03/07/2020 08:22 GMT+7

Thêm 3 ca bạch hầu ở Đắk Nông, 1 ca điều trị ở TP.HCM đang xấu đi

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Thêm 3 ca bệnh bạch hầu được ghi nhận ở huyện Krông Nô và huyện Đăk G’long của tỉnh Đăk Nông, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 15.

Thêm 3 ca bạch hầu ở Đắk Nông, 1 ca điều trị ở TP.HCM đang xấu đi - Ảnh 1.

Sức khỏe bệnh nhân G.A.Ph. (13 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) mắc bệnh bạch hầu ác tính chuyển biến xấu sau một tuần điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: BSCC

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đăk Nông cho biết các ca bệnh mới gồm 2 bé 8 tuổi và 1 bé 15 tuổi, đều sống trong khu vực có ổ dịch bạch hầu. Hiện tỉnh đang tập trung dập các ổ dịch này.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết sức khỏe bệnh nhân G.A.Ph. (13 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) diễn biến xấu hơn sau một tuần điều trị tích cực tại đây.

TS Phan Tứ Quí - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, người trực tiếp điều trị bệnh nhân - cho hay hiện bệnh nhân tỉnh táo nhưng diễn tiến rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim lại nặng hơn, chức năng co bóp tim giảm, suy thận mức độ vừa, tỉ lệ tử vong lên đến 70-80%. 

Các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, dùng máy tạo nhịp tim nhân tạo, uống thuốc vận mạch và điều trị dinh dưỡng hỗ trợ.

Bệnh nhân G.A.Ph., đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, hay trường hợp nam bệnh nhân 20 tuổi (ngụ TP.HCM), điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, đều là các trường hợp chưa tiêm ngừa vắcxin phòng bệnh bạch hầu.

ThS.BS Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - nhận định sau 6 tuổi, mọi người dần ít quan tâm đến tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu, trong khi đó hiệu quả vắcxin này kéo dài khoảng 10 năm. Vì trẻ lớn, người lớn không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắcxin là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu ở các độ tuổi này tăng lên.

Cụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-7 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở trẻ lớn, người lớn. Gần đây, Việt Nam ghi nhận các ca bạch hầu ở trẻ lớn, người lớn và hầu hết những trường hợp này không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắcxin phòng bệnh.

Trong tình hình xuất hiện ca bệnh bạch hầu rải rác ở một số tỉnh thành, ThS Lê Hồng Nga - trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - khuyến cáo tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. 

Đối với trẻ lớn và người lớn có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, không rõ ràng nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn sử dụng các vắcxin phòng bệnh bạch hầu phù hợp.

Lượt tiêm vắcxin dịch vụ phối hợp phòng bệnh bạch hầu tăng đột biến

BSCKI Vũ Kim Hòa - trưởng phòng tiêm ngừa Trung tâm Y tế quận Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết những tuần qua, số lượt tiêm vắcxin dịch vụ phối hợp phòng bệnh bạch hầu 4 trong 1 (Tetraxim) và 6 trong 1 (Hexaxim) tăng gấp 2 lần so với mọi ngày. Cụ thể, số thực tiêm vắcxin của trung tâm vào tháng 5 là 330 liều nhưng đến tháng 6 là 619 liều.

Do nhu cầu tiêm vắcxin tăng đột biến nên trung tâm dự trù không đủ số lượng vắcxin theo nhu cầu của người dân, phải hẹn tiêm trong tuần sau.

"Đây là khoảng thời gian trùng với thời điểm xuất hiện các ca nhiễm bạch hầu đầu tiên tại Đắk Nông và TP.HCM. Nguyên nhân chính là do người dân lo ngại sau khi hay tin tại tỉnh Đắk Nông và TP.HCM có ca nhiễm bạch hầu" - bác sĩ Hòa nhận định.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh bạch hầu? Làm thế nào để phòng ngừa bệnh bạch hầu?

TTO - Thời gian gần đây, ngoài dịch COVID-19, Việt Nam ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo tiêm vắcxin đủ mũi, đúng lịch, vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày... để phòng chống bệnh.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên