Thái Lan muốn tự giải quyết xung đột với Campuchia, không cần trung gian

Bộ Ngoại giao Thái Lan vừa tuyên bố nước này hiện không muốn để một nước khác đứng ra làm trung gian giúp chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Thái Lan - Campuchia.

Campuchia - Ảnh 1.

Một đơn vị cơ động của quân đội Thái Lan được triển khai tại tỉnh Surin, Thái Lan ngày 25-7 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai ngày 25-7 cảnh báo các cuộc đụng độ quân sự leo thang giữa Thái Lan và Campuchia có thể dẫn đến chiến tranh.

Phát biểu trước báo giới, ông Phumtham cho biết các cuộc giao tranh đã có sự tham gia của các loại vũ khí hạng nặng.

Hàng ngàn người Campuchia hiến máu ủng hộ binh sĩ bảo vệ biên giới

Campuchia - Ảnh 2.

Người dân tới hiến máu tại Trung tâm Koh Pich, thủ đô Phnom Penh - Ảnh: KHMER TIMES

Theo báo Khmer Times, hàng ngàn người dân đã tham gia hiến máu để ủng hộ Các lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia (RCAF). 

Người dân tới hiến máu tại Trung tâm Koh Pich, thủ đô Phnom Penh. Nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi sau khi phu nhân Pich Chanmony, vợ của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, kêu gọi cộng đồng đóng góp nhằm chuẩn bị cho bất kỳ tình huống khẩn cấp nào có thể xảy ra.

Thái Lan muốn giải quyết riêng với Campuchia, không cần nước thứ ba làm trung gian

Campuchia - Ảnh 3.

Người dân bên trong địa điểm trú ẩn tại tỉnh Surin, Thái Lan ngày 25-7 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-7, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này hiện không muốn để một nước khác đứng ra làm trung gian giúp chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Thái Lan - Campuchia, nhấn mạnh rằng Campuchia cần chấm dứt các cuộc tấn công và giải quyết tình hình thông qua đàm phán song phương.

Mỹ, Trung Quốc và Malaysia (quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN) đều đã đề nghị làm trung gian thúc đẩy đối thoại. Tuy nhiên, chia sẻ với Hãng tin Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nói rằng Bangkok mong muốn một giải pháp song phương cho cuộc xung đột này.

"Tôi cho rằng hiện tại chúng tôi chưa cần đến bất kỳ sự hòa giải nào nhờ quốc gia thứ ba" - ông Nikorndej nói.

Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau, Hãng tin AFP tường thuật Thái Lan sẵn sàng để Malaysia làm trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm giải pháp đàm phán chấm dứt xung đột với Campuchia.

"Nếu Campuchia muốn giải quyết vấn đề này thông qua kênh ngoại giao, song phương, hoặc thậm chí thông qua Malaysia, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào" - ông Nikorndej nói với AFP.

Xung đột lan rộng 12 khu vực

Campuchia - Ảnh 4.

Người dân ở khu vực Mom Tei, tỉnh Preah Vihear, Campuchia sơ tán trong sáng 25-7 - Ảnh: KHMER TIMES

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Thái Lan cho biết các cuộc đụng độ giữa Thái Lan và Campuchia đã xảy ra tại 12 địa điểm dọc theo khu vực biên giới đang tranh chấp vào ngày 25-7, cho thấy xung đột đang lan rộng sau khi bùng phát vào ngày hôm trước.

Chuẩn đô đốc Surasant Kongsiri, người phát ngôn quân đội Thái Lan, cho biết trong một cuộc họp báo rằng phía Campuchia vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hạng nặng.

Trước đó vào ngày 24-7, quân đội Thái Lan chỉ ghi nhận giao tranh tại sáu địa điểm.

Bộ Ngoại giao Campuchia triệu tập họp khẩn

Trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia, sáng 25-7, Bộ Ngoại giao Campuchia đã triệu tập cuộc họp khẩn với sự tham dự của toàn thể đại sứ các nước đang hoạt động tại Campuchia, theo Khmer Times.

Cuộc họp nhằm tìm hiểu căn nguyên của cuộc xung đột hiện nay và thúc đẩy các giải pháp ngoại giao. Dự kiến các bên sẽ thảo luận về bối cảnh lịch sử của tranh chấp và đánh giá các sự kiện gần đây làm gia tăng căng thẳng.

Thái Lan công bố gói cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng biên giới

Campuchia - Ảnh 5.

Một binh sĩ ngồi trên xe quân sự ở tỉnh Buriram, Thái Lan ngày 25-7 - Ảnh: REUTERS

Chính phủ Thái Lan ngày 25-7 đã công bố gói cứu trợ toàn diện nhằm hỗ trợ người dân và cán bộ bị ảnh hưởng bởi xung đột leo thang dọc biên giới với Campuchia.

Theo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Jirayu Huangsap, quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Phumtham Wechayachai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thống kê thiệt hại về nhân mạng, thương tích và tài sản, để kịp thời triển khai hỗ trợ tài chính trực tiếp.

Nguồn kinh phí ban đầu được rút từ Quỹ Văn phòng Thủ tướng, trong khi các biện pháp hỗ trợ lâu dài đang được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá, trình duyệt trong thời gian sớm nhất.

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn, nhiều bộ ngành cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Trường học tại các khu vực rủi ro bị yêu cầu tạm đóng cửa; hệ thống y tế địa phương được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và sơ tán bệnh nhân, người bị thương.

Về mặt tài chính, Bộ Tài chính Thái Lan đã huy động các tổ chức tín dụng nhà nước triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân. Những biện pháp này bao gồm hoãn trả nợ, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi để khôi phục sinh kế và tài sản bị thiệt hại.

Giao tranh dữ dội tại khu vực đền Ta Moan Thom

Sáng 25-7, giao tranh đã bùng phát tại khu vực đền Ta Moan Thom, gần biên giới Thái Lan - Campuchia, khi lực lượng Thái Lan được cho là đã mở một đợt tấn công lớn nhằm tiếp cận vị trí này. Quân đội Campuchia đã đáp trả bằng hỏa lực mạnh.

Theo các báo cáo từ hiện trường, phía Thái Lan đã triển khai cả pháo binh hạng nặng và bộ binh trong đợt tấn công vào buổi sáng. Phía Campuchia cho biết quân đội nước này đã tổ chức phòng ngự và đẩy lùi đợt tiến công.

Bom chùm, vũ khí tầm xa xuất hiện ở biên giới?

Hãng tin Reuters dẫn lời Cơ quan Hành động bom mìn và Hỗ trợ nạn nhân Campuchia (CMAA) cho biết quân đội Thái Lan đã sử dụng "số lượng lớn bom chùm" tại tỉnh Preah Vihear, nơi giáp ranh với Thái Lan, vào sáng sớm 25-7.

Báo cáo hiện trường từ quân đội Campuchia cho thấy bom chùm được sử dụng hai lần trong vòng 90 phút, gây nguy hiểm cho các cộng đồng dân cư trong khu vực.

CMAA gọi đây là "hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực nhân đạo quốc tế", đặc biệt vì bom chùm bị cấm theo Công ước Vũ khí chùm năm 2008, hiệp ước mà Thái Lan không ký kết nhưng Campuchia là thành viên.

Trong khi đó, quân đội Thái Lan đã lên án ngược lại Campuchia vì sử dụng vũ khí tầm xa để "nhắm vào các khu vực dân sự" bên phía Thái Lan.Trong một tuyên bố do Reuters dẫn lại, quân đội Thái gọi đây là "những hành động man rợ" và "khiến nhiều thường dân vô tội thiệt mạng cũng như bị thương một cách vô nghĩa".

Thái Lan tuyên bố kiểm soát hai đền cổ, Campuchia bác bỏ

Sáng 25-7, báo The Nation của Thái Lan đưa tin quân đội nước này đã chiếm được đền Preah Vihear và Wat Kaeo Sikha Khiri Svara của Campuchia.

Tuy nhiên, Campuchia đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin này. Theo trang Fresh News, đến hiện tại, "quân đội Campuchia vẫn đang kiểm soát vững chắc khu vực đền Preah Vihear và Wat Keo Sikha Khiri Svara". 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cũng nhấn mạnh thông tin Thái Lan chiếm đóng đền Preah Vihear và Wat Keo Sikh Kiriswara là hoàn toàn sai sự thật, bởi đến nay, quân đội Campuchia vẫn đang kiểm soát các khu vực này. "Những khu vực đó vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Campuchia", bà nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Socheata lên án quân đội Thái Lan đã sử dụng bom chùm để tấn công lực lượng Campuchia tại khu vực di sản UNESCO, vi phạm hiệp ước quốc tế cấm sử dụng loại vũ khí hủy diệt này.

Quân đội Thái cố tái chiếm đền Ta Krabei, Campuchia tuyên bố giữ vững phòng tuyến

Campuchia - Ảnh 6.

Binh sĩ Campuchia trên xe tải quân sự trang bị súng phòng không tại tỉnh Oddar Meanchey ngày 25-7 - Ảnh: AFP

Báo Khmer Times ngày 25-7 đưa tin quân đội Thái Lan được cho là đã tìm cách tái chiếm khu đền Ta Krabei nằm gần biên giới Campuchia - Thái Lan, dẫn đến một cuộc đấu súng dữ dội giữa hai bên vào rạng sáng.

Theo bà Mali Socheata, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, các binh sĩ Campuchia đóng quân tại khu vực này đã đáp trả quyết liệt, khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia bằng mọi giá.

Trước đó, quân đội Campuchia đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực đền Ta Krabei vào ngày 24-7 sau cuộc giao tranh ác liệt.

Thương vong tiếp tục tăng

Tính đến sáng 25-7, số người thiệt mạng tại Thái Lan đã tăng lên 15 người, trong đó có 14 dân thường, theo thông báo từ Bộ Y tế Thái Lan. Ngoài ra, có 46 người bị thương, bao gồm 15 binh sĩ.

Phía chính phủ Campuchia vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về thương vong hoặc việc sơ tán dân thường, theo Hãng tin Reuters.

Trong khi đó, người phát ngôn chính quyền tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) Meth Meas Pheakdey - một trong các điểm nóng trong khu vực giao tranh - cho biết một dân thường đã thiệt mạng, năm người khác bị thương, và khoảng 1.500 hộ gia đình đã được sơ tán khỏi khu vực xung đột.

Campuchia - Thái Lan đấu pháo tại biên giới

Đến khoảng 9h sáng 25-7, phía Thái Lan chính thức xác nhận các cuộc giao tranh tiếp tục diễn ra tại khu vực biên giới. 

Theo thông cáo của quân đội Thái Lan được Hãng tin Reuters dẫn lại, lực lượng Campuchia đã "tiến hành các đợt pháo kích dữ dội bằng vũ khí hạng nặng, pháo dã chiến và hệ thống rocket BM-21". 

Phía Thái Lan cho biết đã đáp trả bằng "hỏa lực yểm trợ phù hợp với tình hình chiến thuật".

* Thái Lan thông báo nước này đã sơ tán hơn 100.000 người dọc biên giới với Campuchia trong bối cảnh căng thẳng leo thang nghiêm trọng.

Cuộc xung đột hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chuẩn bị họp khẩn theo yêu cầu của Campuchia nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang thành xung đột toàn diện.

Theo báo Khmer Times, tính đến 6h sáng 25-7, ngày thứ hai của cuộc giao tranh, lực lượng quân đội Campuchia và Thái Lan vẫn đang tiếp tục đấu pháo và nổ súng vào nhau tại các điểm nóng dọc tuyến biên giới.

Trước đó, rạng sáng nay lúc 2h và 3h, pháo kích đã tiếp diễn ở một số khu vực tại Preah Vihear - Phnom Khaing, và vào lúc 5h sáng tại khu vực Takrabei.

Quân đội Campuchia cho biết họ vẫn kiểm soát toàn bộ các chiến trường, duy trì vị trí vững chắc tại đền Ta Moan Thom, đền Ta Krabey và khu vực Mom Tei, sau khi đẩy lùi lực lượng đối phương ra khỏi các khu vực này.

Theo báo cáo từ các đơn vị tiền tuyến, tại các tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear, hai bên tiếp tục sử dụng pháo hạng nặng bắn qua lại, nhưng lực lượng Campuchia vẫn giữ vững vị trí và đáp trả Thái Lan một cách quyết liệt.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, bà Maly Socheata, cho biết trong ngày 24-7, quân đội Thái Lan đã mở các đợt tấn công vào 8 khu vực, sử dụng vũ khí hạng nặng và cả chiến đấu cơ F-16. 

Các vị trí bị nhắm mục tiêu bao gồm đền Ta Moan Thom, đền Ta Krabey, Phnom Trat, Veal Intri, Tathav, Phnom Khak, An Ses O Phka Sweten và Mom Bei.

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 24-7 đưa tin ông Athapol Charoenshunsa - người đứng đầu Cục Công viên quốc gia Thái Lan, cho hay đã chỉ đạo toàn bộ nhân viên rời khỏi các khu vực có liên quan vì lý do an toàn sau khi căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia leo thang.

Do đó quân đội Thái Lan hiện có thể sử dụng 6 khu vực thuộc công viên quốc gia và khu bảo tồn động vật hoang dã dọc biên giới Campuchia - Thái Lan làm căn cứ hoạt động để lên kế hoạch tác chiến.

Tại một số khu vực, các chuyên gia có chuyên môn cao của Cục Công viên quốc gia Thái Lan sẽ ở lại để tư vấn về kỹ thuật tuần tra.

Bên cạnh đó, Cục Công viên quốc gia Thái Lan cũng hỗ trợ quân đội ở các phương diện khác như tiếp tế hay chia sẻ dữ liệu về khu vực thuộc phạm vi tuần tra.

Toàn cảnh xung đột vũ trang ở biên giới Thái Lan - Campuchia ngày 24-7

Campuchia - Ảnh 7.

Binh sĩ Campuchia vận hành hệ thống rocket phòng không BM21-Grad - Ảnh: AFP

Tiếng súng và pháo vang lên tại khu vực đền Ta Muen Thom vào sáng 24-7 đã đánh dấu đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong nhiều năm qua.

Vụ nổ mìn tối 23-7 khiến một binh sĩ Thái Lan mất chân phải tại khu vực biên giới gần cửa khẩu Chong An Ma, tỉnh Ubon Ratchathani, đã trở thành tia lửa châm ngòi cho xung đột vũ trang.

Ngay trong đêm, Bangkok đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Phnom Penh, triệu hồi toàn bộ quan chức ngoại giao về nước và yêu cầu đại sứ Campuchia rời khỏi Thái Lan.

Campuchia - Ảnh 8.

Nguồn: Reuters - Dữ liệu: Minh Tâm

Kịch bản xấu nhất đã xảy ra khi giao tranh nổ ra vào khoảng 8h30 sáng 24-7. Hai bên cùng cáo buộc đối phương nổ súng trước và đưa ra phiên bản tường thuật khác nhau về diễn biến xung đột.

Xung đột nhanh chóng lan rộng ra nhiều điểm dọc biên giới với sự tham gia của các khí tài hạng nặng.

Diễn biến đáng chú ý nhất là việc quân đội Thái Lan tuyên bố cho phi đội 4 tiêm kích F-16 xuất quân tấn công một số mục tiêu quân sự của Campuchia.

Chiều 24-7, Thái Lan tiếp tục không kích lần hai. Không quân Hoàng gia Thái Lan xác nhận đã triển khai 4 tiêm kích F-16 vào 16h40 để ném bom một sở chỉ huy quân sự quan trọng của Campuchia nằm ở phía nam đền Ta Muen Thom.

"Cuộc chiến thông tin" trên mạng giữa hai nước cũng diễn ra gay gắt. Thái Lan cáo buộc Campuchia tấn công vào khu dân cư và cơ sở dân sự như cửa hàng, bệnh viện, gây thương vong cho dân thường.

Tính đến 17h chiều 24-7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin khẳng định có ít nhất 11 dân thường và 1 quân nhân thiệt mạng, khoảng 80.000 người ở 86 ngôi làng gần biên giới đã phải sơ tán.

Tính đến 16h cùng ngày, quân đội Campuchia khẳng định tình hình giao tranh và pháo kích lẫn nhau vẫn diễn ra trên các mặt trận. Phnom Penh tuyên bố kiểm soát hai ngôi đền Ta Moan Thom và Ta Krabey trong khu vực tranh chấp, trong khi phía Thái Lan chưa cập nhật tình hình.

Trong khi đó, lãnh đạo hai nước cũng đấu trí căng thẳng. Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp để ngăn chặn "hành vi xâm phạm chủ quyền Campuchia từ phía Thái Lan".

Ngược lại, bà Paetongtarn Shinawatra, dù đang bị đình chỉ chức thủ tướng, cũng cho rằng hành động từ phía Phnom Penh đã buộc Bangkok không còn lựa chọn nào khác.

Nguồn gốc mâu thuẫn

Campuchia - Ảnh 9.

Xe bọc thép của Thái Lan được điều ra chiến trường - Ảnh: AFP

Những diễn biến ngày 24-7 thực chất là đỉnh điểm của chuỗi căng thẳng kéo dài từ vụ đấu súng ngày 28-5 giữa quân đội hai nước tại khu vực biên giới. Trong cuộc đọ súng kéo dài 10 phút này, một binh sĩ Campuchia đã thiệt mạng. Tương tự như vụ việc ngày 24-7, hai nước đều cáo buộc phía còn lại nổ súng trước.

Sau sự kiện đó, cả hai bên đều tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới và áp dụng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Giao thương giữa hai nước đình trệ hoàn toàn, trong khi Phnom Penh tuyên bố sẽ đưa bốn khu vực lãnh thổ tranh chấp ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Mâu thuẫn càng nóng lên vào ngày 18-6 khi đoạn ghi âm cuộc gọi giữa bà Paetongtarn và ông Hun Sen bị rò rỉ. Cuộc gọi cá nhân ban đầu nhằm hạ nhiệt căng thẳng đã biến thành sóng gió chính trị cho gia tộc Shinawatra, dẫn đến việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ thủ tướng với bà Paetongtarn vào ngày 1-7.

Nhìn về chiều dài lịch sử, mâu thuẫn biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đã là đề tài gây tranh cãi trong hàng chục năm. Sự mơ hồ trong phân định ranh giới thời thuộc địa đã dẫn đến việc hai nước chưa thể hoàn tất phân định đường biên giới trên bộ dài 817km, đặc biệt tại các khu vực có di tích lịch sử như đền Preah Vihear.

Tòa ICJ đã ra phán quyết đền Preah Vihear thuộc về Campuchia nhưng chưa được phía Thái Lan chấp nhận hoàn toàn. Chính khu vực chỉ vài kilomet vuông này đã chứng kiến xung đột quân sự nghiêm trọng giữa hai nước trong giai đoạn 2008 - 2011, khiến 35 binh sĩ thiệt mạng. Biên giới hai nước đã tạm yên tiếng súng kể từ đó cho đến khi bùng nổ xung đột ngày 24-7.

Việt Nam kêu gọi Thái Lan - Campuchia không sử dụng vũ lực

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 24-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Thái Lan và Campuchia là láng giềng của nhau và của Việt Nam cũng như cùng là thành viên ASEAN.

Điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN vì lợi ích lâu dài của cả hai bên và của khu vực".

Thế giới kêu gọi đối thoại

Theo Reuters, trưa 24-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước diễn biến tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hạ nhiệt căng thẳng, khẳng định Bắc Kinh duy trì lập trường công bằng và khách quan.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng bày tỏ quan ngại, nhấn mạnh hòa bình vẫn là con đường khả thi duy nhất. "Tôi hoan nghênh những tín hiệu tích cực và thiện chí từ cả Bangkok và Phnom Penh trong việc xem xét hướng đi này", ông viết trên mạng xã hội X sau khi nói chuyện với lãnh đạo Thái Lan và Campuchia.

Thái Lan - Campuchia: Xung đột căng thẳng ở biên giới - Ảnh 4.Mỹ, Nga, Liên hợp quốc kêu gọi Thái Lan và Campuchia kiềm chế xung đột

Mỹ, Nga và Liên hợp quốc đã đồng loạt lên tiếng về xung đột Thái Lan - Campuchia và kêu gọi các bên kiềm chế để tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên