ bẩn, cực nhọc khi tuổi đã xế chiều, bà Hương cũng vậy. Bà kể lúc trước bà và chồng thuê đất mần lúa, tuy nhiên sau những vụ mùa thất bát đồng tiền cứ vơi dần. Cái nghèo đeo đẳng mãi, bất đắc dĩ vợ chồng phải đi nhặt ve chai kiếm sống. 

Dựng căn chòi lụp xụp kế bên nghĩa địa, vợ chồng luẩn quẩn suốt ngày ngoài bãi rác. Sau này, thấy hoàn cảnh bà khó khăn nên chính quyền địa phương bố trí nền tái định cư ở ấp Bình Hòa.

Rồi ông mất, đời bà thêm cơ cực. Bà lủi thủi với công việc, thêm gánh nặng oằn vai vì người con gái bị tâm thần. 

"Nhiều hôm thấy bà mệt, anh em mua cho bà ổ bánh mì lót dạ nhưng bà không ăn, để dành đó cho con gái bệnh tật ở nhà. Tuổi của bà đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, sum vầy với con cháu chứ ai đâu lại làm công việc cực nhọc, dơ bẩn này" - anh Nguyễn Thanh Tuấn, người dân sống gần bãi tập kết rác, chia sẻ.

Thương con ai kể tháng ngày - Kỳ 1: Bao ve chai của mẹ già - Ảnh 3.

Bao ve chai là chén cơm manh áo của mẹ già, con bệnh - Ảnh: THÀNH NHƠN

Mẹ già, con dại nương tựa nhau mà sống

Bà Hương tâm sự mình có mấy người con tuy nhiên chẳng đứa nào khá khẩm. Đứa chết do bệnh tật, đứa tâm thần, đứa bỏ đi biệt tận Cà Mau mưu sinh nên bà cứ phải "thân cò lặn lội" nuôi người con gái ốm đau. Nói về hoàn cảnh thương tâm của bà Hương, cả xóm ai cũng xót xa, bởi khổ đau cứ thay nhau vùi dập cuộc đời bà lão ở tuổi xế chiều này.

"Mới vài năm trước, 3 đứa cháu cố của bà chết đuối thương tâm. Rồi cha các bé cũng bị tai nạn giao thông qua đời. Người cháu và người con của bà may mắn còn khỏe mạnh, buồn bã bỏ đi tứ xứ mưu sinh nên giờ còn bà đành sống lủi thủi với đứa con tâm thần vậy đó. Thiệt tội nghiệp hết sức", bà Dương Thị Tròn, hàng xóm của bà Hương, chia sẻ.

Thấy căn nhà nhỏ xập xệ, cột kèo bị mối mọt ăn gần hết nên bà Tròn cùng hàng xóm xin nhà hảo tâm ít tôn để lợp lại mái nhà cho bà Hương. Hôm tôi tìm đến, căn nhà trống hoác chẳng có gì đáng quý. Sau nhà, bà Hương chất đầy mấy bao ve chai chờ bán. Trên bếp là nồi cơm nguội khô khốc và mớ cá vụn kho tiêu mặn chát. 

"Nay có cá ăn là sang rồi đó, mọi bữa hai mẹ con tụi tui chỉ ăn cơm với nước tương thôi. Tiền đâu mà mua thịt, cá ăn chứ. Ngay tiền điện cũng phải dè sẻn lắm mới có tiền mà đóng", bà Hương trải lòng.

Thấy hoàn cảnh bà tội nghiệp nên mỗi lần thấy bà đi ngang chợ, tiểu thương lại xúm nhau cho đồ. Trái dưa hấu, nải chuối chín, mấy con khô... thể hiện tấm lòng san sẻ của họ đối với người bà lão nghèo khó này. Những bữa cơm nghèo với nước tương ăn cùng chuối, dưa hấu "cứu đói" kịp thời với bà những lúc khó khăn. 

"Trời cho tui mạnh khỏe, tuổi này mà vẫn còn chạy xe đạp là quá tốt rồi. Cũng chỉ mong sao đủ sức khỏe để nhặt ve chai nuôi con", bà Hương vừa tâm sự vừa đau đáu nhìn về người con gái.

Con gái bà, chị Dương Thị Thu Lê (41 tuổi) không may mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tình thương của mẹ già. Hằng ngày bà Hương nấu cơm, đút cho con gái bệnh tật ăn rồi mới an tâm dắt xe rời nhà. Hôm nào rác nhiều, bà Hương cố gắng bới nhặt kiếm thêm là hôm đó chị Lê lại ôm bụng đói chờ mẹ. 

"Nó đâu biết tự ăn cơm đâu, cứ phải đút ăn. Bởi vậy hôm nào về trễ là cứ nơm nớp lo, không biết nó có trở chứng đi tìm tui không", bà Hương tâm sự mà cứ cúi mặt nhìn bàn tay người già nhăn nheo, yếu dần, không biết còn đút cơm được cho con bao ngày!

Con gái bà không nói được, chỉ nghe, hiểu được một vài câu đơn giản. Nhìn gương mặt đờ đẫn, ú ớ không thành tiếng của chị Lê, ai cũng xót thương cho hoàn cảnh hai mẹ con.

 Bà Hương kể có những hôm vừa trở về nhà, gọi mãi không thấy con đâu, bà hoảng hốt chạy xe đạp đi tìm khắp xóm vì sợ con gái bệnh tật có bề gì. Rồi những lần người con lên cơn la hét, đập phá đồ đạc, bà đều phải nuốt nước mắt, dọn dẹp cho con. 

"Sống trong cái khổ riết cũng quen, có than trách riết cũng đâu được gì. Giờ mình còn sống ngày nào thì lo được cho nó ngày đó. Mình chết rồi không biết nó sống làm sao", bà Hương rưng rưng nước mắt thổ lộ.

Giờ tuổi già sức yếu, ngày nào đi làm bà Hương cũng nơm nớp lo mình không thể trở về với con. Nỗi niềm đời khổ oằn lên vai bà lão gầy gò với gánh nặng chén cơm manh áo cho người con đã lớn tuổi nhưng vẫn còn "bé bỏng" dựa trông mẹ già.

Ai cũng thương mẹ con bà

Ông Nguyễn Phi Hùng, trưởng ấp Bình Hòa (xã Bình Thạnh), cho biết gia đình bà Hương thuộc diện hộ nghèo tại địa phương nên mỗi lần có nhà hảo tâm hỗ trợ thì đều xem xét ưu tiên cho gia đình bà. "Ngoài gạo, mì gói hỗ trợ thì vừa rồi xã đội, thanh niên trong xã cũng đến sửa sang lại mái nhà cho mẹ con. Thấy hoàn cảnh nghèo khổ của bà Hương nên người trong xóm ai cũng thương yêu", ông Hùng chia sẻ.

******************

Ba đứa con tay chân cơ quắp, nằm bất động. Người cha già tranh thủ đút từng muỗng cơm, thỉnh thoảng lại đưa tay cạy miệng vì sợ con cắn lưỡi.

>> Kỳ tới: "Gà trống" nuôi đàn con bệnh tật

Nước mắt chảy xuôi - Kỳ 3: Thương con ai kể tháng ngày Nước mắt chảy xuôi - Kỳ 3: Thương con ai kể tháng ngày

TT - Hà Nội, một chiều đông, mưa phùn nhớp nháp. Những người có việc phải ra đường co ro trong nhiều lớp áo choàng kín ấm. Bà cụ 86 tuổi vẫn manh áo mỏng phong phanh, ngồi lặng lẽ dưới cột điện đầu phố Bảo Khánh gần bờ hồ Gươm.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên