12/02/2018 08:00 GMT+7

'Thư gởi ba mẹ' của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn

LÊ THỊ HỒNG VÂN
LÊ THỊ HỒNG VÂN

TTO - Từ Pháp, bạn đọc Lê Thị Hồng Vân tâm sự về cái tết lần đầu xa quê của một du học sinh. Trong lá thư xúc động gởi ba mẹ, ngoài nỗi nhớ về cái tết truyền thống, còn nhiều hoài bão của tuổi trẻ về một đất nước Việt Nam trong tương lai...

Thư gởi ba mẹ của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn - Ảnh 1.

Hội Du học sinh Việt tại California (Hoa Kỳ) đón Tết cổ truyền 2017 - Ảnh: M.P.

Ba mẹ ạ,

Đây là Tết đầu tiên con không đón tết cùng ba mẹ. 24 năm trước, năm nào con cũng được sum họp cùng ba mẹ. 

Mẹ từng dạy con: "Ngọc càng mài càng sáng". Quá trình mài giũa sẽ đau đấy, nhưng con chấp nhận và con đang tận hưởng tuổi trẻ trau rèn của mình. Rất sớm thôi trong tương lai gần, con sẽ quay về trên đôi chân cứng cỏi và trái tim đầy trải nghiệm để lại được sống ở quê hương mình."

Lê Thị Hồng Vân

Những năm tại Sài Gòn, tết trong con là không khí háo hức phấn khởi kéo vali lên tàu để về với ba mẹ, là sự tất bật mua sắm bánh kẹo với mẹ, mua cây cảnh với ba để chưng tết.

Và đặc biệt hơn nữa là được nhìn thấy nụ cười của ba mẹ khi con khoe những thành tựu nho nhỏ con đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Mời bạn đọc viết bài chuyên mục Mời bạn đọc viết bài chuyên mục 'Tết của tôi'

TTO - Nhằm ghi lại những nét đẹp về cái Tết cổ truyền của dân tộc, chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở trong thời khắc giao mùa thiêng liêng, từ hôm nay Tuổi Trẻ Online mở thêm chuyên mục 'Tết của tôi'. Kính mời bạn đọc tham gia.

Nhưng Tết năm 2018 này, con sẽ không có cơ hội sống trong bầu không khí ấm áp này.

Ở phương trời châu Âu, con đang có một cuộc sống vô cùng tốt. Môi trường sống trong lành không khói bụi, thực phẩm sạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng, một căn phòng nho nhỏ trong khu kí túc xá rất hiện đại. 

Hơn nữa, những kiến thức con học được từ trường rất quý báu và thực tiễn. 2 năm trước khi mới tốt nghiệp đại học, con vẫn còn khá mông lung về định hướng bản thân, nhưng sau khi đi làm và được đi học, con đã xác định rõ về con đường phát triển của mình. 

Con có những người bạn Việt Nam và bạn Tây rất tuyệt vời. Con cùng các bạn thường hay tổ chức những bữa tối nấu các món ăn truyền thống, và đi du lịch. Con được đi xa, được gặp nhiều người và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau.

Người Việt mình cũng rất tích cực đi khắp năm châu bốn bể. Ở Paris, Berlin, California, v.v. đều có một cộng đồng lớn người Việt sinh sống. 

Tết năm nay, để đỡ nhớ nhà, con sẽ tham gia gói bánh chưng cùng các bạn sinh viên Việt Nam tại thành phố con đang sống. 

Ngày 30 Tết, con sẽ được mặc áo dài để cùng hội người Việt Nam tại thành phố này đón tết âm lịch. Hôm nay con mặc thử tà áo dài và ngắm mình trong gương. Con thực sự bất ngờ vì không ngờ áo dài Việt Nam lại đẹp đến thế. 

Trong gương không còn là cô bé lì lợm nghịch ngợm thời cấp Ba của 7 năm về trước, mà là một cô gái trưởng thành và tự hào với tấm áo dài mình đang mặc.

Ba mẹ thấy đấy, Tết năm nay con sẽ tham gia rất nhiều hoạt động. Nhưng trong lòng con canh cánh một nỗi cô đơn khó tả vì Tết này không có ba mẹ bên cạnh. 

Trong những ngày thường nhật, nỗi nhớ nhà thường bị vùi lấp bởi lịch đi học dày đặc, bởi những cuộc vui thâu đêm với bạn bè. Nhưng trong những ngày cận Tết, khi bè bạn bắt đầu check-in về nhà, nỗi nhớ nhà tự nhiên quay quắt vô cùng. 

Chiều nay đi học về trong tuyết trắng, tự nhiên con rơi nước mắt, nhớ ba mẹ, thương ba mẹ Tết này đón Tết một mình, không có ai phụ giúp ba lau dọn nhà cửa, không có ai phụ mẹ nấu mâm cơm cúng Ông Bà ba ngày Tết. 

Con kể điều này cho bạn con cũng là một du học sinh xa xứ, bạn con bảo con mít ướt. Ừ đúng là vậy, con nhận ra dù trưởng thành thế nào, dù có tự tin phản biện nơi xứ người như thế nào, thì tận trong sâu thẳm, con cũng vẫn là một con mèo ướt thích ngủ với mẹ.

Tuy nhiên, con hiểu rằng, nếu con cứ nuông chiều bản thân và giữ mình trong vùng nước an toàn xung quanh ba mẹ, con sẽ không thể biết được giới hạn mình đến đâu. 

Mẹ từng dạy con: "Ngọc càng mài càng sáng". Quá trình mài giũa sẽ đau đấy, nhưng con chấp nhận và con đang tận hưởng tuổi trẻ trau rèn của mình. Rất sớm thôi trong tương lai gần, con sẽ quay về trên đôi chân cứng cỏi và trái tim đầy trải nghiệm để lại được sống ở quê hương mình. 

Càng đi xa, con thấy Việt Nam càng đẹp. Mọi người hay bảo con hay là đi học rồi kiếm cách để định cư bên này luôn, nhưng con thì không nghĩ vậy. 

Con luôn nghĩ, con đường con đi bây giờ là công sức của những người trước đó, và bây giờ là lúc con có trách nhiệm mở ra con đường cho người khác. 

Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như cơ sở hạ tầng chưa phát triển, ô nhiễm môi trường, trộm cắp cướp giật. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước đang phát triển và mang trong mình nhiều sức bật. 

Việt Nam sẽ luôn cần những ủng hộ giống như cách ba mẹ đã đặt niềm tin vào con. Con tin một ngày nào đó, Việt Nam sẽ phát triển vững bền và mạnh mẽ giống như những đất nước phát triển mà con đã đang và sẽ được đặt chân đến.

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi ' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

LÊ THỊ HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên