Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), nợ toàn cầu vào quý 1-2024 đã tăng lên mức cao kỷ lục 315.000 tỉ USD. Con số này được tổng hợp từ các khoản vay hộ gia đình, vay doanh nghiệp và vay chính phủ trên toàn thế giới.
Thập niên nợ nần đang đến
Trả lời Đài CNBC, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende nhận định số nợ của thế giới hiện nay là "chưa từng thấy" kể từ các cuộc chiến của Hoàng đế Pháp Napoleon giai đoạn 1799 - 1815.
"Tôi dự đoán 10 năm tới sẽ là thập niên nợ nần. Nợ toàn cầu đang đến đỉnh điểm. Nó sẽ không có kết thúc tốt đẹp" - ông Laffer, chủ tịch Công ty tư vấn Laffer Tengler Investments, chia sẻ vào tháng 2-2024 với Đài CNBC, trong bối cảnh nợ thế giới ghi nhận đạt mốc 307,4 ngàn tỉ USD vào quý 3-2023.
Theo IIF, nợ toàn cầu trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 1,3 ngàn tỉ USD, đạt mốc kỷ lục 315.000 tỉ USD. Từ tháng 1 đến tháng 3-2024, tỉ lệ nợ toàn cầu trên GDP trở lại với quỹ đạo đi lên.
Để hình dung, nếu chia đều số nợ này cho 8,1 tỉ người đang sống trên thế giới ngày nay, mỗi cá nhân sẽ mang nợ khoảng 39.000 USD.
Khoảng 2/3 trong tổng số nợ 315.000 tỉ USD là từ các nền kinh tế trưởng thành. IIF liệt kê các nền kinh tế trưởng thành là Mỹ, khu vực đồng euro, Nhật Bản và Anh.
Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới Nhật Bản đang là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới: tổng nợ lên đến 600% GDP với phần lớn là nợ công.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi đóng góp 105.000 tỉ USD trong tổng số nợ toàn cầu và tỉ lệ nợ trên GDP của các quốc gia này lại đạt mức cao mới 257%. Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là những nước đóng góp lớn nhất cho số nợ của nhóm này.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo nợ của Ấn Độ có thể vượt quá quy mô nền kinh tế của nước vào cuối thập niên này, khi New Delhi phải chi nhiều tỉ USD mỗi năm để đối phó với thiên tai.
Cùng lúc, IIF cảnh báo nợ chính phủ ở các nước có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển, khi nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt với tình hình lạm phát và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Theo Chủ tịch WEF Brende, tăng trưởng toàn cầu ước tính trong năm nay đạt khoảng 3,2%. Một con số không tệ, nhưng không phải là xu hướng tăng 4% được ghi nhận trong nhiều thập niên.
"Chúng ta không thể có một cuộc chiến thương mại. Chúng ta vẫn phải giao thương với nhau", ông Brende bình luận về cách để thế giới tránh rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp.
Đối phó với nợ ra sao?
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc khủng hoảng nợ.
Theo ước tính của IMF, để đáp ứng các khoản thanh toán nợ, ít nhất 100 quốc gia sẽ phải giảm chi tiêu cho y tế, giáo dục và trợ cấp xã hội.
Theo Báo cáo nợ quốc tế 2023 của WB, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2022 đã phải chi 443,5 tỉ USD để trả nợ công vay bên ngoài và nợ công được bảo lãnh.
Lấy ví dụ với Zambia. Việc trả nợ của nước này vào năm 2021 chiếm 39% ngân sách quốc gia. Chính phủ Zambia trong khoảng thời gian này đã chi trả nợ hơn là chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, nước và vệ sinh cộng lại. Điều này hoàn toàn cản trở khả năng đầu tư vào tương lai của đất nước.
"Mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng" - ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao của WB, nhận định.
Hoảng loạn trên thị trường tài chính và suy thoái kinh tế là các khả năng có thể xảy ra khi các quốc gia vỡ nợ.
Hồi tháng 5, IMF kêu gọi các chính phủ trên thế giới "cưỡng lại" động thái cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu với hy vọng giành được phiếu bầu trong "năm bầu cử lớn nhất từ trước đến nay".
Trong năm 2024, hơn 50 quốc gia được ghi nhận sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng. Các chính phủ vì thế đang nghiêng về các chính sách cắt giảm thuế và chi tiền mặt để thu hút cử tri.
"Trong năm bầu cử lớn này, các chính phủ nên thực hiện các biện pháp kiềm chế tài chính để duy trì nền tài chính công lành mạnh", IMF cảnh báo.
Ông Laffer cho biết để cải thiện tình hình tài chính, các quốc gia có thể thực hiện biện pháp thu hút lao động, vốn và đầu tư từ nước ngoài. Theo ông, các quốc gia không có biện pháp gì có thể rơi vào tình trạng chảy máu chất xám, mất nguồn thu và nhiều hơn nữa.
"Tôi dự đoán rằng một số quốc gia lớn nếu không giải quyết vấn đề nợ sẽ chết từ từ về mặt tài chính" - ông Laffer nói, đề cập một số nền kinh tế mới nổi có thể sẽ phá sản.
Ông Laffer cảnh báo việc trả nợ sẽ ngày càng khó khăn hơn khi dân số ở các nước phát triển tiếp tục già đi và lực lượng lao động ngày càng khan hiếm.
"Có hai cách để giải quyết vấn đề này: tăng thuế hoặc phát triển nền kinh tế của bạn nhanh hơn tốc độ nợ đang chồng chất", ông Laffer nêu giải pháp.
Đa dạng hình thức nợ
Theo báo cáo của IIF, thế giới trong quý 1-2024 ghi nhận khoản nợ hộ gia đình - bao gồm những khoản như thế chấp, thẻ tín dụng và nợ sinh viên - vào khoảng 59,1 ngàn tỉ USD.
Nợ doanh nghiệp cho các hoạt động mở rộng và tăng trưởng kinh doanh ghi nhận ở mức 164,5 ngàn tỉ USD. Chỉ riêng lĩnh vực tài chính đã chiếm 70,4 ngàn tỉ USD số nợ này.
Nợ công của các chính phủ đạt mức 91,4 ngàn tỉ USD. Mặc dù nợ công nghe có vẻ tiêu cực, nhưng nó có thể mang lại cho các chính phủ đòn bẩy mà họ cần để xây dựng nền kinh tế, chi tiêu xã hội hoặc ứng phó với khủng hoảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận