20/08/2022 08:54 GMT+7

Thiếu thuốc, câu chuyện 20 năm

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Từ cách đây 20 năm (năm 2002), Bộ Y tế khi ấy đã chủ trì hội thảo về giá thuốc, ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp thời điểm đó đều cho thấy giá thuốc tại Việt Nam cao.

Thiếu thuốc, câu chuyện 20 năm - Ảnh 1.

Cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Chưa kể những "chiêu" cầm tay bác sĩ kê đơn, mua bán lòng vòng trên hóa đơn để nâng giá thuốc, thiết bị… khiến thị trường các sản phẩm phục vụ y tế luôn như ẩn như hiện, thật khó xác định.

Từ năm 2017, Bộ Y tế bắt đầu tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia với hàng trăm mặt hàng thuốc có giá trị sử dụng lớn, số mặt hàng thuộc danh mục đàm phán giá hiện cũng lên tới trên 700 mặt hàng.

Giá thuốc thuộc danh mục này đã giảm so với giá mua trước đó, như gói thầu năm 2022 - 2023 vừa hoàn tất, giá trị lô thuốc trong gói đã giảm 17,25% so với giá mua năm trước, tổng tiền giảm được lên tới 1.337 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với sự hân hoan vì giá thuốc giảm, năm nay tình trạng thiếu thuốc điều trị cho người bệnh, thiếu vật tư y tế làm cả ngành y tế và người bệnh căng thẳng.

Trong số các nguyên nhân được chỉ ra, có cả nguyên nhân quy định hiện hành cứ "ép" giá thuốc giảm xuống mãi (thông qua quy định giá trúng thầu phải bằng hoặc thấp hơn thị trường thời điểm mua), trong khi giá các mặt hàng khác đều tăng.

Đơn cử gần đây, khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) chào thầu thuốc chứa hoạt chất Tenofovir cho người nhiễm HIV, có 6/18 doanh nghiệp có số đăng ký mặt hàng này cho biết giá đầu vào/giá sản xuất cao hơn giá kế hoạch của trung tâm, và trung tâm không mua được thuốc.

Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết họ đang thiếu/có nhưng không dồi dào khoảng 30% số thuốc, thiết bị sử dụng cho khám chữa bệnh.

Trong 1,5 tháng gần đây, nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch đã phải giảm công suất mổ tim xuống còn 50% so với trước do thiếu thuốc đông máu Protamin sulfat. Bệnh viện phải "vay, nhượng" thuốc lẫn nhau và chỉ mổ 50% so với trước, có nghĩa là 50% bệnh nhân có chỉ định mổ phải mổ chậm, hoãn mổ...

Nhưng thông tin trước 15-8 cho thấy thuốc đông máu thiếu đến mức có nguy cơ phải dừng mổ tim không đến được Bộ Y tế, không bệnh viện nào báo cáo chuyện này để tìm giải pháp. Chuyện chỉ vỡ lở khi báo chí vào cuộc. Và cách đây vài hôm, 28.000 ống thuốc Protamin sulfat đã về.

Thiếu thuốc do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ Bộ Y tế, nhưng bộ lại yêu cầu bệnh viện thiếu thuốc thì lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm.

Điều này đã dẫn đến một kết quả đau lòng là: thiếu thuốc thì ảnh hưởng đến người bệnh, còn báo cáo thì không. Không ai muốn vướng vào trách nhiệm cả!

Để thị trường thuốc hoạt động lành mạnh, giờ đây giá thuốc, vật tư y tế ra sao là một phần quan trọng, nhưng quản lý để doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này vận hành lành mạnh, doanh nghiệp "làm ăn" được nhưng cũng phải đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân,

các thuốc tốt dễ mua dễ tìm, thay cho việc cào bằng một cơ chế, mặt hàng nào cũng phải ép giá khiến nhiều thuốc tốt khó cạnh tranh, có nguy cơ rời khỏi thị trường... cũng quan trọng không kém.

Đã 20 năm câu chuyện giá thuốc vẫn còn nguyên, vẫn phức tạp, và giờ đây thêm chuyện thiếu thuốc, thiếu thiết bị trầm trọng, cho thấy cuộc sống vẫn còn nhiều yêu cầu với ngành y tế và các bộ ngành chuyên về quản lý giá cả, chất lượng.

Minh bạch thị trường để người bệnh đỡ "rầu" mỗi khi vào bệnh viện, để chuyện này không lặp lại thêm một chu trình 20 năm.

Nhưng không biết câu chuyện 20 năm này còn kéo dài đến bao lâu nữa.

Thiếu thuốc nhưng Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?

TTO - Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế âm ỉ từ lâu, sau dịch COVID-19 thực tế này càng nhức nhối. Đặc biệt, gần đây nhiều bệnh viện vẫn thiếu nhưng lại ngại báo cáo?

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên