Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Sáng 11-8, Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 địa phương với sự tham gia của 1.200 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng dự và điều hành hội nghị có các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.
Phải độc lập tự chủ, xây dựng nền kinh tế đủ sức chống chọi với bên ngoài
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng điểm lại quãng thời gian này năm ngoái ai cũng lo âu vì dịch bệnh, song với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng hành của doanh nghiệp, đến nay chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. 2 năm qua và 6 tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, giữ được kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng, các cân đối thu chi và "thu đủ chi, làm đủ ăn", còn xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, xuất khẩu 32 tỉ USD nông sản… Năng lượng được cân đối, đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Đối với thị trường lao động, sau thời gian đứt gãy, chúng ta cơ bản hồi phục thị trường lao động. Ngoài ra, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng lên, giữ được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thậm chí hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm qua. Theo ông, dù khó khăn, vất vả và cả hy sinh nhưng doanh nghiệp luôn luôn biến nguy thành cơ, đoàn kết, thống nhất để tìm giải pháp, khắc phục khó khăn để vươn lên, phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ chúc mừng những thành quả của các doanh nghiệp dù có doanh nghiệp rút khỏi thị trường, làm ăn thua lỗ.
Đánh giá thách thức hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm ngoái là dịch bệnh, năm nay thì cạnh tranh các nước lớn, chính sách thay đổi, xung đột giữa Nga - Ukraine… tác động đến giá năng lượng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, chính sách các nước cũng làm thị trường thu hẹp, tỉ giá, lãi suất thay đổi…
"Chưa kể việc chống dịch của một số nước cũng tác động đến chúng ta", Thủ tướng nói và nhận định bối cảnh biến động trên thế giới chưa dừng lại.
Theo ông, nội tại nền kinh tế còn những khó khăn, tồn đọng và phát sinh những cái mới bắt buộc chúng ta vừa phải giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa giải quyết những vấn đề mới.
"Mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt hiện nay là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn", ông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, do độ mở nền kinh tế lớn, một diễn biến nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam nên chúng ta phải độc lập tự chủ, xây dựng nền kinh tế đủ sức chống chọi với bên ngoài và muốn làm được điều này phải phát triển các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thiếu vốn, kiến nghị không “siết chặt” tín dụng
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Ảnh: VGP
Thông báo tin vui của ngành thủy sản (7 tháng đầu năm xuất khẩu đạt đến 6,7 tỉ USD và dự kiến lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD trong cả năm), tuy nhiên để đạt được điều này, theo phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, quan trọng là sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nam cũng nhận diện những nguy cơ trong thời gian tới, trong đó thức ăn chăn nuôi đã tăng 20%, chi phối lớn đến giá cả. Chi phí vận tải quốc tế vẫn neo ở mức cao... Tuần qua, các ngân hàng đều báo không cho vay khoản vay mới, “căng nhất là siết tín dụng”, khiến doanh nghiệp không thể thu mua cá tôm của người dân nên ông Nam kiến nghị cần giải quyết về tín dụng.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) - cũng cho biết doanh nghiệp vẫn đang đối diện với tình trạng bão giá, vướng mắc pháp lý, nợ đọng và vốn. Có công trình đầu tư công đã hoàn thành 2-3 năm nhưng chưa thanh toán cho nhà thầu hay các chủ đầu tư ngoài ngân sách cũng chây ì không thanh toán, có dự án đã sử dụng 7 năm nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán...
Do đó, bên cạnh đề xuất giải pháp xử lý nợ đọng, ông Hiệp đề xuất Chính phủ ưu tiên về lãi suất đối với các doanh nghiệp xây dựng.
Với lĩnh vực bất động sản, phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng trong khi doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.
Để tăng vốn cho doanh nghiệp, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.
Số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng mạnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Dũng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, vượt xa số 105.425 doanh nghiệp cùng kỳ năm ngoái, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 là 3.335.810 tỉ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021).
Bên cạnh đó, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi phí vận tải đi quốc tế vẫn còn cao
Ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ngành dệt may đạt 26,55 tỉ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất siêu khá khả quan, đạt 11,07 tỉ USD, tăng 31%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cuối năm 2022, trong đó chủ yếu là biến động địa chính trị thế giới tác động đến ngành dệt may, lạm phát của Mỹ và châu Âu... Chưa kể nhiều lao động về quê, không trở lại.
Để tìm giải pháp, ông Cẩm đề xuất cần đẩy nhanh hoàn thuế VAT tồn đọng, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn…
Ông Lê Quang Trung - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam - cũng cho biết trong đợt khủng hoảng giá cước tăng gấp 5-7 lần vừa qua, lợi nhuận rơi vào túi các hãng lớn của nước ngoài.
Theo đó, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như than hay xuất khẩu clinker/ximăng trên 25 triệu tấn nhưng đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới, nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu đó cho đội tàu Việt Nam trên cơ sở giá thắng thầu vận tải.
Yêu cầu các địa phương tổng rà soát vướng mắc của doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng cam cộng khổ với nhân dân, đất nước để vượt qua các khó khăn trước mắt, lâu dài. Thủ tướng nhấn mạnh hiện còn nhiều những thách thức, song tin tưởng các doanh nghiệp sẽ vượt qua.
Về tín dụng, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn với các tổ chức tín dụng, song cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm vốn cho những lĩnh vực quan trọng như xây dựng nhà ở xã hội…
Thời gian tới, Thủ tướng cam kết Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Thủ tướng cho hay tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai… đối với thị trường vốn, bất động sản, lao động.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổng rà soát vướng mắc của tất cả các doanh nghiệp, có phương án xử lý dứt điểm các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền phải báo Chính phủ trước 31-8.
Đồng thời, phải thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để “làm mồi”, kích hoạt các nguồn lực của doanh nghiệp và các bộ nghiên cứu giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các địa phương không “lòng vòng”, sách nhiễu, gây thêm thủ tục hành chính khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nên tham nhũng vặt.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel, kiến nghị tăng mức giảm VAT - Ảnh: VGP
Doanh nghiệp du lịch phục hồi 130% thị trường nội địa
Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết thị trường du lịch nội địa phục hồi tốt, công ty hồi phục 130%, doanh thu nội địa đã bằng trước dịch, đây là "sự kỳ diệu", "thần kỳ".
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể chỉ tiêu 5 triệu khách du lịch quốc tế khó đạt được, nhiều thị trường quốc tế còn đóng cửa. Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước đều kiệt quệ.
Theo ông Kỳ, sức ép về tài chính với doanh nghiệp rất lớn. Mặc dù có những gói hỗ trợ, nhưng quy mô rất nhỏ nên chưa tác động lớn đến doanh nghiệp. Chủ tịch Vietravel cũng kiến nghị cần tăng mức giảm của các gói hỗ trợ thuế suất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận