
Thị trường nhà cũ trở thành lựa chọn phổ biến của người mua nhà lần đầu - Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Giao dịch nhà cũ thành xu hướng
Theo báo cáo ngày 7-7 của Chứng Khoán Nhật Báo (Trung Quốc), Bộ Nhà ở và Phát triển nông thôn Trung Quốc cho biết đánh giá thực địa tại một số địa phương, tổng lượng giao dịch nhà ở mới và nhà ở đã qua sử dụng trong nửa đầu năm 2025 đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy thị trường bất động sản nước này đang duy trì trạng thái ổn định.
Đặc biệt tỉ trọng giao dịch nhà ở đã qua sử dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng và trở thành xu hướng rõ nét trong nửa đầu năm 2025.
Giới phân tích Trung Quốc nhận định tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ đã góp phần duy trì đà ngừng giảm và giúp thị trường này dần bước vào giai đoạn phục hồi.
Nhiều đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, cũng như các đô thị trọng điểm như Hàng Châu và Thành Đô ghi nhận hoạt động giao dịch nhà ở đã qua sử dụng tăng trưởng trong nửa đầu năm 2025.
Theo Viện Nghiên cứu chỉ số Trung Quốc (CIA), lượng giao dịch nhà cũ trong 6 tháng đầu năm tại Thâm Quyến tăng hơn 30%, Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu tăng khoảng 20%, trong khi Thành Đô, Hàng Châu, Tô Châu và Hạ Môn đều tăng trên 10%.
Chuyên gia Lý Vũ Gia - Trung tâm Nghiên cứu chính sách nhà ở tỉnh Quảng Đông - nhận định với tờ Chứng Khoán Nhật Báo rằng thị trường bất động sản Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tập trung vào quỹ nhà tồn kho, trong đó nhu cầu mua nhà ở thực tế đang chuyển hướng rõ rệt sang phân khúc nhà đã qua sử dụng.
Tại Bắc Kinh, số liệu từ Ủy ban Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn Bắc Kinh cho thấy trong nửa đầu năm 2025, có đến 88.600 căn nhà cũ được giao dịch, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo phân tích của tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu chỉ số của CIA, bà Tào Tinh Tinh, có đến hơn 60% số giao dịch tập trung ở phân khúc dưới 5 triệu nhân dân tệ, cho thấy xu hướng của nhóm mua nhà lần đầu.
Trong khi đó các dự án nhà mới chủ yếu nhắm đến nhóm khách hàng có nhu cầu nâng cấp chỗ ở, tạo nên sự tách biệt rõ ràng giữa thị trường nhà cũ và nhà mới.
Việc hạ tỉ lệ đặt cọc tối thiểu trong các khoản vay mua nhà được xem là một yếu tố hỗ trợ giảm chi phí sở hữu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua tiếp cận thị trường.
Theo CIA, trong nửa đầu năm 2025 giá nhà đã qua sử dụng tại 100 thành phố ở Trung Quốc giảm trung bình 3,6%, cho thấy thị trường này đang duy trì xu hướng giảm giá để kích thích lượng giao dịch.
Nhiều địa phương tại Trung Quốc tiếp tục triển khai các biện pháp như trợ cấp mua nhà và điều chỉnh quỹ nhà ở để hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản.

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định việc nới lỏng các chính sách đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhà ở thực trong nửa đầu năm 2025 - Ảnh: XINHUA
Trung Quốc đã chạm đáy cơn khủng hoảng?
Theo thống kê của Chứng Khoán Nhật Báo, tính riêng nửa đầu năm 2025 các địa phương tại Trung Quốc đã ban hành 150 chính sách điều chỉnh quỹ tiết kiệm nhà ở và 64 chính sách trợ cấp mua nhà.
Phó viện trưởng CIA, ông Hoàng Du, cho biết môi trường chính sách của Trung Quốc trong nửa cuối năm được kỳ vọng tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng, với khả năng triển khai thêm các chính sách đã ban hành.
Năm ngoái, một số thành phố như Quảng Châu đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế liên quan đến việc mua bán lại nhà trong vòng hai năm và cơ chế định giá bất động sản.
Trong khi Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến hiện vẫn duy trì một số quy định hạn chế, nhưng được đánh giá là còn dư địa để tiếp tục điều chỉnh chính sách trong thời gian tới.
"Đáy (của cơn khủng hoảng) thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện", ông Lý Vũ Gia nhận định, đồng thời cho rằng tại các khu vực có nhiều người trẻ và dân nhập cư mới, nơi có nhu cầu lớn, sẽ là những nơi đầu tiên ghi nhận rõ nét đà ngừng giảm và ổn định.
Bên cạnh đó, lượng giao dịch nhà cũ tại Trung Quốc được dự đoán tiếp tục duy trì ở quy mô đáng kể trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận