20/03/2019 12:23 GMT+7

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 5: Chuyến đi thay đổi cuộc đời

LÊ NAM - HÀ MY
LÊ NAM - HÀ MY

TTO - Nhiều thực tập sinh sau khi từ Nhật về Việt Nam đã đảm nhiệm các vị trí quản lý trong chi nhánh, nhà máy tại Việt Nam của chính những công ty họ đã từng làm việc khi còn ở Nhật.

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 5: Chuyến đi thay đổi cuộc đời - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Tống Văn Phú Hải (ngồi) nghe nhân viên báo cáo công việc - Ảnh: LÊ NAM

Ba năm (học tiếng Nhật và sang Nhật làm thực tập sinh) đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi

Tổng giám đốc Sanwa Egg Vietnam TỐNG VĂN PHÚ HẢI

Họ là nguồn nhân lực cao cấp dần dần thay thế vai trò của những người Nhật tại Việt Nam nhờ kinh nghiệm, kiến thức tích tụ trong thời gian làm thực tập sinh (TTS).

Chúng tôi đã gặp họ: một hướng dẫn viên du lịch tự do giờ đã là tổng giám đốc điều hành một công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu; một nhân viên trong cơ quan nhà nước giờ trở thành trợ lý tổng giám đốc người Nhật.

Trải nghiệm học tập, làm việc tại Nhật đã khiến cuộc sống của những TTS này chuyển sang một bước ngoặt theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Suy nghĩ thay đổi hoàn toàn

Sanwa Egg Vietnam là công ty 100% vốn đầu tư Nhật Bản (Khu công nghiệp Lộc An, tỉnh Đồng Nai) chuyên sản xuất các sản phẩm về trứng đặc trưng của Nhật Bản, hiện xuất khẩu cho nhiều nước.

Nhà máy có quy mô 10.000m2 được đưa vào hoạt động từ hơn hai năm trước với công suất 270 tấn sản phẩm/năm. Mặc dù mới chỉ hoạt động ở giai đoạn 1 với 20% công suất, nhưng Sanwa Egg Vietnam được công ty sở hữu Nhật Bản đánh giá cao do làm việc hiệu quả và phát triển nhanh chóng.

Tổng giám đốc công ty là Tống Văn Phú Hải, từng là một trong số các TTS trước đây sang Nhật làm việc. Sau hai năm, Hải được đưa về nước, thay mặt chủ đầu tư, quản lý điều hành dự án sản xuất sản phẩm của Sanwa Sanyo tại Đồng Nai.

Hải giới thiệu với chúng tôi các đồng nghiệp của mình, trong đó có quản lý sản xuất Bùi Ngọc Hoan, một trong những TTS cùng đi sang Nhật với mình năm xưa.

Tổng giám đốc Phú Hải cho biết mình từng làm hướng dẫn viên du lịch tự do trước khi chuyển sang học tiếng Nhật và sang xứ sở hoa anh đào làm TTS.

"Ba năm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi", anh nói.

Sau vài năm làm hướng dẫn viên với công việc không ổn định, anh được bạn bè giới thiệu đến một công ty tuyển dụng lao động để học tiếng Nhật, văn hóa Nhật, các chuẩn mực xã hội và cung cách ứng xử của người Nhật.

Sau một năm học tập, đến năm 2013 anh cùng hai đồng môn được công ty chế biến thực phẩm, các món truyền thống làm từ trứng, chọn đưa sang Nhật đào tạo trong ba năm.

Trong thời gian này Phú Hải được luân chuyển qua nhiều vị trí trong khâu sản xuất nhằm hiểu rõ quy trình làm việc của từng khâu sản xuất và điều đáng giá nhất anh học được chính là suy nghĩ, phong cách làm việc của người Nhật.

"Người Nhật có suy nghĩ chín chắn và nghiêm túc trong công việc, dù là việc nhỏ hay lớn thì đều quan trọng như nhau, cần phải được xếp vào kế hoạch và phải hoàn thành tốt - Phú Hải khẳng định - Công việc thì luôn phải được lên kế hoạch tỉ mỉ, đảm bảo tiến độ không bị chậm trễ".

Cách "suy nghĩ rất khác" đó của người Nhật chính là trải nghiệm làm thay đổi con người anh.

Theo Phú Hải, các kỹ năng khác đều có thể học được ở Việt Nam, nhưng cách suy nghĩ, tinh thần trách nhiệm, tỉ mỉ và tính bền bỉ trong công việc chỉ có thể tích lũy được trong môi trường làm việc trực tiếp với người Nhật.

Suy nghĩ này đã giúp Phú Hải nỗ lực theo kịp tiến độ sản xuất, làm việc của các đồng nghiệp Nhật Bản "để không bị bỏ lại phía sau". Nhờ vậy, Phú Hải kết thúc kỳ làm TTS sớm hơn hợp đồng 1 năm để về nước làm tổng giám đốc nhà máy tại Đồng Nai.

Tự nỗ lực trước khi nhờ người khác

Thị trường lao động Nhật Bản - Kỳ 5: Chuyến đi thay đổi cuộc đời - Ảnh 3.

Trợ lý Trần Văn Dũng (phải) cùng giám đốc Okamura Home tại Việt Nam - Ảnh: LÊ NAM

Trải qua nhiều tháng làm việc tại doanh nghiệp nhà nước, Trần Văn Dũng nhận thấy mình không phù hợp với môi trường này.

Nghe theo lời khuyên của anh trai, thời điểm đó cũng đang là TTS làm việc ở Nhật, Dũng đăng ký học tiếng Nhật, tác phong, kỹ năng làm việc tại Nhật và chờ đi làm TTS. "Tôi chỉ mong muốn có chút trải nghiệm tốt và trưởng thành".

Trần Văn Dũng được Okamura Corporation, một trong các tập đoàn đa quốc gia lớn của Nhật Bản, chọn để làm việc trong ba năm tại Nhật Bản.

Khi được hỏi về Trần Văn Dũng - trợ lý Công ty Okamura Home tại Việt Nam, ông Hiroki Tojo - giám đốc công ty - cho rằng anh mang từ Nhật về một thái độ làm việc nghiêm túc, sự chăm chỉ, và nỗ lực phi thường như chính những người Nhật.

Với Trần Văn Dũng, ba năm làm việc ở Nhật là cả một quãng đường vất vả, đầy trúc trắc, có lúc tưởng chấm dứt nửa chừng.

Chỉ khi quyết định sẽ đi Nhật, Dũng mới bắt đầu học tiếng Nhật, trong khi phần lớn các bạn tại trung tâm tuyển dụng đều đã có trước một nền tảng tiếng Nhật tương đối.

"Ban đầu không theo kịp tôi tưởng chừng như phải bỏ học" - Dũng kể. "Quan trọng hơn hết là sốc về tâm lý. Các công ty tuyển dụng thường vẽ ra một bức tranh màu hồng với mọi thứ tươi đẹp khi đặt chân đến nước Nhật".

"Khi không hiểu người Nhật nói gì, tôi nhiều lần đã làm không đúng yêu cầu công việc. Sau vài lần như vậy tôi đã không còn được giao việc vì đánh mất sự tin tưởng của các đồng nghiệp người Nhật" - Dũng nói.

Đã vậy, nơi xứ lạ, thời tiết lạnh và khô, không chuẩn bị kỹ cho những thay đổi khắc nghiệt này nên các đầu ngón tay Dũng bị nứt nẻ, bật máu mỗi khi vào xưởng làm. Không dám than vãn vì sợ gây ấn tượng xấu cho người Nhật trong công ty nên anh chỉ biết nén cơn đau mà làm.

"Tôi phải cố làm thật tốt để không ai có thể trách mình" - Dũng cho biết.

Từ đó, Dũng luôn cố gắng giành lại từng chút một niềm tin của đồng nghiệp Nhật. Anh chủ động xin việc để làm và chủ động nhờ các đồng nghiệp người Nhật giải thích phần công việc của anh một cách dễ hiểu và chậm rãi hơn.

"Cần một sự nỗ lực lớn từ phía mình trước khi nhờ đến người khác" - Dũng chia sẻ.

Đó là chưa kể anh phải vượt qua sự ganh đua và cả đố kỵ của những công nhân đồng hương người Việt để giành lấy quyền được ưu tiên tăng ca, tăng lương, hoặc cơ hội thăng tiến...

Vững tiếng Nhật quyết định hiệu quả

"Vững tiếng Nhật hay không sẽ quyết định hiệu quả làm việc" - cả Phú Hải và Dũng đều khẳng định như thế khi Tuổi Trẻ đề nghị các anh chia sẻ bí quyết vượt qua khó khăn khi làm TTS tại Nhật.

Theo các anh, trong thời gian ở Việt Nam chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của cuộc đời, các TTS phải quyết tâm học tiếng Nhật thật tốt. Tuy nhiên, ngay cả sự chuẩn bị tốt này cũng chưa đủ vì mỗi lĩnh vực làm việc còn có những từ chuyên môn khó buộc các TTS phải rành rẽ chúng.

_______________________________

Kỳ tới: Lao động "chui" người Việt

LÊ NAM - HÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên