24/11/2013 07:47 GMT+7

Thẻ "bố thí" y tế!

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TT - Bài viết “Đẩy bệnh nhân ung thư qua khám dịch vụ” (Tuổi Trẻ 21-11) đến chiều 23-11 thu hút hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc. Đa số là ý kiến của những người trong cuộc - những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân từng bị nhân viên y tế ghẻ lạnh, hắt hủi khi họ trình ra thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Ai từng cầm thẻ BHYT đi khám chữa bệnh đều biết nhiều trường hợp bệnh nhân BHYT bị phân biệt từ cái nhìn đầu tiên của nhân viên tiếp nhận bệnh (so với bệnh nhân khám dịch vụ) cho đến thời gian khám, hỏi bệnh (qua loa, sơ sài) và toa thuốc của bác sĩ - chỉ là thuốc trong danh mục theo quy định, chứ không phải thuốc tốt để chữa trị chứng bệnh mà người bệnh đang mắc phải.

Cầm tấm thẻ BHYT đi khám chữa bệnh bị phân biệt đối xử như vậy nên nhiều người bệnh cần đi khám ở bệnh viện đã giấu kỹ tấm thẻ bị xem như thẻ bố thí này, chặc lưỡi móc tiền túi ra đóng thêm để khám dịch vụ cho yên tâm và được đối xử tử tế... Nhưng đây chỉ là lựa chọn khi người ta mắc bệnh thông thường, chi phí khám chữa bệnh không nhiều, có thể bóp bữa ăn của gia đình, cắt giảm sữa của con... để lấy tiền đi khám bệnh. Còn khi mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư thì với tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo, tấm thẻ BHYT là chiếc phao để người bệnh bám víu để giữ lấy mạng sống.

Ai cũng biết thầy thuốc và lãnh đạo những bệnh viện ung bướu càng biết rõ việc chữa trị bệnh ung thư rất tốn kém và kéo dài, nếu không có BHYT, người bệnh bán hết tài sản, nhà cửa nhiều khi cũng không đủ tiền để chữa bệnh. Hiểu được tấm thẻ BHYT có ý nghĩa như vậy nên nhiều người cố gắng dành dụm tiền mua BHYT và Nhà nước có chính sách an sinh xã hội là cấp thẻ BHYT miễn phí cho hộ nghèo và đối tượng chính sách...Vậy mà khi bệnh nhân mang tấm thẻ BHYT đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì bị nhân viên tiếp nhận bệnh buộc phải lựa chọn: dùng BHYT thì một tháng sau mới được uống thuốc, khám dịch vụ thì năm ngày sau được uống thuốc... Trong hoàn cảnh bị buộc phải chọn lựa nghiệt ngã này, nhiều người nghèo đành gạt nước mắt, nằm vật vạ trong khuôn viên, hành lang bệnh viện chờ thầy thuốc đoái hoài đến tấm thẻ BHYT của họ!

Từ trước đến nay, trả lời báo chí về tình trạng bệnh viện đẩy bệnh nhân BHYT qua khám dịch vụ, lãnh đạo một số bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM lấy lý do bệnh viện quá tải ra để biện minh. Tại không ít bệnh viện, chúng tôi biết có tình trạng nếu bệnh nhân chấp nhận mổ dịch vụ thì được hẹn lịch mổ nhanh, còn bệnh nhân dùng BHYT thì bị hẹn đến... vài tháng. Như vậy khác nào bệnh viện coi chuyện bệnh viện quá tải chỉ là cơ hội để “làm ăn”?

Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội và ngành y tế đang nói đến lộ trình BHYT toàn dân, nhưng liệu người dân có mặn mà với BHYT khi bệnh nhân BHYT còn bị phân biệt đối xử? Và BHYT toàn dân có ý nghĩa gì khi bệnh nhân BHYT còn bị xem như đi xin bố thí các dịch vụ y tế?

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bảo hiểm y tế: Đẩy bệnh nhân về quận, huyệnMột năm tăng giá viện phí: Dân kêu, bệnh viện cũng kêuNgười nghèo bù đắp khám chữa bệnh cho người giàu! Hành bệnh nhân bảo hiểm y tế khi chuyển viện Bảo hiểm y tế bắt buộc hay “bắt ép”? - Nhịp sống trẻCó thẻ bảo hiểm y tế sao vẫn phải đóng tiền thuốc?Đẩy bệnh nhân ung thư qua khám dịch vụ

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên