Các binh sĩ Triều Tiên được trang bị “balô hạt nhân” xuất hiện trong lễ duyệt binh năm 2016 Ảnh: REUTERS
11 năm, 5 lần thử hạt nhân, hơn trăm vụ bắn thử tên lửa, Triều Tiên đang ngày tiến gần hơn tới việc sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. 7 lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và vô số lệnh trừng phạt đơn phương xem ra chẳng phát huy tác dụng.
Ngày 1-9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo nguy cơ Triều Tiên sở hữu tên lửa tầm xa đang ngày càng hiện hữu.
"Tình hình đang rất nghiêm trọng. Triều Tiên đang đề ra mục tiêu sở hữu loại tên lửa mang được vũ khí hạt nhân trong nay mai. Thực tế đó có thể xảy ra trong ít tháng nữa" - ông Le Drian nói với Reuters.
Chấp nhận và kiềm chế?
Không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa của họ. Bất chấp sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng tuyên bố là một quốc gia hạt nhân và luôn nhấn mạnh điều này trong các tuyên bố chính thức.
Người Mỹ từng "nhảy dựng" vào năm 1964 khi Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử. Sự xuất hiện của một Trung Quốc hạt nhân sát sườn cũng đồng thời khiến Liên Xô lo lắng.
Bốn năm sau đó, năm 1968, Mỹ cùng với Liên Xô ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà một trong những mục đích là giới hạn kho hạt nhân của Trung Quốc. Thực tế, mãi đến tận năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, Bắc Kinh mới ký NPT.
Nhắc lại lịch sử để thấy Washington đã từng khó chấp nhận sức mạnh hạt nhân của Bắc Kinh như thế nào nhưng cuối cùng mọi chuyện đã đâu vào đấy. Tất nhiên, bối cảnh lúc ấy khác thời đại ngày nay.
Triều Tiên đã từng ký vào NPT trước khi rút ra và thử hạt nhân năm 2006. Các tính toán của 38 North, chuyên trang về Triều Tiên của Mỹ, cho thấy Bình Nhưỡng đủ nguyên liệu chế tạo hàng chục quả bom nguyên tử trong thời gian ngắn.
"Cố gắng giải giáp một Triều Tiên có vũ trang hạt nhân là ý tưởng điên rồ, ngay cả khi một số chính khách của Mỹ thấy thực tế quá mập mờ để chấp nhận" - TS Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Đông Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, cảnh báo.
Nhiều nhà quan sát cho rằng trong khi mọi biện pháp trừng phạt gần như vô dụng, hãy nên tập dần việc chấp nhận Triều Tiên có sức mạnh hạt nhân và nghĩ cách làm thế nào để giới hạn số đầu đạn/tên lửa của họ.
Nói cách khác, thế giới cần nhìn Triều Tiên bằng con mắt khác ngoài trừng phạt. Chấp nhận thực tế không có nghĩa cho phép thực tế đó diễn ra một cách tùy tiện, không kiểm soát.
Tại ai và tại sao?
Người ta có quyền nghi ngờ về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt. Họ đặt ra vô vàn giả thuyết như chuyện tại sao Triều Tiên vẫn trụ vững, vì sao Mỹ không can thiệp, có thật Triều Tiên đủ sức phát triển những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đó?...
Bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953. Hàng chục năm qua, người dân Hàn Quốc đã chấp nhận thực tế đang sống dưới tầm bắn của pháo binh Triều Tiên.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách biên giới liên Triều hơn 50km, hoàn toàn trong tầm bắn của pháo binh chứ chưa cần đến tên lửa.
Các chuyên gia khẳng định sự xuất hiện của Triều Tiên có hạt nhân khiến cán cân quân sự trong khu vực mất cân bằng, kéo theo nhiều hệ quả xấu khác trong quan hệ quốc tế.
Nhưng ngoài những điều đó, có khó khăn gì khiến người ta không chấp nhận thực tế đó?
"Bởi vì việc thừa nhận nước Mỹ đang trở nên dễ bị tổn thương trước vũ khí của Triều Tiên là một sự sỉ nhục" - TS Lewis viết trên New York Times.
Giải pháp không phải là gây sức ép
Trong một bài viết được đăng trên trang web của Điện Kremlin ngày 1-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh gây sức ép lên Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân, tên lửa của họ không phải là cách để giải quyết vấn đề.
"Nó phải được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp với tất cả các bên và không nên có bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho chuyện này. Khiêu khích, gây sức ép, hiếu chiến hay miệt thị sẽ chẳng đưa vấn đề đi tới đâu cả" - nhà lãnh đạo Nga viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận