06/09/2019 06:44 GMT+7

Thị trường toàn cầu thở phào với kế hoạch đàm phán Mỹ - Trung

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Từ Mỹ, châu Âu đến châu Á, các thị trường đồng loạt tăng điểm mạnh sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xác nhận đàm phán thương mại từ tháng sau.

Thị trường toàn cầu thở phào với kế hoạch đàm phán Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Các chỉ số quan trọng tại Mỹ đồng loạt tăng điểm - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, tính đến hết ngày 5-9 (rạng sáng 6-9, giờ Việt Nam), tại thị trường New York, chỉ số Dow Jones đã tăng 1,47%, chỉ số S&P 500 tăng 1,23% trong khi Nasdaq tăng đến 1,5%. Hi vọng vào cuộc đàm phán mới cũng giúp chỉ số STOXX 600 của châu Âu và các chỉ số DAX 30 (Đức), CAC 40 (Pháp) tăng từ 0,9 đến 1,1%.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, các chứng khoán cũng nhảy nhót theo các tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ-Trung, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 2,1%, còn Composite Shanghai tăng 1%.

Phản ứng mạnh của thị trường diễn ra ngay sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao vào đầu tháng 10 ở thủ đô Washington.

Ngày 5-9 (giờ Trung Quốc), Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương đã điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Lãnh đạo hai bên thống nhất tổ chức vòng đàm phán thương mại cấp cao tiếp theo vào tháng 10-2019 ở Washington.

Vòng đàm phán trước đó diễn ra vào Thượng Hải cuối tháng 7-2019. Trước đó, có nhiều thông tin cho rằng vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9-2019.

Hôm thứ ba, 3-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo ông sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai nếu Bắc Kinh cố tình kéo dài đàm phán thương mại.

Tuyên bố này khiến thị trường lo ngại căng thẳng thương mại giữa hai nước có thể gây suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Lo lắng còn đó

Thị trường toàn cầu thở phào với kế hoạch đàm phán Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington hồi 5-2019 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại dù nối lại đàm phán, Mỹ và Trung Quốc vẫn đối mặt với các thách thức cũ và thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước khi quyết định đánh thuế lên thêm hàng tỉ USD hàng hóa của nhau trong tháng 9-2019.

"Tiếp tục đối thoại có thể trấn an thị trường một chút. Nhưng cái giá chính trị phải trả cho bất cứ sự nhượng bộ quan trọng nào cũng đều quá cao cho cả hai bên" - New York Times dẫn lời chuyên gia Eswar Prasad nhận định.

Trong khi đó, nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ cảnh báo căng thẳng thương mại có thể khiến Mỹ mất 1% GDP trong giai đoạn cuối 2019, đến đầu 2020.

Trong một bài phỏng vấn được xuất bản hôm 5-9, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2020.

Trả lời phỏng vấn báo La Croix, ông Le Marie khẳng định chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tăng trưởng toàn cầu.

"Những khoản thuế mà Mỹ đang đánh vào hàng hóa Trung Quốc và sự trả đũa từ Bắc Kinh sẽ tạo ra tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020, khiến tốc độ tăng trưởng giảm 0,5% điểm phần trăm. Đây là một con số rất lớn, và hết sức bất lợi trong bối cảnh tăng trưởng yếu ớt ở khu vực đồng euro" - Bộ trưởng Tài chính Pháp nói.

Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại cấp cao vào tháng 10 Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại cấp cao vào tháng 10

TTO - Bộ Thương Mại Trung Quốc xác nhận lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao vào đầu tháng 10 ở thủ đô Washington.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên