31/08/2024 11:44 GMT+7

Thời công nghệ - thời phụ nữ đứng ra làm chủ

Theo trang Strongdm, khoảng 17% số công ty công nghệ hiện nay đang có một phụ nữ giữ cương vị giám đốc điều hành (CEO).

Khi phụ nữ làm chủ công nghệ - Ảnh 1.

Bà Reshma Saujani, nhà sáng lập kiêm CEO của tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code, chụp hình cùng với cuốn sách Brave, not Perfect (Dũng cảm, không hoàn hảo) của bà - Ảnh: Girls Who Code

Các nữ lãnh đạo đã có những bước tiến vững chắc trong việc tạo lập vị thế của họ ở lĩnh vực mà cho đến nay nam giới vẫn đang áp đảo.

Theo bình chọn của chuyên trang công nghệ Wired, trong số các nữ lãnh đạo công nghệ được đánh giá là có ảnh hưởng nhất của năm 2024 khi xét về năng lực lãnh đạo, cấp độ đổi mới sáng tạo, cũng như những đóng góp quan trọng của họ với công nghệ, có những tên tuổi nổi bật như:

Bà Mira Murati, giám đốc công nghệ của công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI; bà Linda Yaccarino, giám đốc điều hành của mạng xã hội X (thuộc sở hữu của tỉ phú Mỹ Elon Musk); bà Catherine Lian, tổng giám đốc và nhà lãnh đạo công nghệ tại IBM ASEAN; và bà Reshma Saujani - nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code.

Vì một nửa thế giới trong làng công nghệ

Trong những năm qua, tỉ lệ phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ đang dần tăng, thể hiện sự thay đổi tích cực của ngành này. Theo khảo sát vào quý 1-2023 trên trang Wearesimplytalented, tính đến năm 2023, khoảng 23% các lập trình viên là nữ, tăng từ 19% vào năm 2021.

Tại Mỹ, phụ nữ chiếm khoảng 26% lực lượng lao động công nghệ vào năm 2022. Ngoài ra, tại các khu vực như Đông Á cũng đã chứng kiến sự tiến bộ đáng kể, với gần 30% lập trình viên là nữ vào đầu năm 2023, một bước nhảy vọt so với tỉ lệ chỉ là 15% vào năm 2021.

Sự bùng nổ này có thể được lý giải bởi các sáng kiến khuyến khích các cô gái bước vào các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), bao gồm các khóa học lập trình ngắn hạn, học bổng và các chương trình cố vấn.

Khi các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy những cơ hội này, xu hướng gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong công nghệ sẽ còn tiếp tục.

Trong thập niên qua, đã có sự gia tăng về tỉ lệ nữ giới giữ các vai trò lãnh đạo công nghệ, nhưng vẫn chưa thật tương xứng. Theo Công ty Deloitte Global, các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu ước tính có khoảng 33% đại diện nữ trong lực lượng lao động của họ vào năm 2022. Tuy nhiên, dù có tiến bộ này, phụ nữ vẫn chỉ chiếm khoảng 5% số vị trí lãnh đạo trong ngành.

Hơn nữa, một cuộc khảo sát vào năm 2022 cho thấy 38% các vị trí việc làm công nghệ chỉ mời phỏng vấn nam giới, rõ ràng những thành kiến vẫn tồn tại trong quy trình tuyển dụng.

Nếu tình hình vẫn duy trì như hiện nay, có thể phải đến năm 2060 mới đạt được sự cân bằng giới tính 50/50 trong ngành công nghệ.

Tôi tin rằng một hành động dũng cảm sẽ mở ra cánh cửa cho rất nhiều hành động khác. Nhưng lòng dũng cảm cũng giống như cơ bắp: khi bạn luyện tập, nó sẽ phát triển. Khi bạn bỏ bê, nó sẽ teo lại. Chúng ta rất dễ sa ngã và quay trở lại với bản năng cầu toàn của mình. Lòng dũng cảm không phải là việc "làm một lần là xong" - chúng ta phải biến nó thành một thực hành, giống như thiền định.

Reshma Saujani

"Không cần hoàn hảo, hãy dũng cảm"

Khi nói về những nỗ lực trao cơ hội cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ, có lẽ không thể không nhắc tới sáng kiến tham vọng của bà Reshma Saujani, nhà sáng lập kiêm CEO của tổ chức phi lợi nhuận Girls Who Code.

Cùng với một cuộc đời riêng đầy cảm hứng và những nỗ lực đóng góp cho tổ chức Girls Who Code, người phụ nữ này đã thực sự truyền một động lực lớn lao cho những phụ nữ có đam mê công nghệ trên thế giới.

Bà Reshma Saujani sinh năm 1975 tại Chicago (Mỹ), trong gia đình có cha mẹ là người nhập cư Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Illinois, bà nhận bằng thạc sĩ chính sách công tại ĐH Harvard và bằng tiến sĩ luật tại ĐH Yale.

Trước khi sáng lập tổ chức Girls Who Code, bà từng tranh cử vào Hạ viện năm 2010, trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Ấn đầu tiên tranh cử vào Quốc hội Mỹ, mặc dù lần đó bà đã không thành công.

Bà Saujani thành lập tổ chức Girls Who Code vào năm 2012 sau khi nhận thấy sự thiếu vắng rõ rệt của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học máy tính trong thời gian bà tham gia chiến dịch tranh cử quốc hội năm 2010. Girls Who Code nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong ngành công nghệ bằng cách cung cấp cơ hội giáo dục và tài nguyên về lập trình cho các cô gái.

Mục tiêu đầy tham vọng ban đầu là đào tạo 1 triệu lập trình viên nữ vào năm 2020, sau đó đã mở rộng thành một sứ mệnh lớn hơn: xây dựng một mạng lưới hỗ trợ các cô gái trong lĩnh vực công nghệ.

Theo trang web của tổ chức, tới nay Girls Who Code đã tiếp cận được hơn 500.000 cô gái và thành lập hơn 8.500 câu lạc bộ trên toàn thế giới.

Tổ chức này đã tạo ra tác động to lớn trong giáo dục khoa học máy tính cho học sinh phổ thông, góp phần cân bằng giới trong lĩnh vực công nghệ.

Girls Who Code có mạng lưới cựu sinh viên ngày càng mở rộng, với hơn 80.000 người đã tốt nghiệp đại học.

Thực hành lòng can đảm

Bà Reshma Saujani từng chia sẻ với Đài ABC News (Mỹ) về ba cách bà thực hành lòng can đảm mỗi ngày vì bà tin rằng bằng cách rèn luyện sự can đảm, phụ nữ có thể sống cuộc sống đầy ý nghĩa và tự do hơn.

* Giữ cho năng lượng luôn đầy đủ: Tự chăm sóc bản thân để không bị kiệt sức là rất quan trọng. Đối với bà Saujani, điều này bao gồm việc tập thể dục thường xuyên, ngay cả khi bạn bận rộn cỡ nào đi nữa.

p Làm điều mà bạn không giỏi: Hãy thử thách bản thân bằng cách đối mặt với những hoạt động bạn thường e ngại, né tránh để rèn luyện "cơ bắp" can đảm.

p Ngừng việc làm hài lòng người khác: Hãy nói lên suy nghĩ của mình mà không sợ bị đánh giá, bởi việc im lặng có thể khiến bạn cảm thấy cay đắng và mất đi chính mình.

Khi phụ nữ làm chủ công nghệ - Ảnh 2.Khi phụ nữ thay đổi chính mình

TTO - Cuộc sống trở nên 'bừng sáng' khi phụ nữ biết thay đổi. Một số phụ nữ bước qua được 'sóng gió' nhờ tự thay đổi cách suy nghĩ, cách sống làm cuộc đời tốt đẹp hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên