08/11/2018 05:58 GMT+7

Thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước về '10 đoạn trường của doanh nghiệp'

TIẾN LONG - L.THANH
TIẾN LONG - L.THANH

TTO - Thư ngỏ của doanh nhân Tạ Quyết Thắng gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về những 'đoạn trường' khi đi qua các cửa ải thủ tục hành chính của một doanh nghiệp cũng là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam...

Thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước về 10 đoạn trường của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng cho rằng để tháo gỡ khó khăn tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thì Chính phủ, Nhà nước cần phải tháo gỡ các văn bản pháp luật trước - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Tạ Quyết Thắng - tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường - chia sẻ: "Đất nước muốn phát triển thì phải có đầu tư, cần phải có đội ngũ doanh nhân có tâm huyết. Nhưng thủ tục hành chính như hiện nay thì làm sao doanh nghiệp (DN) đầu tư được".

"Lần này, tôi gửi thư cho Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ với ước mong ông hãy đọc hết 10 sự việc có thật, 10 "đoạn trường" của một DN khi đầu tư dự án. Và hơn bất cứ lúc nào hết, tôi mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước suy nghĩ tới việc này và bắt đầu bằng những cải cách về thủ tục hành chính".

"Vì nhiều lý do không phải DN nào cũng dám lên tiếng. Nhưng nếu cứ im lặng, không dám nói ra những bất cập của bộ máy hành chính thì mọi sự sẽ trì trệ và DN không chết mới là lạ. Bây giờ mình không thể nghĩ cho riêng công ty mình, mà phải nghĩ cho cộng đồng DN phát triển".

"Tôi đã gửi bức thư cho nhiều anh em DN, hầu hết ai cũng đồng tình, nhìn thấy nỗi khổ của mình trong đó".

Vẫn còn DN điêu đứng vì bị hành

Đồng tình với ông Thắng, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho biết hiện tình trạng trên rải thảm dưới rải đinh vẫn còn vì có những quy định, chính sách không rõ ràng khiến hiểu thể nào cũng được. 

Đây là lý do mà cán bộ thực thi tùy ý, thậm chí tùy tiện đưa ra những yêu cầu, gây khó khăn cho DN.

Chẳng hạn quy định dán phù hiệu cho xe vận tải tưởng chừng đơn giản nhưng gây trở ngại vô cùng cho DN. Có DN đã than thở họ mang hơn 100 bộ hồ sơ đến nhưng mỗi lần đến thì cơ quan tiếp nhận đều đưa lý do khác nhau như lúc thì nói bản photo bị mờ, lúc thì nói cần phải sửa nội dung này, nội dung kia. 

Sai 1 bản thì trả lại cả 100 bộ hồ sơ khiến DN hơn 2 tháng không nhận được phù hiệu dán cho xe tải. Đây chính là trường hợp "rải đinh", hành DN điêu đứng luôn.

Thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước về 10 đoạn trường của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Trường tiểu học Nam Sơn, huyện An Dương, TP Hải Phòng được khánh thành từ tháng 8-2018, sau đúng 30 ngày Công ty TNHH Sơn Trường thi công xây dựng dành tặng địa phương, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục hành chính cần thiết để đưa vào sử dụng - Ảnh: NGUYỄN BÍCH

Phải tinh giản bộ máy

Về việc cần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) như thế nào để "gỡ rối" cho các nhà đầu tư, ông Thắng đưa ra ý kiến: "Trước hết là tinh giản bộ máy đồng thời với việc hủy bỏ sửa đổi các văn bản pháp quy đã lỗi thời. 

Bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả sẽ đẻ ra nhiều văn bản pháp quy không phù hợp, nhanh lạc hậu chính là cái gốc sinh ra thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.

Và thật dễ hiểu tại sao hàng năm chúng ta đều kêu gọi cải cách TTHC nhưng gần như không có hiệu quả, thậm chí năm sau còn nặng nề hơn năm trước bởi vì chúng ta không tinh giản bộ máy hành chính.

Trong thư, tôi cũng đề đạt nguyện vọng được đối thoại với người đứng đầu các bộ, ngành để làm rõ bốn vấn đề:

1- Tôi muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Tại sao lại đưa ra một loạt các thủ tục để cấp phép xây dựng bỗng nhiên ngáng trở việc đầu tư?

2- Với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường: tại sao thủ tục cho thuê đất lại cần nhiều thủ tục đến thế, gây lãng phí nhiều thời gian và làm mất hết cơ hội đầu tư? 

3- Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: tại sao cứ phải có giấy phép xây dựng ngân hàng mới cấp vốn tín dụng?

4- Với Bộ trưởng Bộ Tư pháp: nếu các cơ quan có chức năng làm chậm (hoặc không làm) những thủ tục hành chính liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng gây tổn thất lớn cho DN (thậm chí DN còn bị phá sản) thì DN có kiện lên Tòa án hành chính được không?

Chỉ khi trả lời được những câu hỏi trên mới mong cơ quan nhà nước thực tâm vào cuộc gỡ bỏ, tháo gỡ thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN làm ăn, phát triển.

Vài nét về doanh nhân Tạ Quyết Thắng

Ông Tạ Quyết Thắng (65 tuổi, TP Hải Phòng) từng công tác trong ngành Công an và nguyên là chủ nhiệm một hợp tác xã rau nổi tiếng tại huyện An Dương. Ông được nhiều người biết đến bởi thường xuyên có những phản biện và cách làm táo bạo, quyết liệt.

Điển hình trong năm 2012, khi Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án cảng nước sâu Lạch Huyện tại TP Hải Phòng với nguồn kinh phí ODA lên tới 30.000 tỉ đồng ông Thắng đã tự làm hồ sơ chi tiết, khoa học để phản biện cho rằng dự án cảng Lạch Huyện chỉ tốn khoảng 18.000 tỉ đồng và có thể huy động nguồn vốn xã hội hoá.

Thời điểm đó ông đã nhiều lần viết "tâm thư" gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi đó là ông Đinh La Thăng nhưng không có kết quả. Sau nhiều lần đối thoại, phương án của ông vẫn không được chấp nhận.

Công ty TNHH Sơn Trường có trụ sở chính trên đường Hùng Vương, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng được ông Thắng xây dựng từ hai bàn tay trắng. Đến nay công ty đã có 28 năm xây dựng và phát triển.

Tại TP Hải Phòng, Công ty TNHH Sơn Trường đã xây tặng địa phương hai công trình tiêu biểu gồm: cầu Tam Bạc trị giá gần 80 tỉ đồng với thời gian thi công kỷ lục khi chỉ mất 50 ngày và công trình xây dựng Trường Tiểu học Nam Sơn, huyện An Dương trị giá khoảng 20 tỉ đồng với thời gian thi công 30 ngày.

TIẾN THẮNG

Tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền địa phương

Ngày 7-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kim Pha, chánh văn phòng, người phát ngôn UBND TP Hải Phòng, cho biết sẽ rà soát lại những nội dung trong "tâm thư" mà ông Tạ Quyết Thắng vừa gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ông Pha cho rằng thực tế thời gian qua thành phố Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể là việc lãnh đạo thành phố tổ chức định kỳ hàng tháng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm lắng nghe các vướng mắc và giải quyết những nội dung trong thẩm quyền của địa phương.

Trao đổi thêm với PV, một lãnh đạo huyện An Dương - nơi có 2 vấn đề mà doanh nhân Tạ Quyết Thắng đề cập liên quan đến những công trình xây dựng để tặng địa phương hiện cũng gặp khó khăn chỉ vì vướng thủ tục hành chính quá rườm rà - cho rằng những nội dung phản ánh của ông Tạ Quyết Thắng về bản chất nhằm nêu những bất cập trong thủ tục hành chính hiện nay.

Tuy nhiên, một số nội dung mà ông Thắng đề cập chưa đánh giá hết được vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng. "Tôi lấy ví dụ như công trình trường học dù là xây tặng địa phương nhưng để đưa vào sử dụng rõ ràng trách nhiệm của địa phương là phải thẩm định, đánh giá chất lượng bởi khi đã đưa vào sử dụng rồi mà xảy ra sự cố gì thì trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền địa phương" - vị này nêu.

Cũng theo vị lãnh đạo huyện này, về việc Công ty Sơn Trường của ông Tạ Quyết Thắng có ý định hỗ trợ địa phương xây dựng một cây cầu thì đến nay các thủ tục cần thiết để triển khai đã cơ bản hoàn tất.

Tuy nhiên, đến nay chưa thấy doanh nghiệp có quan điểm cụ thể về việc triển khai công trình. Trong khi đó, ông Thắng cho biết lý do chưa thể triển khai xây dựng cầu bởi đến nay Công ty vẫn chưa nhận được bản thiết kế xây dựng cũng như giấy phép xây dựng cầu.

Ông Thắng cũng cho biết đã đề cập những khó khăn về mặt thủ tục hành chính tại các cuộc đối thoại với doanh nghiệp của thành phố nhiều đến mức địa phương hứa sẽ bố trí làm việc riêng với công ty để giải quyết nhưng hiện nay vẫn không mấy tiến triển.

Thư gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước về 10 đoạn trường của doanh nghiệp - Ảnh 5.

Cầu Tam Bạc trên địa bàn quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng được Công ty Sơn Trường xây tặng thành phố sau 50 ngày thi công với tổng kinh phí gần 80 tỉ đồng, dù đã khánh thành đưa vào hoạt động gần 2 năm nay nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện giấy phép xây dựng - Ảnh: NGUYỄN LÂM

10 "đoạn trường" của ông Tạ Quyết Thắng

10 "đoạn trường" đi qua các cửa ải thủ tục hành chính của DN khi đầu tư dự án mà ông Tạ Quyết Thắng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường đề cập trong thư.

1. 10 năm của một hành trình cấp sổ đỏ do dự án đầu tư một khu nuôi tôm công nghệ cao tại xã Phù Long, huyện Cát Hải (Hải Phòng)

2. Đã trả tiền thuê đất một lần, nhà máy đã sản xuất được 2 năm đã nộp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng nhưng chưa được cấp sổ đỏ.

3. 11 năm mới được cấp bìa đỏ nhưng không được sử dụng vì quy hoạch đã bị thay đổi.

4. Chuyển đổi quyền sử dụng đất từ tên cũ sang tên mới hơn 10 năm không xong, hàng năm vẫn phải nộp tiền thuê đất nhưng không được sử dụng.

5. 3 năm không xin được mỏ đá phải đóng cửa nhà máy

6. Gần 3 năm chưa xin được giấy phép xây dựng cho việc triển khai mở rộng sản xuất bê tông đúc sẵn.

7. Dự án đang được triển khai lại bị dừng để chờ quy hoạch.

8. Cây cầu xây tặng thành phố nhưng có quá nhiều thủ tục phức tạp

9. Gần 2 năm UBND huyện cũng chưa làm xong các thủ tục thiết kế và cấp giấy phép xây dựng một cây cầu tặng người dân.

10. Trường học được cho tặng nhưng có tới 23 thủ tục mới được đưa vào sử dụng.

Chưa đạt được kỳ vọng của DN

Dù cải cách thủ tục hành chính đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng DN vẫn chờ đợi những cải cách mạnh mẻ hơn.

Ông MẠC QUỐC ANH (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội):

Doanh nghiệp phải "lót tay" để được việc

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cũng đã đạt được hiệu quả khi đã cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của doanh nghiệp, ông Quốc Anh cho rằng chưa đạt được. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải "lót tay", bôi trơn để công việc được nhanh chóng, thuận tiện và "được việc".

Cụ thể, có trường hợp doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực rác thải, xử lý môi trường. Mặc dù đây là ngành nghề kinh doanh cần thu hút đầu tư tư nhân, xã hội hóa do lâu nay chỉ có Nhà nước đầu tư, hiệu quả sinh lời không cao. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tư nhân này bỏ vốn đầu tư, họ phải mất cả năm trời để đi xin các thủ tục giấy tờ liên quan đến cấp đất, xây dựng, cấp phép dự án... nhưng vẫn không xong.

Việc kéo dài các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực xin cấp phép xây dựng, đầu tư đất đai còn nhiều cản trở. Điều này dẫn tới, doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư và cơ hội kinh doanh. Thậm chí là gặp vấn đề rủi ro lớn khi thiệt hại về chi phí, không tiếp cận được thị trường, phải dừng dự án và chấp nhận chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc rời bỏ thị trường.

NGỌC AN

Ông NGUYỄN TRÍ KIÊN (tổng giám đốc Công ty Miti):

Chỉ nói chứ hiệu quả cải cách không được bao nhiêu

Việc chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính đối với thủ tục mở rộng, xây dựng nhà xưởng vẫn không thay đổi. Nhìn chung, chỉ nói chứ hiệu quả cải cách không được bao nhiêu. Đây vẫn là trở ngại khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay.

Những quy trình cho các vấn đề này thường kéo dài rất lâu, rất phức tạp, rất khó hiểu từ phía cơ quan nhà nước đến nỗi tôi cũng không thể hiểu được tại sao nó cứ phải khó khăn và phức tạp đến vậy?

Tôi cũng đang rơi vào tình cảnh chờ đợi cơ quan nhà nước giải quyết cho việc mở rộng nhà xưởng của mình ở huyện Bình Chánh, mọi thứ cũng bị đình trệ gần 6 tháng nay. Dù hiện tôi vẫn chờ nhưng thú thật là tôi không biết đến khi khi nào mới giải quyết xong.

Và để tìm giải pháp cho bế tắc này công ty chúng tôi quyết định tìm đến... Sóc Trăng để xây dựng nhà xưởng mới.

Thông tin cứ "mù mờ" như hiện nay thì doanh nghiệp không thể nào yên tâm đầu tư sản xuất được, huống gì nói đến việc tăng tốc hay phát triển.

Bà LÝ KIM CHI (chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM):

Chính phủ quyết liệt, bộ ngành chậm rãi

Do Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên về cơ bản các doanh nghiệp hiện nay "dễ thở" hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, nỗ lực cải cách của Chính phủ vẫn còn bị một số bộ, ngành phớt lờ, vẫn còn tình trạng nhiều quy định, thủ tục, giấy phép con biến tướng dưới nhiều hình thức.

Chẳng hạn, ở ngành lương thực thực phẩm, dù Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Y tế sửa các vấn đề liên trong việc quy định sử dụng muối iot trong sản xuất thực phẩm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn im lặng không chịu sửa, khiến doanh nghiệp rất vất vả không biết phải thực hiện sao cho đúng...

T.V.N. ghi

Thân mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình liên quan những thủ tục hành chính, vấn đề bất cập trong các quy định tương tự về cho báo Tuổi Trẻ.

Vui lòng gửi thư về địa chỉ: dangdv@tuoitre.com.vn

TIẾN LONG - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên