Một vị khách cưỡi thử con heo nặng 750kg trong một trang trại ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam - Ảnh: AP
Ở Trung Quốc những ngày này, ai sở hữu được đàn heo to như đàn gấu xem như là giàu.
Trang trại nuôi heo của ông chủ Pang Cong ở thành phố Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây, là một điển hình thành công. Mỗi con heo ở đây có thể nặng ít nhất 500kg, bán được hơn 10.000 nhân dân tệ (hơn 32 triệu đồng) lúc xuất chuồng.
Để so sánh, số tiền đó nhiều hơn gấp 3 lần thu nhập trung bình tháng ở địa phương.
Theo Hãng tin Bloomberg, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2019, dịch tả châu Phi đã quét sạch phân nửa đàn heo của Trung Quốc, tương đương hàng trăm triệu con.
Do vậy đây là lúc ý tưởng "càng to, càng ngon" phát huy tối đa trong ngành chăn nuôi ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, nông dân vỗ béo đàn heo đến 175 - 200kg thay vì chỉ để khoảng 125kg như bình thường. "Càng to càng tốt nhé" - ông Zhao Hailin, một nông dân địa phương, mô tả.
Xu hướng này không chỉ giới hạn trong nông trại nhỏ, các nhà sản xuất lớn ở Trung Quốc như Wens Foodstuffs Group, Cofco Meat Holdings, Beijing Dabeinong Technology Group... cũng chạy đua tăng trọng đàn heo.
Theo nhà phân tích Lin Guofa thuộc hãng tư vấn Bric Agriculture Group, chỉ cần tăng trọng lượng mỗi con heo lên 140kg, từ mức trung bình 110kg, lợi nhuận đã tăng vọt 30% nên không khó để hiểu tại sao người nuôi lại sốt vó đến vậy.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cảnh báo nguồn cung thịt heo ở nước này sẽ cực kỳ thiếu thốn cho đến tận nửa đầu năm 2020; chỉ riêng năm nay đã thiếu khoảng 10 triệu tấn, vượt quá khả năng cung ứng của thế giới.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc ra sức kêu gọi nông dân sớm tái sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhiều người vẫn còn sợ sau khi mất hết tài sản vì dịch tả, chưa kể giá heo giống tăng cao khiến bài toán tái đầu tư không hề đơn giản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận