Thật ra, giải cứu thị trường bất động sản mục tiêu chính là đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng ì ạch như hiện nay.
Hiện có khoảng 200.000 tỉ đồng đóng băng trong bất động sản (BĐS), là một trong những nguyên nhân neo lãi suất cho vay ở mức cao, cản trở doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2012 chỉ tăng khoảng 6% (không tính trái phiếu chính phủ), không có đầu tư mới làm sao có tăng trưởng. Vì vậy, phải đưa vốn “chết” thành vốn “sống” để rót vào các ngành sản xuất kinh doanh khác, tạo sinh khí mới cho nền kinh tế.
Cứu BĐS, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra nguồn vốn lãi suất chỉ khoảng 6%/năm, trong thời hạn 10-15 năm. Tuy vậy, để giải tỏa những nỗi lo, việc giải cứu phải tuân theo nguyên tắc. Thứ nhất, bước đi phải thận trọng, không làm xấu đi tình hình kinh tế vĩ mô. Thứ hai là không làm cho thị trường BĐS xấu hơn, như tăng thêm dư nợ cho vay BĐS hoặc tăng thêm nguồn cung BĐS. Điều này đòi hỏi việc rót vốn phải được kiểm soát chặt, có tiêu chí, đúng đối tượng, đúng mục đích, tuyệt đối không để bị lợi dụng.
Sẽ không lo ảnh hưởng đến lạm phát khi đưa tiền ra có tính ngay việc thu về. Lúc này tuyệt đối không bơm thêm vốn cho các công ty BĐS mà chỉ đưa vốn cho người có nhu cầu mua nhà để họ thanh toán cho công ty BĐS, sau đó ngân hàng thu nợ để cho các ngành sản xuất kinh doanh khác vay. Chúng ta chuyển nợ quá hạn hoặc đang đóng băng ở công ty BĐS thành nợ trong hạn của người mua nhà, chứ không đưa tiền ra thị trường. Năm 2012, lạm phát ở một chữ số, dự kiến khoảng 7%/năm nhưng chưa là mục tiêu cuối cùng. Năm 2013, lạm phát phải thấp hơn nữa.
Nhưng vấn đề sẽ gây tranh cãi là ai được vay vốn ưu đãi. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên là người có thu nhập thấp. Đúng là nhà ở cho người thu nhập thấp là việc phải làm, làm dài hơi và cần được đầu tư nhiều hơn. Nhưng ở thời điểm này, chúng ta đang giải cứu BĐS để giải phóng vốn. Thị trường đang tồn đọng căn hộ đắt tiền và biệt thự, trong khi căn hộ giá thấp thì không nhiều. Nếu không kích thích sức mua căn hộ giá cao và cả biệt thự thì liệu mục tiêu giải cứu có thành công?
Vì vậy, có ý kiến đề xuất được vay vốn ưu đãi mua nhà, ưu tiên hàng đầu là người có nhu cầu mua nhà để ở và người thu nhập thấp. Kế đến là người nộp thuế thu nhập cá nhân cao có nhu cầu đầu tư, trừ giới đầu cơ. Cuối cùng là công ty quản lý nợ và khai thác tài sản sau khi được thành lập cũng nên được vay vốn ưu đãi để mua lại các BĐS sau đó bán hoặc cho thuê. Sau một thời gian thuê, người thuê có thể mua luôn BĐS đó.
Cũng có người cho rằng không nên ưu đãi người có thu nhập cao. Nhưng thực tế họ lại là người có khả năng mua và chi trả các khoản vay. Hơn nữa, trong quá trình chuyển BĐS thương mại sang cho căn hộ người thu nhập thấp, các căn hộ cao cấp và biệt thự không thể chuyển được. Vậy nên chăng tạo sức hấp dẫn để người đã có nhà nhưng có tiền và muốn mua thêm nhà, căn hộ để lo cho tương lai con cái cùng tham gia để tăng thêm nguồn cầu cho thị trường. Họ được vay ưu đãi, đổi lại, họ sẽ phải chịu điều tiết thuế thu nhập cá nhân khi bán căn nhà này, hoặc chịu thuế về BĐS.
Cuối cùng, sẽ “đổ sông đổ biển” khi thực hiện giải cứu nhưng thiếu biện pháp cơ cấu lại thị trường và doanh nghiệp BĐS. Song song với giải cứu, cần làm ngay việc cơ cấu lại thị trường BĐS theo hướng cung phải theo cầu, tập trung xây nhà cho người có thu nhập thấp và trung bình. Chậm cơ cấu lại thị trường BĐS, cuộc giải cứu mất dần ý nghĩa, thậm chí cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận