Ngày 12-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác tiếp tục làm việc tại tỉnh Vĩnh Long về nội dung giao mỏ cát cho các tuyến cao tốc theo nghị quyết 60 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết nhu cầu vật liệu cát cho các dự án cao tốc đang triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để đảm bảo tiến độ thi công.
Cụ thể, An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3.
"Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài khoảng 110km, cơ bản đã hoàn thành đào hữu cơ, thảm vải địa kỹ thuật. Nhưng hiện nay các tỉnh chỉ cung cấp cát mới đủ làm một số đoạn đường gom. Toàn bộ tuyến gần như đã đào xong rồi để đấy", ông Lâm nói và đề nghị Vĩnh Long sớm ưu tiên bàn giao mỏ cát.
Ông Đặng Quốc Khánh cho rằng Chính phủ đã ban hành nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc. Bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn, đây là cơ sở cho các địa phương áp dụng.
Ông Khánh đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác, nhưng cũng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình khai thác, cung cấp cát đến công trình. Xử lý nghiêm nếu xảy ra trường hợp cát khai thác sử dụng không đúng mục đích.
Ông Đào Anh Xuân Nhựt - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long - cho biết tỉnh đang giao sở tham mưu, xem xét cấp phép khai thác mỏ vàm Trà Ôn 3 và Trà Ôn khu vực 3, trữ lượng dự kiến khoảng 1,1 triệu m3 để phục vụ cáo tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất giao cho nhà thầu lập thủ tục thăm dò, khai thác mỏ Trà Ôn khu vực 1 và mỏ Trà Ôn khu vực 2, với tổng trữ lượng dự kiến khoảng 2,2 triệu m3", ông Nhựt cho hay.
Nhưng theo ông Lữ Quang Ngời - chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khó khăn nằm ở chỗ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ là văn bản thông thường, không phải văn bản quy phạm pháp luật.
"Trước đây việc này đã gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, quyết định cấp phép khai thác cát cho các nhà thầu. Văn bản cũng không quy định phải thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng và không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc này chưa đảm bảo cơ sở về kỹ thuật, khoa học", ông Ngời nói và cho biết sau khi Chính phủ thống nhất cần đánh giá tác động môi trường, qua cuộc làm việc này tỉnh thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận