18/03/2019 14:30 GMT+7

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 3: Lao động Việt với tinh thần Nhật

LÊ NAM - HÀ MY
LÊ NAM - HÀ MY

TTO - Trong mắt các công ty Nhật Bản, thực tập sinh (TTS) Việt Nam được đánh giá rất cao vì "tinh thần học hỏi, quyết tâm cầu tiến và chăm chỉ" - những đức tính mà thanh niên Nhật giờ đã không còn nhiều.

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 3: Lao động Việt với tinh thần Nhật - Ảnh 1.

Thực tập sinh người Việt ở nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô tại Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong khi thị trường lao động Nhật thiếu người, lao động Nhật càng có giá nên họ dường như không muốn cố gắng nữa để đảm nhiệm các công việc phổ thông, thủ công...

Để thuê một lao động người Nhật chúng tôi phải trả chi phí rất lớn, trong khi chi phí thuê người Việt chỉ bằng gần một nửa.

Ông HIROKI TOJO

Lao động Việt là tài sản của doanh nghiệp Nhật

Trao đổi với chúng tôi, chị Hoa Phượng - đã có hơn 10 năm sinh sống và làm việc ở Nhật, hiện là nhân viên tuyển dụng thuộc Nghiệp đoàn Kyodo Kumiai Shiga JCL ở tỉnh Shiga - cho biết mỗi năm nghiệp đoàn này thường tuyển ít nhất 90 công nhân Việt Nam cho các doanh nghiệp trong vùng thuộc lĩnh vực dập nguội, khuôn mẫu, cơ khí...

"TTS Việt luôn được ưu tiên hơn TTS đến từ các quốc gia khác vì tinh thần siêng năng, chăm chỉ và mức lương được các doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận" - chị Phượng nói.

Còn theo ông Ishikura Satoru - giám đốc Công ty sản xuất mì Ishikura Men, công ty sản xuất mì lớn thứ ba của Nhật, trụ sở chính đặt ở tỉnh Niigata, hiện có đến 200 nhân viên nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc, trong đó có 29 TTS và 48 du học sinh Việt Nam làm bán thời gian tại công ty.

"Chỉ cần quan sát thái độ các TTS trong việc học tiếng Nhật, một ngôn ngữ rất khó học, đã đủ để thấy những điểm tốt của người Việt.

Trong thời gian đầu, ngôn ngữ trở thành một rào cản nhưng họ rất chịu khó giao tiếp, học hỏi và tham dự các kỳ thi Nhật ngữ (diễn ra hai lần/năm) nên rào cản về ngôn ngữ nhanh chóng được xóa bỏ" - ông Ishikura Satoru nhận định sau hơn 20 năm tuyển dụng lao động người nước ngoài.

"Trong khi các nhân viên trẻ người địa phương ở công ty chúng tôi bên Nhật có vẻ đang mất dần sự quyết tâm, chăm chỉ làm việc, tinh thần cống hiến cho công ty thì những tố chất quý giá này lại được nhìn thấy ở các TTS Việt Nam.

Về mặt chuyên môn, TTS Việt không thua kỹ sư Nhật mới ra trường" - ông Hiroki Tojo, tổng giám đốc chi nhánh tại Việt Nam của Công ty Okamura Sanyo, chuyên xây dựng, thiết kế nhà cửa và đã nhiều năm làm việc với kỹ sư Việt Nam, giải thích với Tuổi Trẻ lý do vì sao họ lại chọn TTS Việt Nam.

Ông Lê Long Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai tại TP.HCM, có nhiều năm tuyển dụng và giới thiệu các TTS sang Nhật - cho biết người Nhật rất kỹ trong chuyện tuyển dụng TTS người Việt:

"Chỉ là tuyển dụng một TTS thôi nhưng có thể đích thân giám đốc công ty, lãnh đạo công ty bay sang Việt Nam trực tiếp phỏng vấn ứng cử viên. Khi họ đã tuyển nhân sự cho công ty thì luôn có lộ trình sử dụng, đào tạo nhân sự này suốt thời gian hợp đồng vì họ cho rằng lao động mới chính là tài sản của doanh nghiệp".

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 3: Lao động Việt với tinh thần Nhật - Ảnh 3.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc trong nhà máy tại tỉnh Gunma, Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asian Review

Ưu tiên thuê người Việt

"Nhìn các TTS Việt Nam hiện nay, tôi thấy hình bóng của mình vài chục năm trước: hăng hái, năng nổ, chăm chỉ nên chúng tôi quý lắm và sẵn sàng đầu tư, đào tạo họ đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong công ty" - giám đốc Ishikura Satoru chia sẻ.

Theo ông, ban đầu người Nhật phải luôn bên cạnh để chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm, nhưng TTS Việt lại rất nhanh chóng lĩnh hội các ý tưởng được truyền đạt và thay thế những đồng nghiệp người Nhật ở các vị trí quan trọng.

Quy định hiện nay buộc các công ty Nhật phải trả mức lương sàn của mỗi vùng cho tất cả nhân viên, không phân biệt quốc tịch. Nhưng thực tế các doanh nghiệp buộc phải chi nhiều hơn để thuê nhà ở, dụng cụ sinh hoạt và một số phí khác nhằm đảm bảo cuộc sống cho các TTS, giám đốc Công ty Hondaplus Vietnam Koichi Takenaka cho biết.

"Để thuê một lao động người Nhật thì chúng tôi phải trả chi phí rất lớn, trong khi chi phí thuê người Việt chỉ bằng gần một nửa" - ông Hiroki Tojo nói.

"Những người Nhật tại công ty tôi từng làm việc đều nghĩ rằng người Việt nỗ lực trong công việc và đánh giá người Việt khá cao, do đó số lượng công nhân người Việt được tuyển dụng liên tục tăng trong các công ty Nhật" - anh Trần Văn Dũng, từng làm TTS ba năm tại Công ty Okamura Home ở Nhật Bản, tâm sự.

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 3: Lao động Việt với tinh thần Nhật - Ảnh 4.

Làm việc tại nhà máy đòi hỏi sự kiên trì và siêng năng - tố chất mà người Nhật khẳng định công nhân Việt Nam phát huy rất tốt - Ảnh: Bloomberg

Vẫn còn thiếu chuyên nghiệp

Theo đánh giá của chị Hoa Phượng, "cái tôi của TTS VN rất lớn, không chịu nhượng bộ, không biết cách giữ gìn vệ sinh chung ở khu ký túc xá dù trong phòng mình khá sạch sẽ". Theo chị Phượng, các TTS Việt khi ghét nhau thì không bao giờ hợp tác, hỗ trợ nhau.

V.D. - TTS quê Đồng Nai, vừa kết thúc kỳ làm việc của mình ở một tỉnh miền nam Nhật Bản - cho biết điều khiến anh mất rất lâu mới có thể vượt qua không phải là thời tiết, ngôn ngữ bất đồng, mà chính là sự ghen tị, bất hòa và nói xấu nhau của các TTS đồng hương: "Tôi được chọn để tham gia tăng ca thì các bạn cùng nhà lại cho rằng tôi đã khôn lỏi, nịnh bợ người Nhật".

Các công nhân đến từ Trung Quốc có lợi thế học tiếng Nhật nhanh hơn vì có vốn chữ Hán. Tuy nhiên, theo chị Hoa Phượng, lương các công nhân Trung Quốc đang ngày càng cao nên doanh nghiệp Nhật Bản không còn chuộng bằng công nhân người Việt.

Trách nhiệm thuộc về công ty môi giới

"Thật sự hình ảnh người Việt trong mắt thế giới không mấy tốt đẹp, không riêng gì ở Nhật. Tôi cũng không trách họ, vì quả thật có một nhóm người Việt không giữ gìn vệ sinh chung và thiếu đi cách cư xử chuẩn mực tại nơi công cộng cũng như nơi làm việc. Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ, những con sâu làm rầu nồi canh.

Trên thực tế, phần lớn người Việt ở Nhật Bản đều tốt, có lòng tự trọng và ý thức bảo vệ hình ảnh dân tộc.

Cần hiểu rằng nhiều hành động xấu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và sự chuẩn bị không kỹ càng của các công ty môi giới. Trong khi người Nhật có ý thức rất rõ những gì thuộc về mình và đâu là của chung - điều mà nhiều người Việt chưa thật sự hiểu rõ.

Khi đã là tài sản công cộng thì dù có là một trái nho mọc dại ven đường cũng không được lấy" - chị Trần Thị Thu Hà, cựu TTS tại thành phố Ichinomiya, tỉnh Aichi, Nhật, chia sẻ.

Kỳ tới: Cơ hội lớn


Từ 1-4, lương lao động Việt tại Nhật sẽ bằng hoặc cao hơn người bản địa Từ 1-4, lương lao động Việt tại Nhật sẽ bằng hoặc cao hơn người bản địa

TTO - Chính phủ Nhật Bản vừa công bố hàng loạt nghị định và thông tư liên quan đến chính sách thị thực mới cho lao động nước ngoài, trong đó tập trung bảo vệ quyền lợi người lao động từ quá trình môi giới đến lương bổng.

LÊ NAM - HÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên