Phóng to |
Quên hết nhọc nhằn, vòng tay gầy của bà ôm ấp, chở che đàn con bệnh hoạn bằng tình thương không bến bờ.
Gánh yêu thương
11 giờ trưa. Bà Hoa vừa nấu ăn vừa nhìn ra sân. Gió thốc vào tấm phên rách xuyên thẳng vào bếp lửa được đun bằng cành vụn và lá tre ẩm tỏa đầy khói làm mắt bà mẹ đỏ hoe.
“Đến chừ mà chúng nó vẫn chưa chịu về. Tội nghiệp, sáng nay chỉ ăn ít cơm nguội, chừ chắc chúng nó đói bụng lắm rồi” - bà Hoa nói, mắt nhìn ra ngõ đợi trông. Chừng mươi lăm phút sau, một cô gái dáng vẻ lù khù thập thò trước ngõ bởi thấy nhà có người lạ. Bà Hoa lại phải ra trấn an rồi nắm tay dắt cô gái mới chịu vào nhà. “Nó là con Giang, 36 tuổi, kề thằng út là cu Hải, 25 tuổi. Nó đi chơi ở hàng xóm chừ mới chịu về đó” - bà Hoa nói, loay hoay dọn cơm trên chiếc sàng cũ.
Chừng mươi phút sau, người con trai tóc tai bù xù, má tóp trán nhăn, lăm lăm từ ngõ thẳng vào nhà, buông vài câu nói ngọng nghịu. “Nó là thằng cu Lớn, 45 tuổi, cũng đi chơi quanh xóm về. Nó nói thằng cu Hải trưa nay không về, nó mắc chờ “ăn chực” ở một đám ma trong làng đó”, bà Hoa nói. “Điểm danh” đàn con bệnh hoạn của mình, bà Hoa lại rưng rưng nhắc đến đứa con xa nhà là cu Nhỏ, 34 tuổi, hiện được một người ở Gia Lai nuôi giúp.
Bữa cơm với dưa cải xào cùng chén nước mắm, ai cũng ăn ngon lành. Bà Hoa nói sở dĩ hôm nay trong làng có đám ma nhưng cu Lớn phải rời chỗ đó về nhà là để gánh rau đến chợ giúp mẹ. Đây là việc duy nhất cu Lớn biết làm giúp mẹ từ hai năm nay. Để một đứa con trì độn, ngớ ngẩn biết gánh, bà Hoa đã mấy lần thử đặt chiếc gánh lên vai nó, chỉ vào chiếc lưng còng và hai đầu gối da bọc xương của mình rồi nhăn mặt tỏ vẻ đau nhức nó mới chịu tập tành gánh.
Cái nghề bán rau giá của bà Hoa bắt đầu cách nay gần mười năm, tiếp theo cái “nghề” quảy gánh mua mủng gạo mủng khoai ở đầu chợ đem bán cuối chợ kéo dài hơn bảy năm. Ngồi ngẫm lại chuyện vượt qua được nghịch cảnh của mình, bà Hoa cho rằng đó là nhờ ở cái bụng thương con. Thấy con người ta biết cắp sách đến trường rồi nhìn cả một đàn con bốn đứa của mình đều bị bệnh tâm thần, bà quyết phải làm mọi cách nuôi nấng chúng. Bởi vậy bà đã gượng đứng dậy sau cái chết thảm thương vì kiệt sức ngay giữa mùa cày của người chồng cách đây 17 năm.
Nghĩ đến đàn con mà xoay xở, tính toán, trong cơn cùng khốn bà đã đi mua đầu chợ bán cuối chợ lại tìm cách đổ giá đậu xanh bán. “May là được bà con mua giùm, ngày tui cũng kiếm được mươi lăm ngàn. Nhưng lâu lâu lại ăn thâm vốn. Mấy người ở chợ lại cho tui vay trả góp để làm vốn mua bán tiếp”, bà mẹ già vẫn tri ân cuộc đời.
Mong sống mãi để nuôi con
Ông Phạm Thái Nam - trưởng thôn An Mỹ 1: “Thấy bà Hoa nuôi bốn đứa con tâm thần ai ở đây cũng thương. Chỉ có mỗi một đứa con gái lành mạnh nhưng lại có chồng xa, cũng nghèo nên không giúp được gì cho mẹ. Năm ngoái thấy mái nhà bà xập xệ quá, chúng tôi đã vận động dân làng giúp sửa lại cho vững. Cho đến nay cũng chỉ có cu Lớn có được khoản trợ cấp mỗi tháng 120.000 đồng. Năm xưa nghe tin bà Hoa cụt vốn buôn rau, thôn đã đề xuất cho bà vay 1,5 triệu đồng, khoản nợ nay vẫn còn”. |
Mắc phải bệnh thiểu năng, trì độn từ nhỏ, bốn đứa con của bà không biết học hành, làm lụng, cả đến sức khỏe cũng thua sút. Ngoài việc biết gánh rau đến chợ giúp mẹ vài năm nay, đứa con trai đầu của bà - cu Lớn - không biết làm gì khác.
Mỗi ngày, cứ xong bữa là cu Lớn lại lang thang quanh xóm. Hai em trai kế cu Lớn là cu Nhỏ và cu Hải cũng chia nhau đi long nhong khắp xóm. Có điều hơn cu Lớn là hai người biết tập tành đẩy xe, đưa lúa gặt vào máy tuốt. Bởi vậy, ngày mùa cu Nhỏ và cu Hải hay có được bữa cơm ngoài nhờ giúp những việc giản đơn như thế cho người trong làng. Nhẹ bớt gánh lo cho người mẹ, hai năm nay cu Nhỏ được một người quen dẫn vào ở kiếm cơm với một người ở Gia Lai.
Còn cô gái Giang cũng chỉ biết giúp mẹ vài việc là rửa giá và nấu mỗi một nồi cơm chứ không thể kho cá nấu canh. Nhưng Giang lại hay trái chứng, chỉ khi thích mới làm, không thì ngồi dựa xó hay đi dạo xóm. Vậy mà tất cả đều là nguồn yêu thương, động viên bà Hoa ráng làm lụng và quên cực nhọc. “Cứ chiều chiều quảy cái gánh về là tui lại bước đi nhanh để mau gặp lại chúng nó. Thấy đứa nào bị đau ốm là bụng mình cồn cào. Bữa nào thiếu chén cơm cho chúng ăn no lại thấy mình như có lỗi với chúng”, bà Hoa kể. Phải để cu Nhỏ đi ở kiếm cơm nơi xa bụng dạ bà không đành nhưng phải ráng chịu, chỉ mong mau đến tết để người ta dẫn nó về cho bà được gặp.
Thấy bà Hoa tất tả nuôi đàn con bệnh hoạn, nhiều người ở làng An Mỹ 1 nói những năm lại đây trông bà xuống sức nhanh quá. Bà Hoa cũng kể nhiều đêm nằm nghe xương cốt rã rời, sáng ra chỉ muốn quỵ xuống. Nhưng rồi nhìn đám con ngờ nghệch vây quanh, bà lại càng thấy thương chúng hơn. Vậy là bà quên hết đau mỏi, lại cắp rổ ra vườn nhổ giá, lại xăng xái với gánh rau đến chợ, lại cười vui với kẻ bán người mua, lại hăm hở khi sớm xong buổi chợ để về gặp lại các con rồi ra chăm đám lúa.
Cả đời mình đã thuộc về đàn con, bà Hoa cho rằng sung sướng với bà là ngày nào cũng nhìn đàn con ăn no bụng, ngủ yên giấc, không ốm đau, trắc trở.
“Tui chỉ mong cái nghề bán rau giá của mình được lâu bền, được mạnh khỏe mãi để làm nuôi chúng nó”, bà Hoa nói. Nghe câu nói ấy rồi nhìn bà với mái tóc trắng như mủng giá bà bán, mới hay tình thương đàn con bất hạnh đã thêm sức cho người mẹ già nua này nhiều lắm.
_____________________
Vào học năm 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Dũng mắc bệnh tâm thần. Hơn 30 năm, người mẹ vẫn ngày ngày bán vé số nuôi anh, giữ trong lòng một điều bí mật không kịp nói...
Kỳ tới: Không ai chăm sóc con bằng mẹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận