Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023 trực tuyến với địa phương.
Điểm đáng chú ý tại nghị quyết mới ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 03 ngày 27-1-2023.
Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Tín dụng bất động sản phải được tiếp tục gỡ khó
Tăng trưởng tín dụng phải được điều hành hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cũng liên quan đến bất động sản, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-2-2023.
Một vấn đề nóng cũng được người dân quan tâm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, trình dự thảo sửa đổi nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10-2-2023.
Bộ Tài chính cũng phải khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023.
Đồng thời, chủ động có biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thực hiện theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Nhận diện khó khăn của bất động sản, đặc biệt là thanh khoản
Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản...
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 19,3%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi dự báo thời gian tới, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là trong quý 1 và đầu năm 2023.
Vì vậy, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, TP thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Khẩn trương tháo gỡ hàng loạt chương trình, dự án lớn
Về các nội dung, đề án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu có phương án huy động nguồn lực thực hiện chương trình, tháo gỡ kịp thời vướng mắc gói hỗ trợ lãi suất 2%. Khẩn trương triển khai thực hiện các dự án đầu tư đủ thủ tục, điều hòa vốn linh hoạt, đảm bảo giải ngân toàn bộ vốn của chương trình.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn, tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đề cao hơn trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả phối hợp, thực hiện giám sát các dự án công khai, minh bạch, xử lý nghiêm vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận