04/11/2022 14:18 GMT+7

Thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng kinh tế: Cần cơ chế giám sát tài sản

Hoàng Điệp
Hoàng Điệp

TTO - Trong quá trình khởi tố, điều tra án kinh tế tham nhũng, Công an TP.HCM đã kê biên, thu hồi được nhiều tài sản nhưng đơn vị này cũng xác định còn rất nhiều khó khăn liên quan đến quy định cần phải sửa đổi.

Thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng kinh tế: Cần cơ chế giám sát tài sản - Ảnh 1.

Vụ án Tề Trí Dũng đã kê biên thu hồi được gần hết thiệt hại trong giai đoạn điều tra - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 4-11, tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, đoàn giám sát về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã làm việc với các cơ quan tố tụng của TP.HCM về công tác thu hồi tài sản. 

Tại buổi làm việc, Công an TP.HCM nêu ra những thuận lợi và khó khăn trong công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra.

Công an: Nhiều vụ khắc phục 100% thiệt hại

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trong giai đoạn từ 1-1-2018 đến 30-9-2022, cơ quan này đã thụ lý 276 vụ án về tham nhũng và kinh tế, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng, có số tiền cần phải thu hồi là hơn 1.916 tỉ đồng.

Trong đó, với 44 vụ có tài sản thiệt hại là 1.379 tỉ đồng, các bị can đã tự nguyện khắc phục số tiền là 1.367 tỉ. 

Dẫn chứng về các vụ án với tỉ lệ thu hồi tài sản triệt để mà cơ quan điều tra đã thực hiện được trong giai đoạn điều tra, đại diện Công an TP.HCM nêu như: vụ tham ô tài sản xảy ra tại Trường tiểu học Giồng Ông Tố thu hồi đủ 7,5 tỉ đồng thiệt hại; vụ Lê Thị Thúy Vinh tham ô tài sản tại Trạm y tế Thủ Đức đã thu hồi đủ 890 triệu đồng; vụ án Phan Văn Duyệt và đồng phạm xảy ra tại Công ty Đông Phương, Công ty Tâm Phú Tài đã thu hồi đủ - hơn 14,4 tỉ đồng và đặc biệt vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm tại Sadeco đã thu hồi 1.138 tỉ đồng/1.141 tỉ đồng thiệt hại.

Các vụ còn lại không áp dụng được biện pháp thu hồi bởi nhiều lý do: bị can không còn tài sản nào hoặc vụ án đang điều tra, xác minh chưa khởi tố bị can, đang truy tìm tài sản nên chưa phong tỏa, kê biên, tạm giữ và thu hồi; hoặc một số vụ án kinh tế không có yêu cầu bồi thường thiệt hại như các vụ án về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả…

Bên cạnh những vụ án thu hồi tài sản tốt như đã dẫn chứng, đại diện Công an TP.HCM tham gia buổi giám sát còn nêu ra những tồn tại và hạn chế trong công tác thu hồi tài sản.

Cụ thể, có những vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước, công an đã điều tra truy tố nhưng chưa thu hồi được tài sản như vụ án Võ Thanh Tùng tham ô tài sản tại Trường tiểu học Lam Sơn với số tiền là 2,18 tỉ đồng; vụ án tại Công ty Kinh doanh vàng Việt Nam xảy ra tại Quỹ Tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thu hồi được số tiền 22,4 tỉ đồng.       

Thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng kinh tế: Cần cơ chế giám sát tài sản - Ảnh 2.

Đại diện Công an TP.HCM tham gia buổi làm việc - Ảnh: H.ĐIỆP

Thiếu cơ chế giám sát về tài sản

Về nguyên nhân, đại diện Công an TP.HCM cho rằng ngay từ đầu, các đối tượng vi phạm pháp luật đã có ý thức che giấu, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có; lại có tội phạm thực hiện một thời gian dài mới bị phát hiện nên tài sản đã bị tẩu tán hết, không còn tiền để thu hồi, kê biên…

"Một số đối tượng khác thì thực hiện hành vi phạm tội lấy tiền để đầu tư tiền ảo trên mạng bị thua lỗ, tiền thua là tiền điện tử chưa được Nhà nước công nhận. Ngoài ra, một lý do rất quan trọng đó là hiện chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát thu nhập, tài sản và nguồn hình thành tài sản trong dân, dẫn đến gây khó khăn cho công tác xác minh tài sản bất hợp pháp của các cá nhân liên quan đến nghi vấn rửa tiền, sử dụng nguồn tiền do người khác phạm tội mà có...", đại diện Công an TP.HCM cho biết.

Về nguyên nhân chủ quan, đại diện Công an TP.HCM cho rằng một số điều tra viên thụ lý nhiều vụ án cùng lúc, áp lực từ công tác xác minh điều tra lớn nên chủ yếu tập trung làm rõ hành vi sai phạm để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, vì vậy công tác xác minh tài sản còn bị hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại trên, đại diện Công an TP.HCM nêu ra sáu giải pháp, trong đó có việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự về việc cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp để kê biên, phong tỏa tài sản ngay trong giai đoạn xác minh đơn báo tố giác tội phạm để tránh việc tẩu tán tài sản trước khi vụ án được khởi tố; có hướng dẫn về việc kê biên đối với tài sản là vốn góp, cổ phần; có cơ chế giảm thiểu quy định sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý tài sản; cần bổ sung quy định về thu hồi tài sản thất thoát đã chuyển hóa thành tiền điện tử…

Thu hồi gần 16.000 tỉ liên quan án tham nhũng, kinh tế, tăng 290% so với cùng kỳ Thu hồi gần 16.000 tỉ liên quan án tham nhũng, kinh tế, tăng 290% so với cùng kỳ

TTO - Theo Bộ Tư pháp, hiện nay có một bất cập là chưa có Luật đăng ký tài sản, người thân của người có chức vụ không thuộc diện phải kê khai tài sản nên khó để chứng minh, thu hồi tài sản tham nhũng.


Hoàng Điệp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên