01/04/2020 10:14 GMT+7

Thủ tướng: Nếu chúng ta không cương quyết thì hậu quả khôn lường

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng nêu rõ cách ly toàn xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội… mà phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ.


Thủ tướng: Nếu chúng ta không cương quyết thì hậu quả khôn lường - Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh lại yêu cầu cách ly toàn xã hội - Ảnh: CHÍNH PHỦ

Sáng 1-4, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020 diễn ra trong bối cảnh đã áp dụng cách ly toàn xã hội trên toàn quốc từ 0g sáng 1-4.

Giải thích thêm tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ cách ly toàn xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly toàn xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ hạn chế giao thông.

Do đó vẫn phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc.

Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.

"Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng của nhân dân" - Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ chủ động kiểm soát mọi tình hình.

Nhấn mạnh thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân.

Đồng thời nhấn mạnh từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng chống dịch".

Tăng trưởng thấp nhất 11 năm nhưng cao nhất trong các nước theo WB

Bàn về kinh tế, Thủ tướng nhắc lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31-3) nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đặt mức tăng trưởng cao nhất.

Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.

Do đó cần cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là người, những người thất nghiệp.

Vì vậy, cuộc họp hôm nay có ý nghĩa lớn khi Chính phủ sẽ thảo luận nghị quyết về gói an sinh xã hội."Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận, ban hành những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự nhưng trước hết đánh giá tác động trực tiếp nhất của vấn đề này là an sinh xã hội cho người dân", Thủ tướng nói.

Sau chỉ thị Sau chỉ thị 'cách ly toàn xã hội', siêu thị ở TP.HCM gạo, thịt... vẫn đầy ắp

TTO - Sau khi Thủ tướng ban hành lệnh "cách ly toàn xã hội", nhu cầu mua sắm của người dân một số nơi tại TP.HCM có tăng nhẹ. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy nhiều người dân rất yên tâm khi thấy gạo, trứng, mì, rau... vẫn đầy kệ.


NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên