Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Cứu hộ ở Myanmar như đi tìm chính người thân của mình

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn động đất Việt Nam tại Myanmar: "Chúng tôi xác định đi tìm các nạn nhân như tìm chính người thân, đồng bào của mình, vì nhân dân Myanmar...".

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Cứu hộ ở Myanmar như đi tìm chính người thân của mình - Ảnh 1.

Thượng tướng Vũ Hải Sản (phải), thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng Trung tướng Nguyễn Trọng Binh (giữa), phó tổng tham mưu trưởng, trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khi đoàn công tác xuống sân bay Nội Bài tối 8-4 - Ảnh: NAM TRẦN

Tối 8-4, đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam tại Myanmar đã đáp chuyến bay an toàn về tới sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội sau hơn một tuần thực hiện nhiệm vụ.

Như đi tìm chính người thân của mình

Tại sân bay, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), trưởng đoàn công tác, đã có những chia sẻ về nhiệm vụ tại Myanmar những ngày qua.

Ông Tỵ cho biết công tác cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar lần này khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều so với nhiệm vụ tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2-2023.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam đã làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, nhiệt độ cao.

"Nhiều thi thể nạn nhân bị vùi lấp dưới đống đổ nát sau động đất đã phân hủy, ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ tới sức khỏe của các quân nhân khi làm nhiệm vụ. Không chỉ vậy, tại hiện trường vẫn liên tục xuất hiện các dư chấn nhỏ khiến nguy cơ sập đổ công trình, tiềm ẩn rủi ro luôn hiện hữu", ông Tỵ cho hay.

Ngoài ra theo ông Tỵ, công tác tìm kiếm càng thêm gian nan, khó khăn hơn khi thiếu các thiết bị chuyên dụng hạng nặng như máy xúc, máy ủi để có thể hỗ trợ.

Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên trong đoàn vẫn kiên trì đào bới bằng các thiết bị thô sơ, thậm chí bằng tay không để đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

"Chúng tôi xác định đi tìm các nạn nhân như tìm chính người thân, đồng bào của mình, vì nhân dân Myanmar anh em", ông Tỵ chia sẻ.

Kỳ tích giữa thảm họa

Ông Tỵ cũng xúc động khi nhớ lại một trong những nhiệm vụ khó quên tại Myanmar lần này.

Đó là quá trình tìm kiếm tại bệnh viện tư nhân Oattara Thiri, thủ đô Naypyidaw, đoàn nhận được thông báo có 17 người mất tích và ngay lập tức vượt qua nhiều trở ngại, các quân nhân Việt Nam đã đưa toàn bộ 17 thi thể ra khỏi khu vực đổ nát.

"Khi thi thể cuối cùng được đưa ra, rất nhiều người dân Myanmar, đặc biệt là thân nhân của các nạn nhân đã bật khóc cảm ơn. Vì trước đó đã có nhiều đoàn cứu hộ khác đến hiện trường nhưng không thể tiếp cận và đưa nạn nhân ra ngoài.

Đây có thể coi là một kỳ tích giữa thảm họa động đất mà chúng ta đã làm được, khiến lực lượng cứu hộ quốc tế cũng phải khâm phục và trân trọng", ông Tỵ xúc động kể lại câu chuyện.

Ngay khi về nước, đoàn đã nhanh chóng cơ động trở lại đơn vị và sẵn sàng nhận các nhiệm vụ tiếp theo.

Dự kiến chiều mai 9-4, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức lễ tuyên dương đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã cử 80 cán bộ, chiến sĩ cùng các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết, 6 chó nghiệp vụ và nhiều tấn hàng hóa đến hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Tính đến 17h30 ngày 6-4, đoàn cứu hộ - cứu nạn của Việt Nam đã tìm thấy và đưa ra khỏi đống đổ nát 28 thi thể nạn nhân, đặc biệt cứu sống được một người.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Cứu hộ ở Myanmar như đi tìm chính người thân của mình - Ảnh 3.Các đội cứu hộ quốc tế rút dần, mưa gió cản trở cứu trợ tại Myanmar

Công tác cứu hộ sau động đất tại Myanmar dần bước vào giai đoạn kết thúc khi các đội quốc tế rút đi, trong khi mưa dông tiếp tục cản trở quá trình phục hồi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên