03/08/2022 19:31 GMT+7

Thủ phủ làng muối có tiếng một thời giờ bỏ hoang, chỉ còn cỏ dại

LÊ MINH
LÊ MINH

TTO - Những cánh đồng muối hút tầm mắt từng là thủ phủ cung cấp muối cho người dân trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh giờ đây chỉ còn là bãi đất hoang hóa đầy cỏ dại.

Thủ phủ làng muối có tiếng một thời giờ bỏ hoang, chỉ còn cỏ dại - Ảnh 1.

Cánh đồng ở xã Hộ Độ bỏ hoang lâu ngày không còn được người dân sản xuất muối - Ảnh: LÊ MINH

Nhìn cánh đồng rộng hút tầm mắt, đầy cỏ dại và nham nhở vết đào bới ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, ít ai nghĩ rằng 20 năm trước là thủ phủ mưu sinh của hàng chục hộ diêm dân. Những ô phơi muối rộng chừng 10m2 được làm bằng xi măng lâu ngày bỏ hoang, lẩn khuất cỏ dại lưu lại "chứng tích" một thời nghề làm muối truyền thống.

Các cánh đồng ở xã Hộ Độ nhiễm mặn, không thể canh tác hoa màu nên được người dân dùng để làm muối. Nghề làm muối có từ hàng trăm năm trước, là nơi có thể cung cấp muối đi rộng khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Nhiều năm trước, cứ vào mỗi vụ nắng nóng, trên cánh đồng muối thôn Liên Xuân luôn có hàng trăm người đội nắng mưu sinh. Những cảnh tượng ấy giờ chỉ là hoài niệm đối với nhiều người dân lớn lên sống bằng nghề làm muối.

Thủ phủ làng muối có tiếng một thời giờ bỏ hoang, chỉ còn cỏ dại - Ảnh 2.

Hạ tầng sân bãi làm muối bỏ hoang xuống cấp - Ảnh: LÊ MINH

Ở xã Hộ Độ người dân sản xuất muối bằng phương pháp phơi cát. Họ sử dụng cát nhiễm mặn phơi khô, sau đó dùng cát này lọc nước biển, nước được lọc ra đưa lên sân phơi tạo ra những hạt muối trắng ngần, trong suốt.

Trong khi đó, ở một số địa phương khác người ta sản xuất muối bằng phương pháp phơi nước, không sử dụng cát lọc nên hạt muối đục hơn. Vì vậy hạt muối ở xã Hộ Độ làm nên thương hiệu và được thị trường ưa chuộng.

Song, vài thập kỷ trở lại đây nghề làm muối ở xã Hộ Độ gần như bị mai một. Nguyên nhân xuất phát từ giá muối thấp, có thời điểm không thể tìm được thị trường tiêu thụ nên muối sản xuất tồn kho hàng năm trời.

Mưu sinh nghề muối vất vả, trong khi thời điểm vào vụ mùa chỉ vỏn vẹn 3 tháng, thu nhập thấp nên người dân nơi đây bắt đầu nghỉ hẳn nghề muối để tìm một công việc khác cho thu nhập ổn định hơn.

Thủ phủ làng muối có tiếng một thời giờ bỏ hoang, chỉ còn cỏ dại - Ảnh 3.

Cánh đồng muối mênh mông ở xã Hộ Độ một thời nay trở nên hoang hóa - Ảnh: LÊ MINH

Một buổi trưa nắng gắt ở đồng muối thôn Liên Xuân, chúng tôi chỉ thấy vài người phụ nữ lớn tuổi đang làm việc trên cánh đồng rộng lớn. Những người này nói nghề muối ở đây giờ trở thành công việc chính của những người lớn tuổi. Người còn trẻ, khỏe đã bỏ nghề muối đi làm một công việc khác.

Lau vội giọt mồ hôi, bà Nguyễn Thị Hường (70 tuổi, ngụ thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ) chia sẻ, bà lớn lên đã mưu sinh bằng nghề làm muối. Trước đây, cứ mỗi mùa nắng nóng, cánh đồng muối ở thôn Liên Xuân lại tấp nập người mưu sinh. Còn hiện nay chỉ lẻ tẻ vài người bám trụ với nghề.

Thủ phủ làng muối có tiếng một thời giờ bỏ hoang, chỉ còn cỏ dại - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hường là một trong số ít người đang bám trụ với nghề làm muối ở xã Hộ Độ - Ảnh: LÊ MINH

Cũng như bà Hường, bà Nguyễn Thị Trinh năm nay đã 62 tuổi nhưng một mình vẫn mưu sinh trên động muối giữa tiết trời nắng gắt. Bà Trinh chia sẻ năng suất muối giảm, giá bán cũng thấp nên làm muối chỉ kiếm thêm khoản chi tiêu cho gia đình.

"Trong một năm nghề làm muối kéo dài khoảng 3 tháng hè. Nghề muối bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết nên trong làng phần lớn người dân chuyển sang nghề khác, thu nhập đều và ổn định hơn" - bà Trinh nói.

Lưu giữ làng nghề truyền thống

Ông Phan Đình Hinh - bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà - cho biết địa phương là một trong những thủ phủ làm muối lớn nhất của Hà Tĩnh. Vào lúc cao điểm, toàn xã có 1.900 hộ dân thì có đến 1.300 hộ hành nghề làm muối, tổng diện tích đất quy hoạch làm muối thời điểm đó hơn 198ha.

Hiện nay, do người dân bỏ nghề muối chuyển đổi sang nghề khác nên diện tích đồng muối chỉ còn 120ha.

Số diện tích này đang tiếp tục chuyển đổi sang đất hạ tầng, thương mại dịch vụ, sau chuyển đổi diện tích đồng muối chỉ còn lại 35ha. Thời điểm hiện tại, toàn xã Hộ Độ chỉ còn 27 hộ dân hành nghề làm muối trên diện tích 1,5ha.

Thủ phủ làng muối có tiếng một thời giờ bỏ hoang, chỉ còn cỏ dại - Ảnh 5.

Một người dân ở xã Hộ Độ hành nghề làm muối giữa thời tiết nắng gắt - Ảnh: LÊ MINH

Ông Hinh nhìn nhận nghề làm muối truyền thống tại địa phương này dần bị mai một bởi nhiều nguyên nhân. Khoảng trước những năm 2000 hạ tầng nghề muối như sân bãi còn tốt, muối sản xuất ra được công ty nhà nước bao tiêu sản phẩm, giá muối cao nên thu hút đông đảo lao động.

Sau này người dân không được bao tiêu thu mua muối nữa mà tự liên hệ thị trường để bán, hạ tầng không được đầu tư nên sản lượng muối giảm, giá muối lên xuống thất thường nên người dân dần bỏ nghề tìm công việc khác.

"Thanh niên trong xã lớn lên thường tìm đường xuất khẩu lao động, những người còn sức khỏe tốt tìm công việc bốc vác, làm thuê cho thu nhập ổn định hơn. Bây giờ sống bằng nghề muối chỉ còn lèo tèo một số hộ, nhưng họ chủ yếu là người lớn tuổi" - ông Hinh nói.

Cùng theo ông Hinh, toàn xã Hộ Độ còn 35ha được quy hoạch làm muối, địa phương muốn giữ lại số diện tích này để khôi phục lại làng nghề truyền thống. Tới đây xã Hộ Độ sẽ giao cho những người dân có nguồn lực số diện tích lớn để họ có thể thuận lợi sản xuất và giữ nghề.

Bắc Ninh phạt 2,2 tỉ đồng, đóng cửa sản xuất 9 tháng 6 cơ sở sản xuất ở làng nghề giấy Phong Khê Bắc Ninh phạt 2,2 tỉ đồng, đóng cửa sản xuất 9 tháng 6 cơ sở sản xuất ở làng nghề giấy Phong Khê

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định xử phạt 2,23 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê vì xả thải không đạt chuẩn ra môi trường.

LÊ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên