28/10/2024 13:00 GMT+7

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 6: Đường sắt cao tốc Hàn Quốc và 'phép màu' kinh tế

'Đường sắt cao tốc chính là biểu tượng của năng lực cạnh tranh quốc gia và là nền tảng của sự phồn vinh đất nước trong thế kỷ 21...'.

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao  - Kỳ 6: Đường sắt cao tốc Hàn Quốc và 'phép màu' kinh tế - Ảnh 1.

Tổng thống Moon Jae In dự buổi chạy thử tàu cao tốc thân thiện môi trường EMU-260 của Hàn Quốc năm 2021 - Ảnh: YONHAP NEWS

"Kính thưa toàn thể quốc dân, thế giới đã tiến vào thời đại mà tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định năng lực cạnh tranh.

Từ ngành công nghệ thông tin đến ngành dịch vụ hậu cần đều phải phát triển nhanh hơn các đối thủ khác, chúng ta mới có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Đường sắt cao tốc chính là biểu tượng của năng lực cạnh tranh quốc gia và là nền tảng của sự phồn vinh đất nước trong thế kỷ 21".

Đó là phát biểu ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa cốt lõi của quyền Tổng thống Hàn Quốc Goh Kun đã nói trong lễ khai thông tuyến đường sắt cao tốc KTX (Korea Train Express) với vận tốc hơn 300km/h vào ngày 30-3-2004 ở quảng trường ga Seoul.

Từ đường sắt truyền thống đến cao tốc

Thời điểm đó, tuyến đường sắt cao tốc Gyeongbu giai đoạn 1 nối Seoul và thành phố Busan đã chính thức ghi tên Hàn Quốc tự hào là quốc gia thứ năm trên thế giới xây dựng thành công đường sắt cao tốc, chỉ đứng sau Nhật Bản, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

Ngay cả quốc gia hàng xóm lớn là Trung Quốc mặc dù có tham vọng và nỗ lực đầu tư lớn lao cho đường sắt cao tốc nhưng đã đến đích chậm hơn…

Ngày vui khánh thành tuyến KTX đầu tiên, báo chí Hàn Quốc đã phỏng vấn người dân và nhận được câu trả lời ngắn gọn nhưng đúng ý nghĩa cốt lõi:

"Chuyến tàu KTX Busan kéo một hồi còi xuất phát, tôi có cảm giác nền kinh tế đang đứng yên bỗng vọt lên như đoàn tàu siêu tốc".

Đó chính là mục tiêu lớn nhất để Hàn Quốc nỗ lực hiện thực hóa thành công dự án đường sắt cao tốc quốc gia trong những năm cuối thế kỷ 20.

Lùi ngược lại lịch sử, quốc gia này cũng là một trong những nước châu Á sớm có đường sắt.

Ngày 18-9-1899, cung đường sắt đầu tiên Gyeongin dài 33,2km kết nối Seoul và cảng Jemulpo, thành phố Incheon, được thông tuyến.

Ban đầu tốc độ chỉ đạt khoảng 20km/h, nhưng sức kéo của đoàn tàu thép khổng lồ đã làm người ta phải ngưỡng mộ ở thời kỳ còn sử dụng sức ngựa.

Tiếp đến thời kỳ Triều Tiên bị đế quốc Nhật đô hộ, một số tuyến đường sắt nữa được xây dựng từ Seoul đi các tỉnh như cung đoạn Gyeongbu ở Seoul đi Busan, cung đoạn Gyeongwon đi Wonsan.

Tuy nhiên thời kỳ ấy, người ta vẫn phải mất thời gian hơn 20 giờ để từ Seoul đến Busan. Sau Thế chiến thứ hai, Nhật bại trận, chiếc tàu hỏa đầu tiên do người Triều Tiên tự chế tạo đã băng băng trên đường ray vào năm 1946.

Tàu sử dụng động cơ hơi nước và mang tên "Tàu giải phóng Joseon" chạy tuyến đường sắt Gyeongbu. Tốc độ đoàn tàu đã nhanh hơn nhưng vẫn phải mất thời gian 9 giờ 30 phút để từ Seoul xuống thành phố Busan.

Sau cuộc chiến tranh 1950-1953, bán đảo Triều Tiên chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Đường sắt nối hai miền Nam - Bắc Triều Tiên không còn hoạt động được nữa. Tuy nhiên, cả Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên đều tập trung tiếp tục phát triển đường sắt trên phần lãnh thổ của mình.

Trong khi miền Bắc có lợi thế nối dài đường sắt ra thế giới qua tuyến Trung Quốc và Liên Xô, thì địa hình Hàn Quốc không thể làm được điều đó nhưng họ đã đầu tư theo hướng hiện đại và tốc độ cao.

Ngay năm 1954, con tàu Tongil (Thống Nhất) do Hàn Quốc sản xuất đã rút ngắn được thời gian từ Seoul xuống phía Nam là Busan xuống còn 7 giờ 30 phút.

Sau đó, tàu Jaegeon (Tái Thiết) năm 1962 tiếp tục rút thời gian trên cung đoạn nhiều hành khách này xuống còn 6 giờ 10 phút. Và đường sắt ở Hàn Quốc bắt đầu trở thành "huyết mạch" vô cùng quan trọng để giúp đất nước này phát triển các ngành công nghiệp.

Đặc biệt đến năm 1969, con tàu mới có tên Gwangwang (Du Lịch) với vận tốc đạt 120km/h đã có bước nhảy vọt, rút ngắn từ Seoul xuống Busan trong 4 giờ 50 phút…

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao  - Kỳ 6: Đường sắt cao tốc Hàn Quốc và 'phép màu' kinh tế - Ảnh 5.

Tàu cao tốc KTX của Hàn Quốc đã đạt tốc độ hơn 300km/h - Ảnh: VISIKOREA

Sự tranh luận và dự án đường sắt cao tốc đã thắng

Tuy nhiên, kỷ nguyên mới của ngành đường sắt cao tốc của Hàn Quốc chỉ bắt đầu hé mở từ cuối thập niên 1980, sau khi quốc gia này tổ chức thành công rực rỡ Olympic mùa hè Seoul 1988.

Vị thế kinh tế của Hàn Quốc lên tầm cao mới cùng nhu cầu tuyến đường sắt cao tốc như quốc gia láng giềng là Nhật đã thành công từ thập niên 1960.

Ở châu Âu, các nước Tây Ban Nha, Pháp, Đức xây dựng thành công hệ thống đường sắt cao tốc lên đến hơn 300km/h cũng là bài học cho Hàn Quốc nhìn theo. Các khái niệm du lịch trong ngày, vòng quay kinh tế cao tốc đã được đem ra bàn luận nhiều.

Tuy nhiên ban đầu Chính phủ Hàn Quốc cũng bị nhiều ý kiến phản biện như không đồng tình việc đổ quá nhiều vốn vào xây dựng đường sắt cao tốc trên 300km/h, trong khi vận tốc đoàn tàu của họ lúc này cũng đạt đến 160km/h nhờ sức kéo của các đầu máy diesel.

Người ta đã đưa ra dẫn chứng con tàu Saemaul thời điểm đó chạy hết 4 giờ 50 phút từ Seoul đến Busan, và nếu thành công tàu cao tốc thì sẽ giảm xuống khoảng nửa thời gian, tức còn 2 giờ 30 phút nhưng sẽ mất nhiều tỉ đô la để làm điều này.

Nên nhớ đây cũng là thời điểm Hàn Quốc đang rất cần vốn để gia nhập vào hành trình phát triển trở thành cường quốc kinh tế.

Ngoài ra, việc phát triển đường sắt cao tốc ở Hàn Quốc cũng đắt đỏ hơn các nước vì địa hình phức tạp, nhiều sông núi. Họ đã tính cụ thể mỗi km đường làm ở nước này sẽ cao hơn gấp 3 lần so với làm tương tự ở Pháp.

Tuy nhiên, phe ủng hộ đã chiến thắng. Giám đốc Trung tâm giao thông đường sắt thuộc Viện Nghiên cứu giao thông vận tải Hàn Quốc, ông Choi Jin-suk, cho biết:

"Các nhân vật ủng hộ dự án xây dựng đường sắt cao tốc của Hàn Quốc đã đúng đắn khi cho rằng nguồn tài nguyên quý giá và luôn thiếu thốn nhất đối với con người chúng ta chính là thời gian. Vì vậy, tốc độ đoàn tàu giúp tiết kiệm thời gian chính là mang lại lợi ích kinh tế".

Đây cũng là thời điểm nền kinh tế Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng, rất cần thiết có thêm "huyết mạch" giao thông hiện đại.

Sự lựa chọn công nghệ cũng được Hàn Quốc đặt lên bàn luận. Cuối cùng họ chọn hệ thống đường sắt tốc độ cao TGV của Pháp và loại công nghệ của Nhật (chính Nhật cũng không ủng hộ chuyển giao công nghệ cho Hàn Quốc).

Dù đi sau một số nước, nhưng người Hàn đã cho thế giới thấy họ "muốn là làm được". Năm 1992, dự án xây dựng đường sắt cao tốc Gyeongbu từ Seoul đến Busan dài 350km được khởi công, thì đến tháng 10-1999 đã thử nghiệm thành công con tàu cao tốc đầu tiên chạy trên khổ đường 1,435m.

Đến năm 2004, Hàn Quốc chính thức bước vào câu lạc bộ 5 quốc gia trên thế giới có đường sắt cao tốc (lúc ấy là Nhật, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Hàn Quốc) trong buổi lễ thông tuyến đường sắt cao tốc KTX ở quảng trường ga Seoul.

Điều đặc biệt là trước đó 2 năm cũng chính các kỹ sư Hàn Quốc đã chế tạo thành công đoàn tàu cao tốc của riêng mình - niềm tự hào Hàn Quốc.

Như vậy là chỉ 12 năm kể từ ngày khởi công năm 1992, quốc gia này đã có tuyến đường sắt cao tốc ngang tầm thế giới với số vốn đầu tư 12.000 tỉ won (khoảng 10,5 tỉ đô la) cùng 30.000 kỹ sư, nhân công làm việc.

Tốc độ đoàn tàu đã vượt trên 300km/h, hành khách chỉ còn mất hơn 2 giờ để đi từ Seoul đến Busan. Việc đi du lịch xa trong ngày đã thành hiện thực, cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Hàn Quốc…

Cách làm của Hàn Quốc

Năm 1992, Cơ quan Xây dựng đường sắt cao tốc Hàn Quốc được thành lập để giám sát việc xây dựng này. Nhờ đó, việc xây dựng được triển khai nhanh chóng hơn nếu để Cục Quản lý đường sắt quốc gia quản lý vì phải ôm đồm quá nhiều việc.

Ông Choi Jin-suk cho rằng: "Nếu cứ giao hết mọi việc cho Cục Quản lý đường sắt quốc gia thì sẽ bị chồng chéo và không thể nhanh chóng đạt được những tiến bộ công nghệ.

Cơ quan Xây dựng đường sắt cao tốc phụ trách toàn bộ các dự án liên quan đến đường sắt cao tốc tại Hàn Quốc gồm cả việc tiếp nhận công nghệ.

Việc thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và thực hiện những quyết định chiến lược đã giúp Hàn Quốc xây dựng được các tuyến tàu cao tốc như hiện nay".

________________________________________________

Ấn Độ đã lựa chọn công nghệ Shinkansen E5 của Nhật cho dự án đường sắt tốc độ cao đầu tiên. Dự án được khởi công từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Nguyên nhân vì sao dự án chậm trễ?

Kỳ tới: Ấn Độ học của người làm của mình

Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao  - Kỳ 6: Đường sắt cao tốc Hàn Quốc và 'phép màu' kinh tế - Ảnh 3.Thế giới làm đường sắt tốc độ cao ra sao - Kỳ 5: Mỹ với giấc mộng tàu cao tốc không thành

Ngày 22-4-2024, tuyến đường sắt tốc độ cao dài 351km nối liền nam Los Angeles (bang California) với Las Vegas (bang Nevada) khởi công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên