18/08/2022 09:22 GMT+7

Thiếu thuốc và thiếu năng động

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TTO - Tháng trước, tôi có người quen bị tai nạn gãy xương đòn. Bác sĩ bảo phải phẫu thuật để nẹp lại chỗ gãy nhưng bệnh viện không còn nẹp, chưa rõ lúc nào mới có.

Thiếu thuốc và thiếu năng động - Ảnh 1.

Cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Bệnh nhân đành phải mổ ở bệnh viện tư, nghe đâu tốn kém gấp gần 10 lần số tiền đồng chi trả nếu như được mổ bảo hiểm y tế.

Tôi là khách hàng thường xuyên của bảo hiểm y tế (BHYT). Mấy tháng qua, khi đi khám bệnh luôn nhận được những thứ thuốc lạ. Tôi nói với bác sĩ: "Xin cho thuốc như trước đây, tôi thấy dùng khá ổn". Bác sĩ lắc đầu: "Không có, nên phải thay thế bằng thuốc này". Ông bác sĩ này còn nói: "Nếu anh muốn thì tôi kê đơn như cũ, nhưng anh phải ra ngoài mua".

Người ta vẫn thường khẳng định BHYT là để xóa bao cấp, góp phần nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân không còn là nạn nhân của cơ chế xin - cho. 

Xét cho đúng bản chất, bệnh nhân BHYT là đối tượng đóng tiền trước theo mức lương hằng tháng, khi không may ốm đau sẽ được chi trả trở lại. Những tưởng như vậy là khoa học và hợp lý, nhưng thực tế cho thấy bệnh nhân đi khám BHYT luôn phải chịu không ít áp lực từ cung cách hành xử nặng tính ban phát.

Chưa bàn về thái độ phục vụ, qua việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiếu trang thiết bị trầm kha ở các bệnh viện đã bộc lộ nguyên dạng lề thói làm việc kiểu gặp chăng hay chớ, có gì cho nấy, không có thì thôi. Nói cách khác, rõ ràng là nhiều bệnh viện chưa tôn trọng, thậm chí vô cảm, trước sức khỏe và tính mạng người bệnh. 

Họ có thể viện mọi lý lẽ để biện luận, nào là do dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nào là sau dịch có đông người đổ về khám bệnh, nào là cơ chế đấu thầu, mua sắm còn vướng nhiều mặt chưa được tháo gỡ…

Bất thường, trắc trở là có thật. Nhưng theo ông Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nói trong một cuộc hội thảo mới đây tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhờ làm tốt công tác dự báo, Bệnh viện Bạch Mai chỉ thiếu khoảng 5 - 10% thuốc điều trị. 

Dù số lượng bệnh nhân tăng đột biến gấp 5 lần so với các năm trước, bệnh viện vẫn cung ứng kịp thời các thuốc thiết yếu, cơ bản. Ông Cơ còn cho biết trong khi chờ đợi các gói thầu tập trung, hoặc nối lại hay thiết lập nguồn cung ứng mới, bệnh viện do ông lãnh đạo đã đưa ra nhiều giải pháp năng động nhằm khắc phục tình trạng khó khăn. 

Ông nhấn mạnh: "Tất cả những việc chúng tôi làm đều rất minh bạch. Chúng tôi tự tin trong mua sắm. Nếu như tới đây các văn bản pháp quy được sửa theo hướng dễ làm, chắc chắn sẽ không có sự e ngại nào". Bệnh viện Bạch Mai làm được, sao các nơi khác không làm được?

Thiếu thốn đủ thứ đang trải khắp các bệnh viện từ trung ương tới địa phương. Lạ hơn nữa, vấn đề nóng như vậy lại để kéo dài suốt mấy tháng qua mà vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả, kể cả ở cấp cơ sở lẫn cấp xây dựng chính sách. 

"Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực khám chữa bệnh, đồng thời buộc bệnh nhân phải bỏ tiền để mua thuốc bên ngoài bù cho những gì bệnh viện không có, gây mất công bằng, tác động không nhỏ tới an sinh xã hội". Đó là ý kiến của TS Nguyễn Quang Huy - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - đưa ra trong cuộc hội thảo nêu trên.

Các bệnh viện mổ tim TP.HCM hiện không thiếu thuốc Protamin sulfat Các bệnh viện mổ tim TP.HCM hiện không thiếu thuốc Protamin sulfat

TTO - Viện Tim hiện còn hơn 3.300 ống có thể đủ dùng trong 3 tháng và khi hết thuốc chắc chắn sẽ có nguồn thuốc khác bổ sung, còn tại Bệnh viện Nhi đồng TP hiện còn hơn 400 ống có thể sử dụng trong 1 năm...

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên