Tin rúng động: dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại họcDanh sách 207 ngành đào tạo ĐH dừng tuyển sinh 2014?Trường đào tạo 16 ngành, dừng tuyển sinh 14 ngành
Công bố như thế, hẳn nhiên bộ cũng thừa nhận sai lầm của mình khi trong thời gian dài chạy theo số lượng, cho mở trường, mở ngành dễ dãi, nâng cấp từ trường cao đẳng lên đại học ồ ạt, quá đà.
Không phải đến bây giờ Bộ GD-ĐT mới nắm được thực trạng đội ngũ và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo. Nhưng tại sao cho đến khi sau một đợt rà soát tổng thể, mới lòi ra hàng loạt ngành không bảo đảm yêu cầu tối thiểu mở ngành? Dư luận lâu nay vẫn nói bộ không làm quyết liệt vì còn giằng níu nhiều thứ. Không ít chuyên viên phụ trách nhóm trường nào là “vua” ở đấy, vừa nghiêm nghị trong vai quản lý, giám sát, lại vừa là “người nhà” thân thiết với các trường nên “đi qua, đi lại”, rốt cuộc chẳng trường nào bị xử lý. Vụ trưởng một vụ quản lý trọng yếu từng chia sẻ cơ chế quản lý giáo dục đại học thông qua giám sát và công khai kết quả giám sát sẽ cắt đi quyền lực ngầm của nhiều chuyên viên “thâm căn cố đế” ở bộ. Quyết định công khai tất cả danh sách các ngành không bảo đảm về đội ngũ đi kèm dữ liệu cụ thể về giảng viên từng ngành đã phần nào lấy lại niềm tin về vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT. Nhờ công khai, bộ cũng phát hiện được những ông thầy cơ hữu... nhiều nơi, đứng tên một lúc ở dăm ba trường, để trường nào, ngành nào cũng dồi dào lực lượng... trên giấy mà thực lực thì èo uột, đối phó, chạy đua mở ngành theo kiểu thương mại hóa.
Sau quyết định dừng tuyển sinh 161 chương trình đào tạo thạc sĩ, 57 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ của năm trước, quyết định đình chỉ tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH ngay đầu năm 2014 cho thấy Bộ GD-ĐT đã bước đầu xác lập quyết tâm mới, cách làm mới, trở về đúng vai trò quản lý, giám sát minh bạch của mình. Sự công khai sẽ là liều thuốc đắng cần thiết vì nó góp phần loại trừ cơ chế lợi ích, đi đêm, úp mở lâu nay. Nhiều trường có thể chưa phục quyết định của bộ, cho rằng bị hiểu nhầm hoặc báo cáo chưa rõ... Nhưng với sức mạnh của dư luận và công nghệ thông tin thì chuyện hiểu nhầm, báo cáo chưa đầy đủ nếu có không phải là khó khắc phục. Vấn đề là trường đại học phải hiểu đúng vai trò xây dựng đội ngũ, trả cho sinh viên quyền lợi được học trong môi trường sư phạm đủ mạnh để đủ hành trang bước vào đời. Quan trọng hơn, bộ phải quyết tâm thúc đẩy đến cùng những thay đổi trong tư duy quản lý, bất chấp sức ép, rào cản nào đó vì giáo dục không chỉ thuộc về ngành giáo dục mà còn thuộc về cả xã hội.
Một quyết định gây sốc, nếu làm tốt, Bộ GD-ĐT sẽ có được sự ủng hộ của cả xã hội. Ngược lại, nếu chỉ nặng về hô hào thì sự lờn thuốc, lờn luật của các trường sẽ chỉ khiến vai trò quản lý nhà nước của bộ ngày càng mờ nhạt và khó khăn. Sự khởi đầu ấn tượng sẽ có ý nghĩa khi nó nằm trong lộ trình chặt chẽ, thống nhất, với quyết tâm rất cao của nhà quản lý chứ không phải phút ngẫu hứng rồi vừa làm vừa phập phồng chờ phản ứng từ xã hội của những người đứng mũi chịu sào ngành giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận