Thứ 3, ngày 13 tháng 4 năm 2021
"Khi thực sự tồi tệ, hãy gọi đến phụ nữ"
TTO - Ở tuổi 63, bà Christine Lagarde lại "nhảy việc" theo một nghĩa vui của từ này, bởi bà chuyển từ vị trí tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Bà Christine Lagarde - Ảnh: Reuters
Cách đây 8 năm, người phụ nữ tóc bạch kim Lagarde nhận chức giám đốc IMF nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên ngay sau khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính.
Song chính hoàn cảnh nhiều thách thức đã khiến thế giới nhận ra, ghi công bà ở tài năng chèo lái định chế tài chính có trụ sở tại Washington vững vàng vượt qua những giai đoạn sóng gió nhất khi ấy. Trong đó phải kể tới việc bà đã xử lý thành công cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng tại Hi Lạp.
Vẫn là người tiên phong
Kể từ ngày 1-11 tới, bà Lagarde sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 8 năm trên cương vị lãnh đạo ECB. Theo Hãng tin AFP, bà sẽ lại trở về một vị trí "quen thuộc": là người tiên phong trong một giai đoạn khó khăn và quá quen với việc thường là người phụ nữ duy nhất trong phòng làm việc.
Bà Lagarde từng là nữ chủ tịch đầu tiên của một hãng luật lớn toàn cầu, Hãng Baker and McKenzie có trụ sở tại Mỹ. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên làm bộ trưởng tài chính Pháp năm 2007 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy khi Pháp là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 có bộ trưởng tài chính nữ. Và một điều chắc chắn, bà cũng là một chủ tịch ngân hàng trung ương đầu tiên từng là vận động viên bơi nghệ thuật, đã có 3 năm tham gia đội tuyển quốc gia Pháp.
Người phụ nữ này luôn cho rằng kinh tế sẽ phát triển mạnh hơn nếu có thêm những người phụ nữ nắm quyền lãnh đạo. Cũng chính bà từng nói, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 rất có thể đã không xảy ra nếu tập đoàn Anh em nhà Lehman (Lehman Brothers) là "Chị em nhà Lehman".
Ý bà muốn nhắc tới vụ phá sản tập đoàn tài chính Lehman Brothers, vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ năm 2008. "Sự tập trung lớn hơn cho phụ nữ trong các tổ chức sẽ dẫn tới việc quản trị và ra quyết định tốt hơn. Tôi vẫn cho rằng phụ nữ có một cách tiếp cận với rủi ro khác đàn ông", bà từng chia sẻ quan điểm như vậy với tạp chí Elle hồi đầu năm nay.
"Các nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy, bằng việc gỡ bỏ những rào cản không cho phụ nữ tham gia thị trường lao động, GDP có thể tăng lên đáng kể", bà nói.
Tuy nhiên, vì không phải là một nhà kinh tế học nên với cương vị mới tại ECB, bà lại làm nên "lần đầu tiên" khác trong sự nghiệp: chủ tịch ECB đầu tiên không phải là lãnh đạo ngân hàng trung ương của một nước. Thế nhưng vì đã từng là lãnh đạo của IMF, một tổ chức có tới 189 nước thành viên, rõ ràng bà "thừa tiêu chuẩn" để làm lãnh đạo ECB.
Quen với "vách thủy tinh"
Đây không phải lần đầu tiên bà Lagarde được giao trọng trách vào một thời điểm quá nhiều thách thức. Tiếng Anh Mỹ có cụm từ "vách thủy tinh" (glass cliff) để chỉ tình huống một người được thăng chức trong một tổ chức vào thời điểm có quá nhiều khó khăn, khiến họ gần như sẽ thất bại.
Tình huống này dường như luôn gắn với bà Lagarde, tới mức trong chương trình truyền hình "The Daily Show" của Mỹ gần đây, người dẫn chương trình Trevor Noah hỏi có phải bà đã quá quen với "vách thủy tinh" không, bà đã đồng tình về chuyện đó.
Tuy nhiên người phụ nữ này tự hào về điều đó khi nói thêm: "Bất cứ khi nào tình huống thực sự, thực sự tồi tệ, bạn sẽ gọi đến phụ nữ".
Năm 2011, khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc IMF, bà Lagarde đã đương đầu với "vách thủy tinh" vào thời điểm rất nhiều quốc gia vẫn đang gượng dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Và đúng là lần này, với châu Âu, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, khủng hoảng Brexit cũng như những căng thẳng thương mại bao trùm, đã lại "gọi" đến bà. Vai trò mới sẽ khiến bà trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới của lĩnh vực tài chính quốc tế, là người điều hành lĩnh vực tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bà Lagarde nhiều lần chia sẻ thẳng thắn về tình trạng kỳ thị giới đã phải đối mặt trong sự nghiệp, những thách thức một phụ nữ như bà phải vượt qua khi nặng gánh hai vai, một bên công việc, một bên gia đình. Bà cũng là người đấu tranh mạnh mẽ vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu.
Bí quyết mạnh mẽ, dẻo dai
Ở tuổi 63, bà Christine Lagarde là một "huyền thoại" về sức khỏe dẻo dai cả về thể chất lẫn tinh thần. Như đã nói, bà từng là vận động viên bơi nghệ thuật trong đội tuyển trẻ của Pháp. Bà vẫn tập luyện thể thao mỗi ngày, đôi khi là những giờ tập tranh thủ ngay trên ghế trong các cuộc họp. Bà không ăn thịt trong 40 năm qua và từng chia sẻ với tạp chí Elle "bí kíp" giả vờ uống rượu trong các buổi dạ tiệc như thế nào.
Bà Christine Lagarde sinh ra trong một gia đình trung lưu có cha mẹ là nhà giáo. Bà đi học tại thành phố cảng Le Havre ở miền bắc nước Pháp và sau này theo học trường trung học nội trú dành cho nữ sinh ở Maryland trước khi quay về học đại học tại Pháp. Bà rất thành thạo tiếng Anh và đã sống tại Mỹ trong các năm từ 1999-2005.
-
TTO - Tàu sân bay Trung Quốc đang ở đâu và làm gì sau khi vào Biển Đông đang là câu hỏi của nhiều người. Giới quan sát quân sự khu vực chú ý một động thái đáng báo động của quân đội Trung Quốc ngay khi tàu sân bay Mỹ rời Biển Đông.
-
TTO - Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa có kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp lễ 30-4, 1-5, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
-
TTO - Nhiều bạn đọc quan tâm về các thủ tục liên quan việc đăng ký cấp, cấp đổi thẻ căn cước công dân, Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu nội dung giải đáp từ cơ quan chức năng.
-
TTO - Sáng 13-4, Công an tỉnh Thanh Hóa công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Hồ Đình Tùng - phó chủ tịch thường trực HĐND thị xã Nghi Sơn.
-
TTO - Hôm 12-4, kênh YouTube Thơ Nguyễn đăng clip thông báo hoạt động trở lại nhưng thay thế Thơ Nguyễn bằng một nhân vật khác, đồng thời không bật nút kiếm tiền từ nay về sau.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận