Không chỉ nam mà kể cả nữ, ít ai dám khẳng định mình chưa bao giờ "say nắng" cả, nhưng điều quan trọng nhất là làm sao đủ bản lĩnh để thoát khỏi "cơn say" vừa chớm để tránh hệ lụy về sau.
Một số chuyên gia tâm lý nhận định rằng khoảng chục năm sau kết hôn, khi người phụ nữ đã yên bề chuyện chồng con, gạt bỏ lắng lo phiền muộn như kinh tế và áp lực gia đình, họ thường dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Ở thời điểm ấy, "cơn say nắng" dễ tìm đến. Làm sao đủ bản lĩnh để vượt qua "cơn say", không để mình "chìm sâu" vào yêu đương, nhung nhớ một người đàn ông khác không phải chồng mình?
"Say" trong tâm tưởng
Chị Đ.H. (41 tuổi, ở Hà Nội) vừa thoát khỏi gánh nặng tâm lý khi trải qua một cơn "say nắng".
Dịp Tết vừa rồi nhân dịp họp lớp, chị gặp lại mối tình đầu là người bạn đồng niên đã gắn bó với chị những năm tháng học trò đến tình yêu thời sinh viên. "Tôi đã phải rất vất vả mới có thể chấm dứt được việc ngoại tình trong tâm tưởng" - chị Đ.H. thổ lộ.
Kết hôn đến nay đã 15 năm, có hai đứa con chăm ngoan, học giỏi, người ngoài nhìn vào ai cũng ngưỡng mộ cuộc sống của hai vợ chồng. Công việc ổn định, tiền bạc đã đủ cho hai vợ chồng đổi sang được một căn chung cư cao cấp hơn. Nhưng chị thừa nhận rạn nứt của vợ chồng xuất phát từ khi về đến căn nhà mới.
Vốn là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội, hai vợ chồng chị bảo nhau cố gắng làm lụng, tích cóp mãi cũng mua được một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại thành. Đường đi làm xa xôi, nhưng cả hai cùng xây dựng quy tắc dù công việc có bận rộn đến thế nào cũng gác lại để về nhà trước bữa cơm tối. Chính bữa cơm đoàn viên mỗi tối đã giúp chị "giữ lửa" yêu thương của gia đình suốt 15 năm qua.
"Nhưng từ ngày về nhà mới, một tuần họa hoằn lắm chúng tôi mới ngồi cùng nhau ăn bữa cơm tối. Anh đi làm về là mấy ông bạn ở chung cư rủ chơi thể thao đến tối, còn các con cũng "chạy sô" cho kịp ca học thêm. Ban đầu tôi còn nấu cơm tối đợi mấy bố con, nhưng sau rất nhiều lần phải bỏ thức ăn thừa, riết rồi chẳng ai đợi ai vì bữa cơm nữa" - chị Đ.H. tiếc nuối.
Chị đã thử vài ba "chiêu thức giữ lửa", từ tâm sự nhỏ nhẹ cho đến khi lời qua tiếng lại cãi vã, hoặc nhờ đến các con gọi bố về ăn cơm đúng giờ, nhưng nhiều lần anh ham vui đến mức mắng luôn cả con. Căn nhà mới ít tiếng cười nay lại thêm xô bát, xô đũa. Sau cùng, chị chọn cách im lặng. Chị tự biện minh bây giờ hoàn cảnh nhà nào cũng như vậy, con cái lo việc học hành, còn anh chơi thể thao cũng tốt hơn cho sức khỏe.
Chị trở nên trầm lặng hơn. Cho đến khi gặp lại mối tình đầu. Họ gặp nhau trong buổi họp lớp. Ánh mắt si tình của người đàn ông đó vẫn dõi theo chị như ngày xưa. Họ xích lại gần nhau hơn khi cả hai cùng ngồi chung bàn ăn, mạnh dạn hỏi xin số liên lạc của nhau...
Trở về, chị bắt đầu thấy nhớ ánh mắt ấy. Lúc chồng đi chơi thể thao, chị nhắn tin tâm sự cùng người ấy. Cảm giác hồi hộp của ngày xưa dội về khiến chị không tài nào dứt ra được. Chị như được giải tỏa mọi dồn nén khi giãi bày cùng người xưa.
Khoảng thời gian đó, chị bắt đầu quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình hơn, sắm sửa nhiều váy áo mới, thưởng cho bản thân đôi giày cao gót ưa thích - món đồ mà chị dường như bỏ quên suốt bao năm tháng thanh xuân chăm lo cho chồng con.
Chị hào hứng vào bếp, nấu những bữa ăn thật ngon - không phải để cho chồng, mà là để chụp hình và khoe với người ấy.
Sắp xếp lại tâm hồn
"Cho đến một lần tivi đang chiếu bộ phim về gia đình, có phân cảnh chồng xách vali "trả vợ" về nhà mẹ đẻ, con gái bỗng nhiên ôm lấy mẹ rồi thủ thỉ: "Mẹ ơi, mẹ phải sống thật hạnh phúc nhé!". Nước mắt ở đâu bỗng giàn giụa, tôi như bừng tỉnh sau cơn say" - chị Đ.H. nhớ lại.
Chị chọn cách chia sẻ cùng con gái, kể cho con nghe về những bữa cơm gia đình đầm ấm, về hạnh phúc gia đình khi được sẻ chia, trò chuyện cùng nhau sau một ngày mệt nhoài. Rồi chính con gái lại thủ thỉ điều đó với bố, giúp anh như "tỉnh ngộ". Anh bớt thời gian chơi thể thao lại, chú tâm đến vợ, tranh thủ về sớm phụ giúp vợ trong gian bếp nhỏ. Các con của chị cũng ráng sắp xếp lại việc học để có thể ăn cùng mẹ bữa cơm tối.
Còn bản thân chị, điều đầu tiên sau khi thoát cơn "say nắng" là cắt đứt mọi liên hệ với người xưa. Chị còn đăng ký ngay lớp học yoga để giải phóng những năng lượng tiêu cực, cho trí óc thông suốt.
Cũng có đôi lúc hình ảnh người xưa thoáng hiện lên trong đầu nhưng chị mỉm cười nhắc nhở bản thân đó chỉ là cơn "say nắng" tạm thời. Để nhen lại "lửa yêu", chị lên lịch hẹn hò với chồng mỗi tuần. Cuối tuần cả hai như "hóa vợ chồng son", tay nắm tay cùng tận hưởng không khí tươi mát ở nơi xa nội đô, xua tan mọi buồn phiền trong cuộc sống.
Khi người phụ nữ không tìm thấy được nhu cầu hỗ trợ tinh thần
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho rằng thực tế không ít những gia đình hạnh phúc, cuộc sống đầy đủ nhưng người phụ nữ vẫn "say nắng" những người đàn ông khác.
"Cả hai giới đều có thể phát triển tình cảm của mình với không chỉ một người mà nhiều người khác nhau. Đôi khi tình yêu và sự hấp dẫn có thể phát triển dựa trên sự chia sẻ sâu sắc, hiểu biết, tương thích về tính cách, sở thích...
Tuy nhiên, trong tình huống một phụ nữ thích người đàn ông khác khi đã có gia đình, rất có thể người phụ nữ không tìm thấy được nhu cầu hỗ trợ tinh thần, tình cảm và sự thấu hiểu ở gia đình hiện tại mà chính xác hơn là ở người chồng hiện tại" - chuyên gia Hoàng phân tích.
Khi gặp những cảm xúc "say nắng", theo chuyên gia, điều đầu tiên cần làm trong lúc này là thấu hiểu bản thân. Hãy tự phân tích và thấu hiểu tình cảm và cảm xúc của mình. Cố gắng bằng cách viết ra những gợi ý, chứng cứ để xem xét một cách khách quan nhất đây là cảm xúc nhất thời hay là cảm xúc lâu dài.
Tiếp theo đó, nêu ra những lý do tại sao bạn thích người đàn ông đó mà không phải chồng hay người khác. Những đặc điểm đó của họ có phải là những đặc điểm thuộc về nhân cách của họ không hay chỉ là những biểu hiện nhất thời?
Sau đó xem xét lại mối quan hệ của bạn với chồng mình, có những thiếu sót gì của chồng bạn và của bạn cần phải giải quyết mà lâu nay hai vợ chồng không nhận ra?
Hãy nói chuyện với chồng về những cảm xúc hiện tại của bạn về mối quan hệ giữa hai người và bày tỏ rằng đây là giai đoạn cần thiết để thấu hiểu nhau nhằm vun đắp mối quan hệ.
Hãy vun đắp tình yêu hằng ngày
Nhiều người cho rằng khi đã kết hôn, có con cái sẽ không cần vun đắp, chiều chuộng nhau như những ngày yêu đương. Chính điều này khiến nhiều gia đình lạnh dần, dễ xảy ra những cuộc chia ly.
Theo chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng, vợ chồng cần thường xuyên tương tác, chia sẻ, trao đổi, thấu hiểu... nhằm vun đắp mối quan hệ không bị phai nhạt.
Mỗi thành viên trong gia đình có vai trò nhất định trong xây dựng hạnh phúc gia đình, mà vợ chồng là hai chủ thể ảnh hưởng chính. Vì vậy, nếu tâm thế của một trong hai người luôn ở trạng thái không cần phải vun đắp, chiều chuộng nhau như trước kia nữa thì đó là một trong những sai lầm chính gây ra đổ vỡ.
Mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách khác nhau để vun đắp tình cảm. Hãy dành thời gian riêng cho nhau thông qua các hoạt động hằng ngày, dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu nhau, cùng nâng đỡ nhau phát triển trong vai trò làm cha mẹ và sự nghiệp, chia sẻ với nhau trách nhiệm gia đình, bày tỏ tình cảm với nhau bằng cách nói lời yêu thương, tặng quà, ôm, hôn... Hãy làm việc cùng nhau để chủ động cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong mối quan hệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận