13/10/2019 14:15 GMT+7

Thổ tấn công người Kurd, EU lo lắng

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Rạng sáng 12-10 (giờ VN), Lực lượng dân chủ Syria (SDF) thông báo ít nhất 5 tù binh thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã vượt ngục tại thành phố Qamishli, nằm ở phía bắc Syria, tại khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ tấn công người Kurd, EU lo lắng - Ảnh 1.

Một vụ nổ tại thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Caylanpinar, gần khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Việc IS "hồi sinh" là vấn đề lớn đối với Liên minh châu Âu (EU), khi làn sóng người tị nạn trốn IS có thể tìm mọi cách đến lục địa già.

EU không thể chấp nhận kiểu “tống tiền” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte

Kêu gọi EU họp khẩn

SDF là liên minh vũ trang do các tay súng người Kurd dẫn đầu, với mục đích chính là tiêu diệt IS. Liên minh này do Mỹ bảo trợ, trước đó vào ngày 23-3-2019 đã tuyên bố chiến thắng IS sau đợt truy quét quyết định vào cứ điểm cuối cùng do IS nắm giữ ở Syria.

Hiện nay người Kurd cũng kiểm soát một số khu vực phía bắc Syria, nơi tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân Thổ lại cho rằng người Kurd tại Syria và cả Iraq có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức tại Thổ bị chính quyền Ankara liệt vào hàng khủng bố. Chính vì vậy, trong cuộc không kích hôm giữa tuần Thổ khẳng định muốn nhắm vào người Kurd ở Syria.

Lo ngại về việc IS quay lại nằm ở chỗ người Kurd đang cai quản những nhà tù giam giữ chiến binh IS, và nếu bận bịu đối phó Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các trại giam bị phá hủy, tù nhân sẽ vượt ngục, theo Đài CNN.

Việc IS quay lại sẽ là một vấn đề lớn đối với EU. Trong nhiều giai đoạn bất ổn khác nhau của Syria tính từ năm 2011, người tị nạn tại Syria và các khu vực khác ở Trung Đông đã vượt Địa Trung Hải để nhập cư vào châu Âu.

Cuộc khủng hoảng tị nạn - nhập cư này tạo gánh nặng rất lớn cho các chính trị gia châu Âu, góp phần thúc đẩy làn sóng dân túy và chính trị cực đoan. Các đảng cực đoan mang quan điểm chống nhập cư đã lớn mạnh tại châu Âu.

Chính vì vậy, ngay khi có tin Thổ Nhĩ Kỳ không kích ở Syria, hàng loạt nhân vật cấp cao tại châu Âu đã lên tiếng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 11-10 kêu gọi liên minh chống IS họp khẩn, với lo ngại tổ chức này tái sinh. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12-10 đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất trí phối hợp sâu sát về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng leo thang

Cơ quan phụ trách vấn đề châu Âu của Pháp ngày 11-10 cho biết sẽ bàn biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp EU tuần sau, liên quan tới vụ không kích nêu trên của Ankara. Nguy cơ căng thẳng EU - Thổ Nhĩ Kỳ bị khoét sâu đang hiển hiện.

Lâu nay EU vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề nhân quyền, đã ngần ngại trong việc phê chuẩn cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó có một đòn bẩy quan trọng trên bàn đàm phán, vì đây được xem là cánh cửa của dân tị nạn tràn vào châu Âu.

Theo thỏa thuận năm 2016, EU cung cấp hàng tỉ euro hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ để nước này giúp ngăn dòng người di cư vào châu Âu. Nhưng đến nay, Ankara khẳng định số tiền này được thanh toán quá chậm, theo Reuters.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói sẽ "mở cửa và gửi 3,6 triệu người tị nạn" sang châu Âu. Hôm 11-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chỉ trích ông Erdogan vì quyết định không kích và lời đe dọa này.

Tình hình diễn biến phức tạp sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đã có những cuộc pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm trúng vị trí quân nhân Mỹ ở Syria. Lầu Năm Góc yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng toàn bộ hoạt động có thể mang tới "hành động phòng thủ ngay lập tức" của Mỹ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích "bỏ rơi đồng minh" người Kurd vì quyết định rút quân khỏi Syria, Washington đang cảnh báo sẽ trừng phạt Ankara nếu có động thái "vô nhân đạo và không thích hợp" nhằm vào thường dân ở đông bắc Syria.

Pháp và Đức ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ Pháp và Đức ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ

TTO - Pháp và Đức đã quyết định ngưng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này tấn công người Kurd tại Syria, cùng lúc phong trào biểu tình phản đối Ankara diễn ra tại một số thành phố châu Âu.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên