12/05/2020 09:30 GMT+7

Thầy trò 'vắt chân lên cổ' chạy cho kịp chương trình sau thời gian nghỉ tránh dịch

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Sau thời gian nghỉ học dài ngày và dạy trực tuyến, nhiều trường đang ra sức 'chạy' cho kịp chương trình vì học sinh học trực tuyến không đều hoặc tiếp thu bài chưa tốt.

Thầy trò vắt chân lên cổ chạy cho kịp chương trình sau thời gian nghỉ tránh dịch - Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh lớp 12A11 Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM) giải bài thi minh họa môn địa lý của Bộ GD-ĐT sáng 8-5 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dù Bộ GD-ĐT đã tinh giản chương trình học nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp do ảnh hưởng COVID-19, nhiều trường đang phải 'chạy đua' để có thể hoàn thành năm học trước 15-7. Đó là chưa kể trở lại học trong thời tiết nắng nóng nên cả thầy và trò đều... mệt.

Lịch học kín mít

Bà N.T.T.H. - phụ huynh có con học lớp 12 ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - chia sẻ: "Từ bữa đi học lại tới giờ, con tôi phải học bù rất nhiều. Ngoài việc học trực tiếp ở trường từ sáng đến chiều, nhiều bữa cháu phải học online vào buổi tối nữa".

Theo bà H.: "Con tôi bị đưa vào danh sách có tham gia học trực tuyến nhưng chưa nắm được bài. Vì vậy, lịch học của cháu kín từ sáng đến tối. Từ học chính khóa, học phụ đạo để ôn lại kiến thức. Học online những môn như sử, địa, giáo dục công dân... 

Thầy chủ nhiệm lớp 12 nói chỉ có sáu tuần thực học để hoàn thành chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 tính từ ngày đi học lại. Vì vậy, nếu con tôi không cố gắng, cháu sẽ khó thi đậu tốt nghiệp THPT".

Về quỹ thời gian, hiệu trưởng một trường phổ thông liên cấp ở TP.HCM phân tích: Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn dạy học sau khi học sinh đi học lại. Trong đó, các khối lớp phải hoàn thành việc kiểm tra cuối học kỳ 2 trước ngày 30-6. 

Tính ra học sinh khối 9, 12 trừ một tuần ôn tập, một tuần làm bài kiểm tra học kỳ, còn sáu tuần thực học. Các khối 6, 7, 8, 10, 11 còn năm tuần thực học. Như vậy, thời gian để hoàn tất chương trình học kỳ 2 chưa bằng một nửa thời gian so với trước đây.

"Mặc dù chương trình học kỳ 2 đã được tinh giản, nhưng nếu các trường dạy trực tuyến không hiệu quả sẽ rất khó khăn để hoàn thành chương trình bởi thời gian rất hạn hẹp. Đã vậy, học sinh đi học lại vào đúng thời điểm nắng nóng nên cả thầy và trò đều mệt. Nhất là học sinh khối 9 và khối 12. Các em phải trải qua kỳ thi quan trọng của đời người: thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập và thi tốt nghiệp THPT" - vị này nói.

Giáo viên kêu trời

Cũng vì lý do trên mà nhiều giáo viên than trời vì phải "chạy" chương trình. Cô V. - giáo viên môn toán ở TP.HCM - lo lắng: "Tôi vừa phải dạy chính khóa với số tiết như học kỳ 1 vừa phải phụ đạo những học sinh không học online. Nói là phụ đạo nhưng số tiết dạy gấp rưỡi so với ở lớp học bình thường.

Thời gian không còn nhiều. Những học sinh khác đã học online từ tháng 3 và đã hoàn tất được hơn nửa chương trình học kỳ 2. Những em chưa học online, chúng tôi phải dạy lại từ đầu, kèm các em để các em nắm được bài, cho các em làm bài tập để tối về nhà chấm, hôm sau lên trả bài cho các em rút kinh nghiệm. 

Khá nhiều học sinh không học online có lực học trung bình, yếu, ý thức tự học không cao. Bây giờ bắt các em chạy chương trình cứ như đẩy một khối đá lớn di chuyển...".

Thầy Đỗ Minh Hoàng - giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An - thừa nhận: "Thời điểm này giáo viên rất vất vả. Họ phải giảng dạy nhiều hơn số tiết so với bình thường vì chúng tôi chia học sinh ra thành các nhóm. Nhóm học trực tuyến tiếp thu bài tốt - nhóm này thường là học sinh khá, giỏi nên giáo viên sẽ dạy theo hướng nâng cao.

Nhóm học trực tuyến nhưng không đều hoặc tiếp thu bài chưa tốt - nhóm này cần phụ đạo theo 2 cách: trực tiếp hoặc online. Nhóm chưa học trực tuyến: dạy cho nhóm này là giáo viên vất vả nhất và mất nhiều thời gian nhất. Hiện tại, trung tâm cũng đang tính toán để có khoản bồi dưỡng cho giáo viên nhưng chỉ mang tính động viên chứ không thấm vào đâu so với công sức giáo viên bỏ ra".

Tương tự, ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, thầy hiệu trưởng Hoàng Sơn Hải chia sẻ: "100% học sinh trường chúng tôi học 2 buổi/ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Tuy nhiên, một số em vẫn phải đi học phụ đạo ngày thứ bảy. 

Lý do sau thời gian nghỉ học dài ngày và dạy trực tuyến, không phải em nào cũng học online đầy đủ và học tốt. Vì vậy, giáo viên ôn tập, phụ đạo kiến thức cho học sinh nhưng cũng có môn, có nhóm giáo viên phải dạy lại từ đầu trong khi thời gian không còn nhiều".

Cũng thừa nhận tình trạng đang "chạy" cho kịp chương trình, một lãnh đạo Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) thông tin: "Học sinh trường chúng tôi chỉ học 1 buổi/ngày nên phải học cả ngày thứ bảy cho kịp chương trình. 

Bên cạnh đó, một số lớp còn phải học thêm 2 buổi chiều/tuần mới tải hết bài. Đó là nhà trường đã bỏ hết các chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, STEM... vừa để phòng tránh dịch bệnh vừa ưu tiên thời gian cho việc hoàn thành chương trình học kỳ 2".

Thầy trò vắt chân lên cổ chạy cho kịp chương trình sau thời gian nghỉ tránh dịch - Ảnh 2.

Tiết học tại Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không yên tâm học trực tuyến

Tại Hà Nội, khó khăn cũng dồn vào một số trường, một số học sinh không có điều kiện dạy học trực tuyến trong thời gian qua. Nhiều hiệu trưởng trường công lập khối trung học thừa nhận dù có tổ chức dạy học trực tuyến nhưng không thể yên tâm.

Thầy Nguyễn Văn Hòa - chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho biết trường có tổ chức học trực tuyến từ tháng 2 nên cũng dạy học nội dung mới được 8-10 tuần. Tuy nhiên, do chất lượng dạy học trực tuyến không đảm bảo như dạy tại trường nên thời gian này trường quyết định dành 2-4 tuần chỉ để ôn tập lại phần nội dung đã dạy học trực tuyến.

"Chúng tôi không dạy lại, cũng không ôn tập theo bài mà xây dựng theo các chủ đề dựa trên nội dung 2-3 bài học/chủ đề. Cách triển khai như thế này sẽ tiết kiệm thời gian nhưng vẫn củng cố được kiến thức đã học, giúp học sinh hệ thống được kiến thức và tập trung sâu hơn vào những nội dung cốt lõi" - thầy Hòa cho biết.

Ngoài ra, một số trường khác có điều kiện cơ sở vật chất như Trường THCS & THPT Marie Curie, Nguyễn Siêu... có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ tận dụng được thời gian để ôn tập và hoàn thành chương trình. 

"100% học sinh từ tiểu học đến THPT của trường học 2 buổi/ngày nên nhà trường cũng tính toán có thể hoàn thành chương trình trước thời hạn Bộ GD-ĐT quy định khoảng 2-3 tuần. Thời gian còn lại sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi" - ông Hòa nói.

Ngược lại, một số trường khác như THPT Yên Hòa, THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho biết dự kiến sẽ kết thúc chương trình vào 15-6, sớm hơn thời hạn của Bộ GD-ĐT khoảng 1 tháng do đã tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả... Trường Marie Curie dự kiến kết thúc năm học vào ngày 1-7 nhưng trong điều kiện học sinh học 2 buổi/ngày.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường Marie Curie, với hướng dẫn giảm một số đầu điểm kiểm tra của Bộ GD-ĐT và giảm tải nội dung chương trình học kỳ 2 thì thầy trò cũng giảm áp lực hơn. Nhưng để đảm bảo chất lượng vẫn phải dành thời gian ôn tập lại, củng cố nề nếp học tập cho học sinh…

Học sinh đến trường... học online

Học sinh đi học lại nhưng nếu không kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến sẽ khó hoàn thành kịp chương trình học kỳ 2. Tuy vậy, nhiều phụ huynh, học sinh cho biết gia đình họ không có máy tính nối mạng hoặc có máy tính nhưng họ không có ở nhà để giám sát con học, nếu giao máy sợ rằng con em họ chỉ chơi game chứ không học.

"Với những trường hợp này, chúng tôi mời học sinh vào trường để học online. Nhà trường có bố trí những phòng riêng có máy tính nối mạng để học sinh ngồi học. Ngay cả giáo viên cũng vậy. Với những thầy cô vừa ra tiết dạy trực tiếp, không kịp về nhà thì nhà trường sẽ bố trí máy để thầy cô dạy online ngay tại trường" - cô Bùi Minh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), thông tin.

* Anh Thành Trung (phụ huynh học sinh lớp 2/5 Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TP.HCM):

Lo ngại áp lực

Thời gian nghỉ vì dịch, tôi gửi con về Huế cho ông bà. Bài tập tôi in gửi về. Học trực tuyến hiệu quả chỉ 50%. Quay lại trường học kín lịch mà chỉ có mỗi giờ văn hóa, tôi lo ngại về áp lực, về sức khỏe. Nhưng nếu trường tổ chức đan xen được ngoại khóa, thể dục thể thao, các câu lạc bộ vui… tôi nghĩ cũng cân bằng, xem như học mà chơi, chơi mà học, phụ huynh sẽ an tâm hơn.

Cần Thơ: tăng thời lượng toán, tiếng Việt

Ngày 11-5, hơn 13.000 học sinh tiểu học và khối 8, 9 đã trở lại trường. Ông Nguyễn Hữu Nhân, trưởng phòng giáo dục tư tưởng Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết trong tuần đầu tiên học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày, thực hiện kế hoạch tăng thời lượng dạy và học các môn toán, tiếng Việt. Ngoài ra, các môn còn lại sẽ được giảm tải theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Thay vì chương trình cũ là 17 tuần trong đó có 3 tuần vừa ôn tập vừa kiểm tra thì nay rút lại còn 10 tuần. (THÙY TRANG)

Sở GD-ĐT TP.HCM: Không bắt buộc 100% học sinh học cả ngày thứ bảy Sở GD-ĐT TP.HCM: Không bắt buộc 100% học sinh học cả ngày thứ bảy

TTO - "Nội dung trong văn bản được hiểu là trường nào học 2 buổi/ngày thì tiếp tục tổ chức dạy học theo kế hoạch; còn học cả ngày thứ bảy ở đây không phải là bắt buộc 100% học sinh phải học cả ngày".

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên