Clarkesworld, tạp chí khoa học viễn tưởng online của Mỹ có từ năm 2006 và nhận khoảng 1.100 bài gửi mỗi tháng, gần đây đã phải tạm dừng nhận bản thảo và cấm hơn 500 người khỏi nền tảng gửi bài chỉ trong tháng 2-2023 sau khi nhận được quá nhiều tác phẩm viết bằng AI thời gian qua.
Sự nổi lên của "AI tạo sinh"
ChatGPT và các công cụ AI khác đã khơi lại những tranh luận về cách con người và công nghệ tương tác với nhau, cũng như đạo đức của việc sử dụng AI trong làm bài tập ở trường, viết báo và làm nghệ thuật.
Ông Neil Clarke, người sáng lập tạp chí Clarkesworld và là một trong những biên tập viên kỳ cựu mảng khoa học viễn tưởng, giờ đây đang phải đối mặt với một vấn đề rất "khoa học viễn tưởng". Ông cho biết kể từ tháng 12-2022, tạp chí của ông nhận được rất nhiều bản thảo viết bằng phần mềm ngôn ngữ máy GPT-3 do Công ty OpenAI (Mỹ) phát triển.
Tình huống éo le xảy đến với tạp chí Clarkesworld cũng trùng với thời điểm công cụ chatbot ChatGPT - ra mắt vào tháng 11-2022 - của OpenAI đang "làm mưa làm gió". Đây là công cụ có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát ở nhiều lĩnh vực kiến thức.
Nói với trang tin Quartz, ông Neil Clarke không cho rằng AI sẽ giỏi hơn con người nhưng lưu ý: "Vấn đề không phải là chất lượng, mà là số lượng. AI có thể sản xuất nhanh chóng và lấn át các tác phẩm khác bằng số lượng. Đó thực sự là vấn đề cốt lõi mà chúng tôi đang gặp phải".
Vào những ngày đầu của đại dịch COVID-19, tạp chí Clarkesworld bắt đầu chứng kiến một số điều kỳ lạ. Nhiều người lúc đó sử dụng các chương trình AI để viết lại nội dung của người khác nhằm tránh bị phát hiện đạo văn. Họ nhận thấy hành vi này gia tăng vào cuối năm ngoái, ngay trước khi ChatGPT ra mắt, và đạt tới đỉnh điểm vào tháng 2-2023.
Có nhiều công cụ chống đạo văn, nhưng chưa có công cụ nào chống GPT hiệu quả. Ông Neil Clarke nói đã thử tất cả những công cụ chống đạo văn hiện có nhưng vẫn thất bại. "Do đó, dừng nhận bài viết là cách duy nhất chúng tôi có thể làm lúc này" - ông tỏ ra bất lực.
Khi được hỏi đâu là các dấu hiệu cho thấy tác phẩm không phải do con người viết ra, người sáng lập tạp chí Clarkesworld nói: "Có một số loại lỗi sai mà con người không mắc phải. Có nhiều bài viết bằng AI thực sự quá tệ". Ông Neil Clarke cho biết tạp chí của ông có thể sẽ áp dụng một số điều chỉnh đối với phần mềm nhận bài viết.
"Bãi mìn pháp lý"
Một câu hỏi quan trọng lúc này là liệu việc dùng AI để viết bài có phải hành vi ăn cắp ý tưởng không. "Chúng tôi không biết chính xác những nội dung đó được tạo ra thế nào, nhưng chúng tôi biết rằng với các phần mềm nghệ thuật AI, gần như chắc chắn sẽ có hành vi ăn cắp. Tôi tin rằng các công ty AI sẽ bị kiện" - ông Neil Clarke nói.
Các hệ thống AI tạo sinh như ChatGPT và công cụ tạo hình ảnh thông qua mô tả bằng từ ngữ DALL-E hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi mới cho hệ thống pháp lý - vốn luôn coi con người, chứ không phải máy móc, là chủ thể sáng tạo nội dung. Trang Axios gọi AI tạo sinh chính là "bãi mìn pháp lý" cần tháo gỡ.
Theo trang Axios, các tòa án sẽ phải giải quyết những vấn đề hóc búa như: liệu các công ty AI có quyền sử dụng dữ liệu đã được dùng để huấn luyện hệ thống của họ hay không, liệu nội dung do các công cụ đó tạo ra có thể được đăng ký bản quyền không, và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu một công cụ AI cung cấp thông tin phỉ báng hoặc nguy hiểm.
Hiện nay, các luật mới dành riêng cho AI chưa tồn tại ở hầu hết các nước trên thế giới dù châu Âu đang trong quá trình soạn thảo luật này (Đạo luật AI). Điều đó có nghĩa hầu hết các vấn đề trên - ít nhất lúc này - sẽ phải giải quyết theo luật hiện hành.
Các công ty như Microsoft, Google và OpenAI gần đây đã nêu chi tiết những nỗ lực của họ để cải thiện độ chính xác của các chương trình AI tạo sinh, đồng thời cảnh báo khách hàng các công cụ AI có thể cung cấp thông tin bịa đặt hoặc sai.
Làn sóng kiện tụng
Theo trang Plagiarism Today hồi tháng 1, làn sóng kiện tụng bản quyền AI đã bắt đầu. Tháng 11-2022, Công ty GitHub thuộc sở hữu của Microsoft bị kiện tập thể với cáo buộc vi phạm luật bản quyền do huấn luyện công cụ AI Copilot dựa trên trên các kho lưu trữ công khai.
Gần đây một công ty luật đã khởi kiện tập thể chống lại DeviantArt, Stability AI và Midjourney - ba công ty phát triển các hệ thống AI sử dụng nền tảng Stable Diffusion.
Công ty chuyên cung cấp hình ảnh Getty Images cũng đã kiện nhà sản xuất Stability AI, cáo buộc vi phạm bản quyền vì lấy ảnh của họ để dùng cho công cụ sáng tạo nghệ thuật Stable Diffusion.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận