Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (thứ ba từ trái sang) chỉ đạo các nhà khoa học Triều Tiên khi đứng cạnh một thiết bị được cho là vũ khí hạt nhân mới - Ảnh: REUTERS
Vụ thử nghiệm được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Kim Jong Un diễn ra sau khi nước này tuyên bố đã làm chủ công nghệ đưa bom nhiệt hạch (bom H) lên tên lửa ICBM sáng 3-9.
Trước đó, các nước trong khu vực Đông Bắc Á đã đồng loạt ghi nhận một chấn động có cường độ khoảng 6,3 độ Richter từ Triều Tiên. Giả thuyết ngay lập tức được đặt ra là Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân lần 6.
Không lâu sau đó, Nhật Bản kết luận những chấn động phát hiện tại Triều Tiên sáng 3-9 là do một vụ nổ hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp báo được đài NHK đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định: "Sau khi phân tích những số liệu, chúng tôi kết luận rằng đây là một vụ thử hạt nhân".
Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố đã điều động ít nhất 3 máy bay quân sự để đo mức độ phóng xạ ở gần biên giới với Triều Tiên.
Hiện người ta vẫn đang tranh nhau ước tính sức công phá từ vụ thử bởi đó là một phần để đánh giá mức độ thành công và công nghệ chế tạo của Triều Tiên.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết nó mạnh hơn ít nhất 10 lần so với lần Bình Nhưỡng cho thử nghiệm hạt nhân cách đây một năm. Các chuyên gia ước tính vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên có sức công phá khoảng 10 kiloton (1kiloton = 1.000 tấn thuốc nổ TNT).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp chỉ đạo vụ thử bom H ngày 3-9 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc Kim Young Woo cho biết nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton, mạnh gấp gần 8 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản.
Trước đó, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á Jeffrey Lewis trên trang Twitter cho biết quy mô của chấn động ở Triều Tiên cho thấy vụ nổ này có sức công phá khoảng 1 megaton (1 megaton = 1.000 kiloton).
Nói với đài NBC của Mỹ, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên Koh Yu Hwan của Đại học Dongguk nhận định rằng với tuyên bố trước đó của Bình Nhưỡng về bom H, vụ thử mới nhất của Triều Tiên có thể có liên quan đến một quả bom như vậy.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên đã gần như hoàn thành mục tiêu trở thành một "cường quốc hạt nhân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận