Mạng xã hội những ngày qua lan truyền video clip một nam thanh niên chạy xe máy chở theo một cô gái và giơ chân đạp vào tay lái xe máy người chở hàng đi cùng chiều.
Cú đạp khiến người đàn ông ngã quay đơ xuống đường.
Vụ việc xảy ra vào chiều 20-11 trên tuyến hương lộ 3, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM. Sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm, thanh niên rồ ga chạy đi...
Cứ va chạm là ăn miếng trả miếng
Giao thông tạo nên đời sống đô thị. Và không thể tránh khỏi việc di chuyển trong thành phố đôi khi có những mâu thuẫn, căng thẳng phát sinh hành vi bạo lực.
Thói "ăn miếng trả miếng" sau va chạm giao thông kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần.
Trước đó ngày 30-9, chỉ vì tranh cãi khi đi trên đường Phạm Hùng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ô tô đã đánh lái, ép ngã xe máy và va chạm với một ô tô khác đang đậu bên đường.
Những vụ xô xát, tấn công sau va quẹt xe không chỉ để lại thương tổn, mất mát cho nạn nhân và gia đình, mà đôi khi còn kéo theo hệ lụy pháp lý nặng nề cho người vi phạm.
Ngoài án phạt hành chính, họ có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự cho hành vi cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.
Ngày 5-11, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hứa Minh Quân (sinh năm 1993, ngụ Sóc Trăng) mức án chung thân về tội "giết người". Ngoài ra tòa buộc bị cáo phải bồi thường hơn 200 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Theo cáo trạng, khoảng 16h ngày 26-12-2023, sau khi uống rượu, Quân đi xe máy về nhà trọ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Khi đến trước nhà số 560 hương lộ 2, xảy ra va quẹt với một người đàn ông lớn tuổi. Quân chửi bới, vung chân đá người này.
Thấy ẩu đả, anh N.Đ.T. can ngăn, dẫn đến cự cãi với Quân. Tức giận, Quân về phòng trọ lấy dao, đồng thời chở thêm người quay lại thách thức.
Lúc này tại hiện trường có Ngô Minh Tiến (em ruột anh N.Đ.T.). Bất ngờ Quân rút dao tấn công khiến Tiến tử vong trên đường đi cấp cứu.
Ở vụ việc mới nhất thanh niên đạp ngã người chở hàng, theo các luật sư, nếu hành vi được xác định chỉ là gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích, người vi phạm bị phạt tiền 5-8 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho nạn nhân.
Trong trường hợp hành vi được xác định cố ý gây nguy hiểm cho người khác, thanh niên có thể phải đối mặt với các chế tài nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật.
Hầu hết các tình huống trên đều có điểm chung: sự thiếu bình tĩnh và văn hóa ứng xử kém khi tham gia giao thông. Nhiều người có xu hướng phản ứng thái quá, xem va chạm là sự xúc phạm cá nhân hơn là một sự cố cần giải quyết.
Không ít người mất đi khả năng kiểm soát hành vi, dẫn đến những xô xát không đáng có.
Hơn nữa một phần nguyên nhân đến từ nhận thức pháp luật hạn chế. Thay vì nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, nhiều người tự ý giải quyết theo cách "tay đôi" dẫn đến hậu quả khó lường.
Các yếu tố như rượu bia, cái tôi quá lớn và sự thiếu tôn trọng người khác cũng góp phần không nhỏ khiến những hành vi nguy hiểm này ngày càng phổ biến.
Sức mạnh hóa giải từ lời xin lỗi
Chuyện đi đứng trong một thành phố đông đúc không thể tránh khỏi những va chạm hoặc mâu thuẫn, như khi kẹt xe, thậm chí là thời tiết xấu có khi là nguyên nhân khiến người tham gia giao thông mất tập trung.
Tuy nhiên nếu cả hai bên biết xử lý một cách bình tĩnh mang tính xây dựng, mọi tình huống có thể được giải quyết nhẹ nhàng, tránh dẫn đến hậu quả xấu.
Để giảm thiểu những hành vi này, việc giáo dục ý thức giao thông và kỹ năng kiểm soát cảm xúc rất cần thiết.
Các chương trình tuyên truyền văn hóa giao thông cần tập trung vào việc khuyến khích người dân bình tĩnh, nhường nhịn và tuân thủ pháp luật.
Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi bạo lực, để không chỉ bảo vệ quyền lợi của nạn nhân mà còn răn đe các hành vi tương tự trong xã hội, làm gương cho cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và trật tự công cộng.
Bản thân tôi từng nhiều lần va quẹt xe ngoài đường, có khi phạm lỗi khiến người khác bức xúc… Ngay lập tức tôi "xin lỗi" ngay. Kết quả được đáp đền là sự cảm thông tuyệt đối.
Tôi nhận ra lời xin lỗi không có gì là yếu thế mà còn thể hiện mình biết lỗi, và đó là sức mạnh hóa giải các mâu thuẫn, đặc biệt khi tham gia giao thông tại các thành phố lớn.
Ở phía ngược lại, chúng ta cũng đã không ít lần sẵn sàng bỏ qua khi người khác tỏ thái độ cầu thị "xin lỗi".
Những nhẫn nhịn trên đường đi như thế không chỉ thể hiện thái độ văn minh mà còn giúp bảo vệ sự an toàn và giữ gìn trật tự giao thông.
Điều tương tự là thái độ biết ơn. Ngày càng có nhiều người, nhất là bạn trẻ, luôn cúi đầu biểu thị thay cho lời cảm ơn mỗi khi sang đường, hay được xe khác nhường làn...
"Một câu nhịn" giúp chúng ta không chỉ giữ gìn được sự bình an trong thời điểm đó, mà còn "chín câu lành" khi tránh được những hệ lụy lâu dài.
Nhẫn nhịn giúp duy trì sự bình tĩnh để xử lý vấn đề bằng lý trí, tạo cơ hội giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả mà không làm tình hình thêm căng thẳng. Trong giao thông, điều này không chỉ giúp đôi bên tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh.
Lời nhắc nhở của người xưa thiết thực để mỗi người tham gia giao thông rèn luyện thái độ kiềm chế, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp.
Tôn trọng luật lệ và sự an toàn của người khác chính là cách bảo vệ chính mình và xây dựng một cộng đồng giao thông văn minh, an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận