Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến để thực phẩm truyền thống trở thành món ngon, sạch và bổ dưỡng từ chuyên gia, người kinh doanh - tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tấn Hải (trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng):
Tạo động lực để tăng chất lượng
An toàn thực phẩm phụ thuộc vào nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng, vì vậy phải được quản lý một cách thống nhất, một đầu mối thực hiện để có cái nhìn toàn diện.
Cơ quan quản lý nhà nước ở mỗi địa phương cần ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện theo tình hình địa phương nhằm tạo hành lang cho các nhà sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn. Có thế mới được khách hàng tin dùng, doah thu tăng lên. Đó là giải pháp căn cơ lâu dài.
Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra phải thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu lực và hiệu quả cao.
Ở Đà Nẵng, để bước đầu tạo ra cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận diện các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, ngoài các điều kiện đã được Bộ Y tế quy định, chúng tôi còn có bộ tiêu chí xếp hạng sao các cơ sở, từ 1 - 5 sao. Đây là tiền đề để khơi mào động lực nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Tất nhiên không thể bỏ qua việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và chúng tôi đang thực hiện bước đầu công việc này.
Bác sĩ Trần Quốc Cường (phó trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM):
Làm người tiêu dùng thông minh không thừa
Thức ăn truyền thống, đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là thách thức của nền ẩm thực Việt Nam. Hiện còn nở rộ thêm thức ăn nhà làm, thức ăn online... nhưng nhiều người tiêu dùng chưa quen việc tìm hiểu món ăn nấu ở đâu, chế biến ra sao, cơ sở có được cấp giấy chứng nhận, quản lý quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không...
Vì vậy, ở góc độ nhà nước cần có thêm các biện pháp tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông minh khi hiện nay thực phẩm sạch và không sạch lẫn lộn.
Trước hết, không chọn thức ăn có giá thành rẻ, vì chúng rất khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ưu tiên mua thức ăn tại chỗ để trực tiếp quan sát hàng quán, sau đó mới có thể đặt - giao thức ăn tại hàng quán đó.
Tiếp đến, nếu không mua thức ăn tại chỗ thì đặt trên mạng từ những cửa hàng có thương hiệu. Sau khi mua thức ăn về, nên hâm nóng lại, rau củ quả cần rửa lại bằng nước sạch hoặc trụng qua nước sôi.
Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM):
Nâng cao trách nhiệm cũng là bảo vệ thương hiệu
Pháp luật Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thực hiện vẫn là thách thức lớn, đặc biệt là thực phẩm từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thực phẩm nhà làm, đặc sản truyền thống.
Với các cơ sở nhỏ lẻ, cần tự giác nâng cao trách nhiệm, ý thức trong quá trình chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng nhiều cách như kiểm tra kỹ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, sức khỏe người lao động... Ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đây là cách bảo vệ thương hiệu, uy tín của cơ sở, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là với cơ sở nhỏ lẻ để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Ông Lê Văn Tuấn (chủ thương hiệu Tuấn Núi Food):
Không phó mặc cho ông đầu bếp
Theo tôi quan sát, đây là thời kỳ quán xá cạnh tranh khốc liệt khi nhiều người nhảy vào dòng dịch vụ ăn uống. Trước đây, các quán ăn thường được gầy dựng từ khách địa phương, sau đó khi có thương hiệu, có truyền thống thì được nhiều người tìm tới. Muốn mở quán, bán cho khách địa phương thì phải khảo sát rất kỹ nguyên liệu, thậm chí đi xa để tìm mua hàng hóa tươi ngon hơn.
Bây giờ mở quán rất dễ, chưa khai trương thì các mối hàng đã tới chào mời, toàn hàng đông lạnh. Cạnh tranh khốc liệt nên để đảm bảo doanh thu các cửa hàng thường "dính" hàng yếu, hàng kém chất lượng.
Dù việc mở quán ăn được kiểm soát chặt hơn so với trước đây khi có bộ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thật lòng mà nói, ai cũng có thể mở quán như "nghề tay trái".
Rồi ông chủ không có chuyên môn, không theo sát mà giao hết cho bếp thì chuyện mua hàng kém chất lượng để lấy lãi cũng là chuyện không sớm thì muộn sẽ xảy ra. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng thực thẩm từ cơ quan nhà nước là khâu đầu tiên, vô cùng quan trọng trước khi chờ lòng hảo tâm của chủ quán.
Chị Tô Thị Kiều Loan (quận Thanh Khê, Đà Nẵng):
Mua đồ ăn qua mạng nên chọn quán quen
Gia đình tôi có thói quen cuối tuần đi ăn ngoài để thay đổi khẩu vị cũng như tự giải phóng mình khỏi bếp núc. Trước hết sẽ chọn quán quen, không thì ưu tiên những quán bài trí sạch sẽ, được đánh giá ổn.
Đặc biệt khi cho các con ăn bên ngoài, tôi ưu tiên chọn những món nóng, tươi mới, vì sẽ hạn chế tình trạng ăn các món đã qua sử dụng hoặc tái sử dụng. Khi mua đồ ăn qua app, tôi cũng ưu tiên quán thường ăn. Nếu phải chọn các quán mới thì tôi tham khảo lượt đặt cũng như những đánh giá trước đó kèm hình ảnh thật của quán để có cái nhìn cơ bản trước khi đặt mua.
Chị Tăng Uyên (Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng):
Ngon nhưng chưa an tâm
Có nhiều bạn bè của tôi ở các nước đánh gia ẩm thực truyền thống của chúng ta rất phong phú và ngon. Nhưng thành thật mà nói, ẩm thực hàng quán của chúng ta lại không được đánh giá cao các khâu vệ sinh và bảo quản an toàn.
Đất nước phát triển, ẩm thực truyền thống của mình được lan tỏa, tôi hy vọng các cửa hàng cũng thay đổi theo công nghệ, chính sách pháp luật.
Ví dụ chúng ta đã quy định được việc người mở quán phải có giấy phép, được trải qua tập huấn, mỗi quán xá nên sắm cho mình máy rửa chén bát, máy tiệt trùng mà có dịp qua Nhật tôi thấy họ có sử dụng. Như thế cũng là hình thức hàng quán tự kiểm soát rủi ro cho chính mình, khách "ưng cái bụng" không lo gì việc kinh doanh.
Anh Trương Thúc Tùng (31 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM):
Chủ quan với quà quê
Vừa qua, tôi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh tráng nướng - đặc sản truyền thống được người thân mua ở quê gửi vào. Tôi còn không tin vào điều đó cho đến khi vợ tôi cũng có triệu chứng giống hệt, nhưng còn nặng hơn. Sau sự việc, tôi xem kỹ lại bịch bánh tráng nướng đặc sản thì tá hỏa khi chúng đã lên mốc đen và không có bất kỳ thông tin nào về thương hiệu, nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản...
Tôi đã chủ quan bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm với tâm lý nghĩ đó là quà quê, lâu lâu dùng một lần chắc cũng không vấn đề gì.
Bài học sau lần này là tập dần thói quen kiểm tra thông tin nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng của các sản phẩm, tránh sử dụng thực phẩm trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng.
Nguy cơ ở khắp nơi
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho rằng ngộ độc thực phẩm được chia thành nhiều loại nhưng do điều kiện bảo quản thực phẩm kém, thời tiết không ổn định... nên ngộ độc do vi sinh thường chiếm tỉ lệ cao nhất ở nước ta.
Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây tổn hại lớn đến sức khỏe, kinh tế, mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu, thậm chí định hướng phát triển của địa phương, đặc biệt là với ngành du lịch.
Vì thế, điều cần là phải cung cấp kiến thức tập huấn về an toàn thực phẩm một cách thường xuyên cho người bán hàng và cả người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan quản lý phải tăng cường việc thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong ngành an toàn thực phẩm tại TP.HCM cho rằng với dịch vụ giao hàng ngày càng đa dạng đã giúp việc mua bán thực phẩm trở nên dễ dàng, ngành sản xuất và kinh doanh thực phẩm bùng nổ nhưng khâu quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước không theo kịp thực tế. Vì thế, "mất an toàn thực phẩm đang hiện diện mọi nơi", vị này nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận