08/12/2016 06:24 GMT+7

​Thủ tướng Ý Matteo Renzi chính thức từ chức

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ngày 7-12 thủ tướng Ý Matteo Renzi chính thức từ chức sau thất bại của cuộc trưng cầu ý dân về những thay đổi hiến pháp liên quan tới bản chất và quyền hạn của quốc hội.

Thủ tướng Ý Matteo Renzi phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tại cung điện Chigi ở Rome, Ý - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ý Matteo Renzi phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tại cung điện Chigi ở Rome, Ý - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, với việc chính thức từ chức của ông Renzi, hầu hết các phe phái trong quốc hội Ý đều muốn thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm trong vài tháng tới.

Quyết định ra đi của thủ tướng 41 tuổi sau gần 3 năm tại nhiệm đã gây thêm một chấn động lớn nữa với các chính phủ phương Tây khi họ còn chưa thôi "choáng váng" sau kết quả bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh và việc tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Nhấn mạnh tới các rủi ro tài chính và cả những khoản nợ nặng nề mà nước Ý đang đối mặt, hãng xếp hạng tín dụng Moody đã thay đổi mức đánh giá từ ổn định xuống tiêu cực với quốc gia này.

Cũng theo Moody, những kỳ vọng về cải cách kinh tế đang rất cần thiết tại Ý trở nên khó khăn hơn nhiều sau khi người dân Ý bác bỏ các đề xuất của ông Renzi trong việc thay đổi hiến pháp và tinh gọn quốc hội.

Trước đó, khi ông Renzi đệ đơn từ chức lên tổng thống Sergio Mattarella, ông Sergio Mattarella cho biết sẽ tham vấn các đảng phái chính trị để quyết định những bước tiếp theo, do đó đã đề nghị ông Renzi tiếp tục giữ vị trí trong lúc tìm được giải pháp.

Các cuộc tham vấn này sẽ bắt đầu lúc 17g00 GMT ngày thứ năm (8-12) và kết thúc vào chiều thứ bảy (10-12). Sau đó nhiều khả năng ông Sergio Mattarella sẽ yêu cầu một thành viên trong nội các của ông Renzi hoặc một chính trị gia thuộc đảng Dân chủ của ông đứng ra thành lập chính phủ mới.

Các cuộc bầu cử theo kế hoạch sẽ tiến hành vào năm 2018, tuy nhiên nhiều chính trị gia của Ý đang kêu gọi tổ chức sớm hơn.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ý được châm ngòi với kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp. Nhưng nó cũng diễn ra đồng thời với cuộc khủng hoảng kinh tế tại Ý khi nhiều ngân hàng tại nước này đang rơi vào cảnh nợ đìa. Trong đó, đáng chú ý có ngân hàng lớn thứ ba của Ý là Monte dei Paschi di Siena, đơn vị này đang rơi vào thế sống còn tới mức sẽ phải nhờ tới chính phủ cứu trợ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên