21/03/2019 09:28 GMT+7

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ cuối: Hệ lụy lao động 'chui'

LÊ NAM - HÀ MY
LÊ NAM - HÀ MY

TTO - Tại Nhật, tin tức trên tivi, báo đài luôn cập nhật những câu chuyện không hay về người Việt trên đất Nhật do hệ lụy đến từ lao động 'chui'. Với các công ty, doanh nghiệp Nhật tình trạng này càng là điều khó chấp nhận.

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ cuối: Hệ lụy lao động chui - Ảnh 1.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong nhà máy tại tỉnh Toyama - Ảnh: Nikkei Asian Review

Có 4.136 thực tập sinh lưu trú bất hợp pháp tại Nhật, chiếm gần 50% tổng số người VN lưu trú bất hợp pháp ở quốc đảo này.

Giữa tháng 12-2018, Đình Đạt, sinh viên Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, lần đầu đến Osaka du lịch. Trong mấy ngày lang thang ở đây, anh đã gặp ít nhất năm quán ăn có người Việt làm việc.

"Khi tôi hỏi thăm thì họ cho biết sang Nhật làm thực tập sinh (TTS) nhưng sáng đi học tối đi làm thêm, có người đã làm như thế hơn một năm rồi" - Đạt kể lại.

Áp lực kiếm tiền

Chúng tôi đem câu chuyện này hỏi các công ty chuyên tuyển lao động Việt Nam theo hình thức TTS thì họ khẳng định đây là kiểu lao động "chui" đang khá phổ biến ở Nhật.

Tổng giám đốc một công ty môi giới xuất khẩu lao động sang Nhật tại TP.HCM cho biết thông tin đi Nhật có thể kiếm được nhiều tiền khiến nhiều người muốn bằng mọi giá để có thể sang Nhật mà không lường trước được những khó khăn về giao tiếp, rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, thời tiết...

Để được tuyển làm TTS, họ phải được đào tạo tay nghề, ngôn ngữ, tác phong làm việc đặc trưng của người Nhật.

Bên cạnh đó, các đối tác người Nhật cũng rất khắt khe trong việc tuyển dụng TTS nên nhiều lao động Việt Nam đã không thể sang Nhật theo con đường trở thành TTS mà họ chọn một cách khác: du học.

Khi có visa sang Nhật theo hình thức đi học, họ lại liên lạc với các đồng hương người Việt để tìm cơ hội việc làm trong nhà hàng, quán ăn... như những trường hợp mà Đình Đạt đã gặp.

"Đã làm TTS thì quy định và hợp đồng không cho phép họ ra ngoài làm việc. Một khi đã ra ngoài làm "chui", chủ lao động người Nhật sẽ không còn trả lương, không có chỗ ở ổn định, vì vậy cuộc sống sẽ vô cùng bấp bênh".

Khảo sát ở các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật, chúng tôi được biết hiện mức thu phí trung bình cho một lao động sang Nhật trong ba năm có thể dao động 7.000-10.000 USD/người.

Để có số tiền này, phần lớn là vay mượn, thậm chí vay nóng bên ngoài, người lao động phải chịu áp lực trả nợ vô cùng lớn.

Một tổng giám đốc chia sẻ với chúng tôi nếu có tăng ca, mỗi năm TTS mới có thể để dành từ 150-240 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí, nhưng thời gian đầu sang Nhật họ không thể nào có được số tiền đó do chưa quen việc, khả năng giao tiếp, hội nhập chưa tốt.

Vì nóng lòng kiếm được tiền trả nợ, họ đành phải trốn ra ngoài làm việc kiếm thêm.

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ cuối: Hệ lụy lao động chui - Ảnh 3.

Hộ lý người Việt tham gia khoá huấn luyện tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asian Review

Chấn chỉnh?

Số liệu từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy số lao động người Việt đang cư trú tại Nhật Bản tăng nhanh, nếu so với năm 2010 hiện nay đã tăng lên 17 lần, vượt qua cả Trung Quốc để trở thành quốc gia có TTS làm việc nhiều nhất ở Nhật.

Bộ Tư pháp Nhật cho biết chỉ tính đến tháng 7-2018, có 4.136 TTS lưu trú bất hợp pháp tại Nhật, chiếm gần 50% tổng số người Việt Nam lưu trú bất hợp pháp ở quốc đảo này, số còn lại là 2.434 du học sinh người Việt Nam.

Theo các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, phía Nhật đã yêu cầu đối tác Việt Nam phải có kế hoạch và chấn chỉnh tình trạng TTS bỏ trốn ra ngoài "làm chui, sống chui", cư trú bất hợp pháp...

Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu lao động phía Bắc khẳng định nhiều doanh nghiệp có chức năng và giấy phép nhưng họ không tự chủ động tìm kiếm lao động cũng như không có đầu mối việc làm, họ phó mặc mọi chuyện cho đối tác thực hiện rồi hưởng phí.

Chính vì vậy, các TTS Việt Nam khi được đưa qua Nhật đã không được chuẩn bị tốt để hội nhập và thích nghi với môi trường lao động khắt khe của Nhật, từ đó dẫn đến hệ lụy là TTS trốn ra ngoài để kiếm tiền theo ý mình.

Báo chí Nhật cho biết Chính phủ Nhật dự kiến sẽ ký kết những thỏa thuận với chính phủ các nước gửi TTS qua Nhật, thiết lập một kênh trao đổi thông tin ở cấp độ liên chính phủ để có thể chia sẻ thông tin, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức môi giới lao động phi pháp.

Chiếu theo tinh thần trung thực, chịu khó, tận tụy và trung thành với công ty, doanh nghiệp của người Nhật thì hiện tượng trốn khỏi công ty để ra ngoài làm việc tự do của các TTS Việt Nam là việc khó chấp nhận.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Dũng, từng thực tập ba năm tại Công ty Okamura Home ở Nhật Bản, cho biết tin tức trên tivi, báo đài luôn cập nhật những câu chuyện không hay về người Việt trên đất Nhật do hệ lụy đến từ lao động "chui".

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ cuối: Hệ lụy lao động chui - Ảnh 4.

Lao động nước ngoài tại Nhật - Ảnh: Nikkei Asian Review

Bị phân biệt đối xử?

"Trong quá trình chuẩn bị sang Nhật làm việc, các công ty môi giới luôn hứa hẹn những điều tốt đẹp, một thế giới màu hồng với các TTS. Tuy nhiên, họ không nói cho các bạn TTS biết rằng cái thế giới màu hồng đó đầy khổ cực, đổ mồ hôi và sôi nước mắt.

Đúng là sang Nhật làm việc có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn trong vòng vài ba năm, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chắt chiu từng đồng, sống tiết kiệm và thường xuyên tăng ca. Nhiều TTS do không chuẩn bị tinh thần tốt cho việc này nên bị sốc, sinh ra nhiều cảm xúc tiêu cực.

Trong một số trường hợp, lao động nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng bị phân biệt đối xử dù đã có luật pháp bảo vệ phần nào nhằm đảm bảo mức lương tối thiểu, nơi ở tiêu chuẩn và một số chế độ đi kèm. Tuy nhiên, vẫn có không ít "đất" để sự phân biệt này diễn ra.

Cụ thể, người Việt thường xuyên bị chỉ định tăng ca, đặc biệt là tăng ca vào đêm, bởi lẽ lao động người Nhật không thích tăng ca. Điều này tốt với những người Việt muốn sang Nhật kiếm tiền nhưng ai cũng hiểu là những công việc nặng sẽ bị đẩy cho lao động nước ngoài" - chị Trần Thị Thu Hà, cựu TTS tỉnh Aichi, chia sẻ.

Dân Nhật chưa chuẩn bị đón lao động nước ngoài

Có nhiều ý kiến gây tranh cãi về phương án xử lý bối cảnh dòng người lao động nhập cư tràn vào nước Nhật, mang theo văn hóa và ngôn ngữ khác biệt.

Về cách nhìn nhận người nước ngoài của người Nhật, chuyên gia nghiên cứu xã hội Nhật Bản, PGS.TS Carola Hommerich, giảng viên Trường đại học Hokkaido, khẳng định với báo Tuổi Trẻ:

"Là một nước có dân số người nước ngoài quá thấp, Nhật Bản chưa thật sự chuẩn bị tốt cho người dân về mặt tinh thần nên vẫn tồn tại một nỗi sợ vô hình đối với người nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt với những công việc có tay nghề thấp, việc phân biệt đối xử là một vấn đề lớn".


LÊ NAM - HÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên