26/05/2023 15:31 GMT+7

Thanh toán không tiền mặt: Ví điện tử 'nội' bỏ xa ví 'ngoại'

Hai ví điện tử của doanh nghiệp trong nước là MoMo, ZaloPay đang dẫn đầu thị phần tại Việt Nam, cách khá xa các ứng dụng thanh toán còn lại.

Thanh toán không tiền mặt: Ví điện tử nội bỏ xa ví ngoại - Ảnh 1.

Khách thanh toán không tiền mặt bằng ví điện tử MoMo tại cửa hàng cà phê - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” quý 1 năm 2023 do Decision Lab phối hợp Hiệp hội Tiếp thị di động Việt Nam vừa công bố, các ứng dụng ví điện tử và trung gian thanh toán của doanh nghiệp Việt đang chiếm ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ ngoại tại thị trường trong nước.

Ví điện tử Việt chiếm phần lớn thị phần

Trong đó, ví điện tử MoMo được sử dụng cao nhất với 68% số người được hỏi. Ví điện tử ZaloPay đứng thứ hai với 53%. Ứng dụng thanh toán đứng thứ ba là ViettelPay với 27%. Xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là ShopeePay (25%), VNPay (16%) và Moca (7%).

Cũng theo báo cáo, MoMo là Fintech (ứng dụng công nghệ tài chính) được yêu thích nhất với mức độ 48%, tăng trưởng 2% so với quý cuối năm 2022. Mức độ yêu thích của MoMo cũng dẫn đầu tuyệt đối ở cả ba thế hệ (Gen) X, Y và Z.

Đặc biệt, MoMo chiếm thế thượng phong khi có mức độ yêu thích cao hơn 50% đối với hai nhóm người dùng Gen Z (từ 16-25 tuổi) và Gen Y (từ 26-41 tuổi), với tỉ lệ lần lượt là 51% và 54%.

Mới đây, ví điện tử Việt này còn được Apple lựa chọn trở thành phương thức thanh toán tích hợp trên cửa hàng Apple trực tuyến tại Việt Nam, mang đến cho người dùng Việt đa dạng phương thức thanh toán để mua sắm các sản phẩm Apple.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong ba tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị…

Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ đề xuất (16-6) được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Microsite của Ngày không tiền mặt tại địa chỉ: https://ngaykhongtienmat.tuoitre.vn.

Các hoạt động chính trong chuỗi sự kiện:

* Hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt” được tổ chức vào ngày 16-6, tại khách sạn Rex, TP.HCM với quy mô khoảng 400 khách mời từ trung ương đến địa phương. Sự kiện sẽ đề cập các chủ đề gia tăng kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán thông minh; những vấn đề cần phải giải quyết để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực, hệ thống…; vấn đề an ninh bảo mật trong hoạt động thanh toán; sự bùng nổ của công nghệ thanh toán và các vấn đề phải đối mặt…

Phiên thảo luận của sự kiện cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng tham gia thảo luận các nội dung và vấn đề cụ thể, hướng đến những giải pháp để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Buổi hội thảo cũng sẽ được livestream trên fanpage của Ngày không tiền mặt và Báo Tuổi Trẻ.

*Cuộc thi Chiến thần không tiền mặt bắt đầu vào ngày 16-6-2023, kết thúc ngày 15-7-2023 và công bố giải thưởng trong ngày 21-7-2023. Người tham dự quay một clip ngắn trong đó có ít nhất 3 giao dịch không tiền mặt đồng thời chứng minh và nói lên cảm nghĩ về những lợi ích thiết thực mà những giao dịch không tiền mặt này mang lại.

Các clip này được đăng trên TikTok, Facebook và dẫn link về microsite của chương trình Ngày không tiền mặt. Cuộc thi hướng đến sự quan tâm của những người trẻ, tận dụng những tiện ích của thanh toán không tiền mặt để hướng tới cuộc sống thông minh.

*Điểm nhấn của năm 2023 là Lễ hội “Cashless Town” kéo dài 3 ngày 16, 17, 18-6-2023 tại trung tâm TP.HCM. Đây là hoạt động do chương trình Ngày không tiền mặt phối hợp Sở Công Thương TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Lễ hội được tổ chức theo mô hình xã hội không tiền mặt thu nhỏ, trong đó người tham dự tham quan mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mà không dùng tiền mặt. Đồng thời, người tham quan còn được nhận các ưu đãi từ các nhà đồng hành, trải nghiệm tiện ích từ các dịch vụ công trực tuyến và tham quan triển lãm lịch sử tiền tệ. Bên cạnh đó còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở sân khấu chính...

Ngoài ra còn phải kể đến Big Boom khuyến mãi tập trung là chương trình trong đó người dùng được mua hàng với ưu đãi từ các bên như bên bán hàng, bên trung gian thanh toán… Cùng rất nhiều hoạt động dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp từ các ngân hàng, tổ chức thẻ, ví điện tử, nhà bán lẻ đồng hành hưởng ứng chương trình.

3.300 tỉ đồng trong ví điện tử của người dân để thanh toán3.300 tỉ đồng trong ví điện tử của người dân để thanh toán

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử. Trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên