31/07/2015 13:34 GMT+7

​Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd thay vì IS?

HẢI YẾN
HẢI YẾN

TTO - Sau tuyên bố tăng cường chiến đấu chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tấn công các căn cứ quân sự của người Kurd tại Iraq và Syria. Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công người Kurd thay vì IS?”.

Binh sĩ người Kurd ở Syria - Ảnh: Reuters

Để có được câu trả lời, trước hết cần tìm hiểu về cộng đồng người Kurd tại Trung Đông cùng mối quan hệ giữa họ với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Người Kurd là ai?

Người Kurd là một nhóm người thiểu số có ngôn ngữ và tập quán riêng. Quá khứ du mục của người Kurd khiến cộng đồng của họ bị phân tán ra nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia.

Sau sự sụp đổ của đế chế Ottoman và Qajar cũng như sự hình thành các quốc gia hiện đại ở Trung Đông, một số nước như Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối người Kurd thiết lập một quốc gia độc lập.

Điều này biến người Kurd trở thành cộng đồng dân tộc không có quốc tịch đông đảo nhất thế giới với gần 25 triệu người. Mãi cho đến nay, họ vẫn đang kiên trì đấu tranh cho quyền tự trị của mình với đại diện tiêu biểu là Đảng Lao động người Kurd (viết tắt là PKK).

Người Kurd đóng vai trò gì ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Với khoảng 15 triệu người, cộng đồng người Kurd chiếm đến 1/5 tổng dân số Thổ Nhĩ Kỳ (chủ yếu là người Hồi giáo Sunni).

Cho đến nay, cuộc chiến giành quyền tự trị cho người Kurd giữa PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua ba thập kỷ đầy đau thương và chết chóc, đỉnh điểm có đến hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột vào năm 1984.

Vào năm 2012, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc thảo luận bí mật với lãnh đạo PKK là Abdullah Ocalan để chấm dứt cuộc xung đột. Cuộc thương lượng đã dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên vào năm 2013.

Tuy nhiên, dấu rạn đầu tiên trong hiệp định mong manh này đã xuất hiện sau khi người Kurd buộc tội Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không hỗ trợ người Kurd Syria chống lại IS ở thị trấn biên giới Kobane.

Căng thẳng lại tiếp tục gia tăng vào tuần trước, sau khi một cuộc đánh bom liều chết ở thành phố phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra làm chết 32 người. Người Kurd cho rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm về điều này khi không kiên quyết chống trả lại IS.

Như giọt nước làm tràn ly, các cuộc không kích dữ dội của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày vừa qua chính thức khai tử cho thỏa thuận ngừng bắn trên. Tiến trình hòa bình giữa người Kurd và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã đầy trắc trở - nay lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Vai trò của người Kurd ở Iraq và Syria

Người Kurd được xem là bộ phận dân tộc thiểu số đông đảo nhất tại Iraq và Syria khi lần lượt chiếm đến 20% và 30% dân số tại các nước này.

Tại Iraq, họ thậm chí còn có chính quyền bán tự trị riêng cũng như có đại diện chủ chốt trong chính quyền trung ương, trong đó có cả tổng thống.

Lực lượng dân quân người Kurd Iraq, được gọi là peshmerga, chính là lực lượng chủ chốt đã đẩy lùi sự tấn công của IS trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, cộng đồng người Kurd tại đây đã có nhiều cơ hội hơn để củng cố sức mạnh và sự tự tin của mình. Họ từng bước trang bị quân đội và vạch ra vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chính quyền dân sự của riêng mình tại Syria.

Đảng Liên hiệp dân chủ người Kurd ở Syria (viết tắt là PYD) là thành phần chính trị quan trọng nhất trong cộng đồng người Kurd tại nước này. PYD được cho là có mối quan hệ khá sâu sắc với PKK.

Do đó, đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, PKK và PYD đều là các lực lượng khủng bố gây nguy hiểm đến sự tồn vong của họ. Ankara lo ngại rằng những gì người Kurd đang đạt được tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập nên một quốc gia cho riêng mình.

Nỗi sợ của Thổ Nhĩ Kỳ

Sự thiện chiến và khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong cuộc chiến chống lại IS của người Kurd đã củng cố hình ảnh quốc tế của họ. Giờ đây người Kurd được cho là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS toàn cầu.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại bị buộc tội gián tiếp hỗ trợ IS trong cuộc chiến này. Chính Tổng thống Barack Obama từng công khai phàn nàn về chính sách mở cửa của Thổ Nhĩ Kỳ khi chính sách này cho phép chiến binh thánh chiến từ khắp nơi trên thế giới đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Syria một cách dễ dàng.

Thêm vào đó, Ankara còn từ chối liên minh chống IS tiếp cận với các căn cứ không quân Incirlik khổng lồ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chỉ cách biên giới Syria 60 dặm. Điều này gây khó khăn khi buộc không quân Mỹ phải bay từ căn cứ ở vùng vịnh Ba Tư hay từ tàu sân bay ở Địa Trung Hải đến chiến đấu với IS.

Trong thực tế, chính Mỹ quyết định hỗ trợ (mà sau đó là công khai hợp tác) với người Kurd Syria trong cuộc chiến chống IS. Điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ rằng sự yểm trợ của Mỹ có thể gia tăng sức mạnh của người Kurd, biến họ thành mối đe dọa đối với không chỉ IS mà còn với cả Ankara.

Nỗi sợ thứ hai đến từ nội bộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Song song với việc người Kurd tại Syria đạt được lãnh thổ và được quốc tế công nhận, ở Thổ Nhĩ Kỳ người Kurd lại có thêm nhiều ghế trong quốc hội. Điều này khiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng Đảng cầm quyền AKP cảm thấy quyền của mình bị lung lay hơn bao giờ hết.

Hai mối lo trên cộng hưởng với lịch sử xung đột đẫm máu giữa hai dân tộc trong tiến trình đòi quyền tự trị của người Kurd khiến cho Ankara hết sức quan ngại. Đó chính là lý do mà chính quyền Recep đang coi họ như mục tiêu chính cần phải kìm hãm.

HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên