Một vụ ngâm thực phẩm trong hóa chất tẩy trắng bị bắt quả tang - Ảnh: HUY PHÁCH
Sáng nay 1-11, TAND Q.Thủ Đức (TP.HCM) xét xử vụ chủ cơ sở chế biến nông sản nhúng củ cải vào hóa chất.
Chuyện không dừng ở nhiều tấn củ cải bị ngâm hóa chất được ngăn chặn trước khi đến bàn ăn, mà quan trọng hơn là lần đầu tiên một cơ quan tố tụng TP.HCM đã truy tố, xét xử hành vi "vi phạm quy định an toàn thực phẩm".
Còn nhớ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 17-11-2015, bộ trưởng Bộ NN&PTNT khi đó là ông Cao Đức Phát đã thốt lên: "Phải lăn ra chết mới xử lý được!". Bởi theo Bộ luật hình sự (BLHS) 1999 có hiệu lực tại thời điểm đó, hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm buộc phải có người thiệt mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng mới xử lý hình sự.
Ông Cao Đức Phát đã đưa giải pháp phải sửa đổi BLHS để có thể xử hình sự được các hành vi này. Cuối cùng, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã thay đổi quy định, mở đường cho không chỉ phiên tòa ngày hôm nay!
Hành vi vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm như dùng hóa chất độc hại, hóa chất không được phép dùng trong thực phẩm phần lớn chưa thể gây chết người ngay, nhưng nó là nguyên nhân dẫn đến những cái chết mòn, cả xã hội ai cũng biết, cũng sợ, vì thế không thể chờ có cái chết mới xử.
Một thời gian dài, chưa chết - chưa xử, khiến tình trạng lạm dụng hóa chất độc, chất cấm trong thực phẩm bùng phát, gây bức xúc trong xã hội.
Và những câu chuyện tương tự không xử được như vậy không còn là cá biệt.
Tín dụng "đen" hoành hành khắp nơi, từng có thời gian không xử lý được vì trăm mưu ngàn chước lách luật của kẻ cho vay nặng lãi. Nhưng từ giữa năm 2018, công an nhiều tỉnh, thành đã "hốt" nhiều băng nhóm này. Đã có hàng ngàn đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, liên quan tín dụng "đen" bị đánh sập.
Cũng trong cảnh xử không được nhưng rồi cũng xử được, khi tháng 8-2019 Công an TP.HCM ra lệnh bắt khẩn cấp một số đối tượng, chặn đứng hành vi tạt sơn, chất bẩn vào quán phở Hòa ở trung tâm TP. Đây là một dạng hành vi "khủng bố" mà trước đó nhiều gia đình phải khốn đốn vì các băng đòi nợ thuê áp dụng khiến nạn nhân khiếp sợ.
Từng có nhiều vụ việc, nhiều nỗi bức xúc của người dân nhưng cơ quan chức năng bó tay, "không xử được" vì cho rằng vướng quy định, chưa có tiền lệ...
Vướng mắc là có thật, thậm chí khó như phải "lăn ra chết mới xử lý được" trong vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng với phiên tòa xét xử việc nhúng củ cải vào hóa chất tại Thủ Đức hay việc mạnh tay xử lý những băng nhóm tín dụng "đen", tạt chất bẩn đòi nợ bị xử lý đã minh chứng: Xử được!
Xử được, không chỉ nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra mà còn góp phần loại bỏ bớt những trường hợp "họ đổ tên thừa" mang tên "quy định", "bất cập", "chưa có tiền lệ"... vẫn thường thấy khi đâu đó bó tay trước một vấn nạn.
Xử được, cũng có nghĩa pháp luật được thực thi, bức xúc vơi đi, lòng tin mới được vun đắp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận