28/09/2023 08:46 GMT+7

Thiếu cát làm cao tốc ở ĐBSCL: Vẫn căng thẳng tìm giải pháp

Tình trạng thiếu cát làm cao tốc tại ĐBSCL đang ngày càng trầm trọng. Để bảo đảm tiến độ các dự án cao tốc đang được đồng loạt xây dựng trong vùng, nhiều ý kiến cho rằng nên kết hợp việc nền đắp cát và phương án cầu cạn.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đang thiếu cát san lấp - Ảnh: Chí Hạnh

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đang thiếu cát san lấp - Ảnh: Chí Hạnh

Những ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo khoa học "Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông" do Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 27-9 trong bối cảnh còn rất căng thẳng để tìm kiếm giải pháp.

Quá khó cho vùng ĐBSCL

Ông Khương Văn Cương - tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - cho hay tập đoàn này đang thi công nhiều dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó có đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2...

Với dự án cao tốc ở ĐBSCL nói chung, ông Cương cho hay do khan hiếm nguồn cung vật liệu cát đắp nền nên việc triển khai thi công các dự án vô cùng khó khăn, nhiều dự án đang phải sử dụng nguồn cát từ Campuchia với cự ly vận chuyển xa nên giá cát đội lên cao.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Anh - phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, nhà thầu được Bộ GTVT và các địa phương giao cho thực hiện 13 dự án cao tốc, trong đó có 8 dự án ở miền Trung, 5 dự án ở ĐBSCL - cho rằng không chỉ các dự án cao tốc ở phía Nam khan hiếm vật liệu thi công mà nhiều dự án ở khu vực miền Trung có thời điểm cũng không có vật liệu thi công dù dự án nằm ngay cạnh mỏ vật liệu.

Ông Anh thông tin cụ thể rằng nhà thầu Trường Sơn đang thi công cùng lúc ba dự án thành phần của tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chạy qua ba tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, các dự án cao tốc trục dọc như Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. 

Việc thi công các dự án này đều thiếu nghiêm trọng cát đắp nền đường. Trong năm 2023 Tổng công ty Trường Sơn cần 1,8 triệu m3 cát để đắp nền các dự án nhưng đến thời điểm này ở tỉnh An Giang mới phân bổ 1,1 triệu m3 cát, song mới đây sau vụ việc doanh nghiệp khai thác cát bị bắt ở tỉnh này, nhà thầu không có nguồn cát để thi công.

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Long An có hứa phân bổ cho nhà thầu Trường Sơn 400.000m3 cát, tỉnh Đồng Tháp hứa phân bổ cho nhà thầu khoảng 800.000m3 cát nhưng đến thời điểm này chưa có được nguồn nào. Trong khi nhà thầu vẫn phải bỏ toàn bộ chi phí về thiết bị, máy móc thi công, nhân sự tại công trường. Đây là vấn đề nhức nhối trong thi công các dự án cao tốc trong vùng", ông Anh nói thêm.

Vừa qua, Chính phủ đã tháo gỡ theo hướng giao cho nhà thầu thi công cao tốc quyền khai thác các mỏ cát, ông Anh chia sẻ: "Ban đầu các nhà thầu rất mừng vì nghĩ có thể tháo gỡ ngay được khó khăn về vật liệu nhưng thực tế thực hiện tại địa phương để xác lập quyền khai thác mỏ cơ bản như cũ, không bớt được thủ tục nào, nhà thầu mất 8 tháng đến hơn 1 năm để làm thủ tục cấp quyền khai thác các mỏ vật liệu".

Cát biển được khai thác từ biển Trà Vinh vận chuyển vào dự án cách đó khoảng 170km để thí điểm đắp nền đường cao tốc - Ảnh: M.Thuận

Cát biển được khai thác từ biển Trà Vinh vận chuyển vào dự án cách đó khoảng 170km để thí điểm đắp nền đường cao tốc - Ảnh: M.Thuận

Nhà thầu kiến nghị gì?

Từ tình hình trên, đại diện nhà thầu Trường Sơn kiến nghị Chính phủ, UBND các tỉnh có cơ chế đặc thù, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian cấp phép các mỏ vật liệu cát, đất đắp nền cho các nhà thầu tham gia xây dựng cao tốc. 

Các địa phương cần đẩy nhanh công tác cấp phép mỏ cát cho các đơn vị đã có văn bản xin cấp phép nâng công suất khai thác mỏ. Đặc biệt với đặc thù khan hiếm vật liệu đất, đá, cát của vùng, đại diện các nhà thầu kiến nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh phân bổ nguồn vật liệu đến các mỏ, yêu cầu chủ mỏ cam kết cung cấp cho các dự án cao tốc trong vùng với số lượng cụ thể. Bên cạnh đó có thể xem xét khai thác cát ở một số cù lao trên sông để làm vật liệu đắp nền đường.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Thanh, chủ tịch Vinaconex - một tổng thầu thi công nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cho hay các nhà thầu mong muốn địa phương cho phép thực hiện song song việc khai thác cát và trình duyệt các thủ tục cấp phép mỏ trên cơ sở bảo đảm các điều kiện an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Theo đại diện của Tập đoàn Đèo Cả, các mỏ cát sông thường cấm khai thác vào mùa mưa lũ, do đó các bộ ngành, địa phương cần có hướng dẫn về tập kết vật liệu theo mùa để bảo đảm tiến độ xuyên suốt cho dự án.

Đối với khu vực ĐBSCL, ông Khương Văn Cương khuyến nghị cần đẩy nhanh việc nghiên cứu dùng cát biển để đắp nền đường. Đồng thời xem xét điều chỉnh chỉ tiêu cơ lý đất đắp nền đường theo hướng thấp hơn và áp dụng giải pháp thiết kế đắp bao nền đường để tận dụng đất tại chỗ. Tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Tập đoàn Đèo Cả đã tận dụng đất tại chỗ để đắp bao nền đường và sau hơn 2 năm đưa vào khai thác nền đường vẫn bảo đảm chất lượng tốt.

Giải pháp đắp nền thay thế bằng cát biển đang được đắp thí điểm 300m tại tuyến đường tỉnh 978 ở tỉnh Bạc Liêu (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025) - Ảnh: M.THUẬN

Giải pháp đắp nền thay thế bằng cát biển đang được đắp thí điểm 300m tại tuyến đường tỉnh 978 ở tỉnh Bạc Liêu (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025) - Ảnh: M.THUẬN

Tùy thực tế, kết hợp làm cầu cạn với cao tốc đắp nền

Ông Tống Văn Nga, chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng, cho rằng nếu chúng ta tiếp tục giải pháp hút cát lòng sông, lấy đất đắp nền cao tốc ở miền Tây sẽ để lại nhiều hậu quả. 

Thứ nhất, có nguy cơ hạ thấp lòng sông làm giảm lượng phù sa của đồng bằng, ảnh hưởng tới vựa lúa của cả nước. 

Thứ hai, việc đắp nền cao tốc cao sẽ cản trở thoát lũ của đồng bằng. 

Thứ ba, nếu chỉ thực hiện giải pháp đắp nền cao tốc bằng cát sông sẽ làm tình trạng khan hiếm vật liệu trong vùng nghiêm trọng hơn. 

Thứ tư, nếu tiếp tục theo lối mòn hút cát sông đắp nền cao tốc sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án cao tốc, quốc lộ. Vì thế, theo ông Nga, cần học kinh nghiệm của thế giới trong phát triển cao tốc đó là xây dựng cầu cạn cao tốc tại miền Tây và khu vực miền Trung.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại với giải pháp lấy cát biển ven bờ để đắp nền cao tốc vì trái với quy luật tự nhiên, việc hút cát biển làm cao tốc dễ làm xói mòn nghiêm trọng bán đảo Cà Mau.

Từ góc nhìn chi phí đầu tư xây dựng, TS Lê Văn Cư - viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng - đã so sánh cho rằng chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc khu vực ĐBSCL theo phương án cầu cạn bê tông cốt thép cao gấp hai lần chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc sử dụng nền đắp cát.

Tuy nhiên, dù chi phí đầu tư này cao nhưng việc đắp cát cũng có một số vấn đề như giải phóng mặt bằng lớn, sự thiếu hụt nguồn cát, khó kiểm soát giá cát, chịu tác động của lún, sạt lở trong quản lý, khai thác. Trong khi phương án làm cầu cạn sẽ làm chủ được tiến độ dự án, nhu cầu giải phóng mặt bằng ít hơn, có thể giảm giá thành nhờ cải tiến công nghệ, ít chịu tác động yếu tố môi trường trong quá trình khai thác.

Ông Cư khuyến nghị mở rộng phạm vi sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép trong xây dựng cao tốc ở miền Tây và kết hợp cả hai phương án tùy theo thực tế. Với tám dự án cao tốc đang triển khai ở ĐBSCL, cần rà soát kỹ trữ lượng cát, khả năng cung ứng cát theo yêu cầu tiến độ dự án, trường hợp không đáp ứng yêu cầu cần điều chỉnh phương án thiết kế một số đoạn tuyến theo phương án xây cầu cạn.

UBND tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên tại khu vực ĐBSCL bàn giao trực tiếp mỏ cát cho nhà thầu xây dựng đường cao tốc - Ảnh: M.T.

UBND tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên tại khu vực ĐBSCL bàn giao trực tiếp mỏ cát cho nhà thầu xây dựng đường cao tốc - Ảnh: M.T.

* Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh:

Phải nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát sông

Với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác trong khu vực An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu, nguồn tài nguyên cát thiên nhiên sẽ sớm cạn kiệt, đồng thời gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, đời sống an sinh xã hội.

Nên cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện hay nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp để tận dụng được khả năng cung cấp với khối lượng lớn xi măng, sắt thép trong nước. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái cẩn trọng nếu khai thác cát biển quy mô lớn, cũng như có nghiên cứu cụ thể để khẳng định tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường đối với phương án đầu tư cầu cạn.

15m đất yếu trở lên thì làm cầu cạn?

Theo ông Nguyễn Văn Lâm - tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn kỹ thuật và kiến trúc công trình giao thông, do chi phí đầu tư ban đầu cao tốc cầu cạn cao hơn hẳn so với đầu tư cao tốc theo phương án nền đường đắp trên đất yếu nên nếu chọn đầu tư cầu cạn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế hiện nay cần phân kỳ đầu tư phù hợp.

Và việc đầu tư cao tốc tại miền Tây, theo ông Lâm, cần phân tích, so sánh đầy đủ các chỉ tiêu về chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, thoát lũ, môi trường, khả năng cung ứng vật liệu, duy tu bảo dưỡng, độ thuận êm của tuyến đường trong suốt vòng đời dự án. "Tại miền Tây nên làm cầu cạn đi qua các khu vực nền đường đắp trên đất yếu với chiều dài đất yếu từ 15m trở lên và chiều cao nền đắp từ 3,5m trở lên", ông Lâm đề xuất.

Ngoài dự án cao tốc, tuyến tránh TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) còn chậm tiến độ do thiếu cát - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ngoài dự án cao tốc, tuyến tránh TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) còn chậm tiến độ do thiếu cát - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

* Các tỉnh ĐBSCL đề nghị sớm hoàn thành thí điểm dùng cát biển

Ngày 27-9, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã đề xuất nhiều vấn đề "nóng" của vùng, trong đó có vấn đề mở rộng các tuyến đường cao tốc đang quá tải như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và tình trạng thiếu cát san lấp đối với các công trình đường cao tốc đang triển khai.

Về giải pháp nguồn cát san lấp các công trình đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Hiếu - bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, các bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ cho biết đang thí điểm sử dụng cát biển để phục vụ san lấp công trình giao thông cũng như các công trình khác nhưng được xác định là trọng điểm quốc gia, của vùng.

Ông Hiếu đề xuất các bộ liên quan tham mưu Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thành việc thí điểm này. Ngoài ra, ông Hiếu cũng đề nghị ngoài các tuyến đường cao tốc là dự án trọng điểm quốc gia, các dự án được nêu trong các nghị quyết của trung ương về phát triển TP Cần Thơ, phát triển ĐBSCL cũng cần được xem là dự án trọng điểm như đường cao tốc để có giải pháp về nguồn cát thực hiện.

* Dùng cát biển giải quyết "cơn khát"

Trước thực trạng khan hiếm cát lấp đắp nền, đặc biệt tại bốn dự án đường cao tốc đang triển khai ở khu vực ĐBSCL gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355km cần khoảng 53,68 triệu m3, giải pháp đắp nền thay thế bằng cát biển đang được đắp thí điểm 300m tại tuyến đường tỉnh 978 ở tỉnh Bạc Liêu (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025). Trong đó, 60m đoạn hạ âm và 240m đoạn thử nghiệm với ba mái ta luy, nền đường.

Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) - cho biết đến nay chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo hội đồng đánh giá kết quả thí điểm. Bước đầu, Bộ GTVT khẳng định việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Chất lượng cát biển, theo kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, cho thấy các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường theo quy định.

* Bàn giao trực tiếp mỏ cát cho nhà thầu

Ngoài việc thí điểm dùng cát biển để đắp nền, các địa phương tại khu vực ĐBSCL cũng đang gấp rút hoàn tất thủ tục để giao trực tiếp mỏ cát cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công các công trình giao thông trọng điểm để khai thác phục vụ dự án.

Mới đây, ngày 20-9 tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên tại khu vực ĐBSCL bàn giao mỏ cát để phục vụ dự án đường cao tốc cho nhà thầu. Mỏ cát này trên sông Tiền (thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) có trữ lượng khoảng 548.000m3 được bàn giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP khai thác phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

* Vành đai 3 TP.HCM qua Long An tìm được nguồn cát

Ngày 27-9, thông tin từ Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Long An cho biết hiện các nhà thầu thi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM vừa liên hệ được một số mỏ cát tại Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Tháp để huy động khoảng 100.000m3 cát, đáp ứng được nhu cầu trước mắt về việc thi công công trình.

Được biết, ngoài dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua Long An, hiện Long An cũng còn hai công trình giao thông quan trọng đang thiếu cát. Đó là đường tỉnh 823D với tổng khối lượng cát đắp nền 869.000m3, đã thi công 508.000m3, còn thiếu 360.000m3 và đường tỉnh 830E, tổng khối lượng 181.000m3, đã thi công khoảng 3.000m3, còn thiếu khoảng 178.000m3.

* Nhà thầu được thuê đơn vị chuyên nghiệp khai thác mỏ cát giao

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2023 dự kiến cung ứng cho công trình cao tốc trung ương 4 triệu m3, trong đó nhu cầu của cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau khoảng 3,3 triệu m3. Dự kiến tháng 9-2023 tỉnh sẽ khai thác năm mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu thuộc các huyện Cao Lãnh, Hồng Ngự, Lấp Vò, Châu Thành và TP Cao Lãnh để cung ứng cho công trình. Trong đó, mỏ cát đầu tiên đã bàn giao cho nhà thầu thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành trữ lượng khoảng 547.798m3, cho phép khai thác 400.000m3.

Ngoài ra, sau khi ban hành quyết định nâng tối đa 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác để phục vụ cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau theo nghị quyết của Chính phủ, sẽ cung ứng thêm tối đa khoảng 1 triệu m3 cát.

Khai thác 14 tỉ m³ cát biển để làm đường cao tốc cho miền Tây?Khai thác 14 tỉ m³ cát biển để làm đường cao tốc cho miền Tây?

Để có đủ vật liệu làm 41 tuyến cao tốc, tổng chiều dài khoảng 9.014km từ nay đến năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng khai thác cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc là giải pháp khả thi trong bối cảnh khan hiếm vật liệu hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên