05/03/2024 12:54 GMT+7

Thành phố dễ thương - Kỳ 4: Những gói bánh trao đi và gian hàng 0 đồng

Sau Tết, thấy nhiều nhà ê hề thức ăn, bánh kẹo chưa dùng đến trong khi nhiều gia đình, trẻ em lại không có, một nhóm bạn trẻ thiện nguyện nhận quyên góp thực phẩm và trao đi với mong muốn chuyền tay niềm vui...

Bạn trẻ tặng thực phẩm cho nhóm thiện nguyện Fly To Sky để trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao - Ảnh: NVCC

Bạn trẻ tặng thực phẩm cho nhóm thiện nguyện Fly To Sky để trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao - Ảnh: NVCC

Chuyền niềm vui Tết đến trẻ vùng cao

Việc này vừa không chỉ chia sẻ đến với trẻ em và bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, biên giới, mà còn giúp tránh lãnh phí, giảm thiểu thực phẩm thừa. Và năm nay, nhóm từ thiện Fly To Sky tiếp tục phát động chiến dịch cộng đồng chuyền tay niềm vui 2024.

Người sáng lập dự án này là bạn trẻ Lê Văn Phúc, 22 tuổi, quê Gia Lai. Phúc đang là sinh viên năm cuối khoa địa lý (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM).

Phúc vui vẻ chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi chỉ triển khai tại Gia Lai (quê Phúc - PV), các năm sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh thành hơn vì bánh kẹo dư nhiều sau Tết là tình trạng của nhiều gia đình, và sẽ rất lãng phí nếu không được sử dụng hết. Thay vào đó, nếu chia sẻ cho các em nhỏ khó khăn tại vùng cao, biên giới thì ý nghĩa hơn nhiều".

Phát động vào mùng 5 Tết Giáp Thìn, chiến dịch sẽ kéo dài hai tháng nhằm vận động cộng đồng quyên góp bánh kẹo, hạt, mứt, thực phẩm, đồ hộp sau Tết còn nguyên chất lượng, chưa được sử dụng, còn hạn sử dụng. Có 34 nơi tiếp nhận quyên góp tại bảy tỉnh thành. Riêng TP.HCM có 10 điểm nhận ở các quận, huyện.

Được bạn bè giới thiệu về hoạt động từ thiện này, trước khi trở lại TP.HCM làm việc vào mùng 10 tháng giêng, anh Đức Thành (28 tuổi) đã soạn ra một số thực phẩm chưng Tết trong nhà chưa bóc tem, còn hạn sử dụng đem đến gửi cho nhóm của Phúc.

Anh Thành tâm sự: "Mọi năm đồ ăn sau Tết nhà tôi còn dư nhiều nên ba mẹ đem cho vài người quen ở xóm hoặc gặp người bán vé số ngang nhà thì cho mà cũng không hết. Rồi tôi mang một ít lên thành phố mà có khi quên chưa ăn thì đồ hết hạn. Năm nay mới biết tới chiến dịch này tôi thấy rất hay, giúp được người khó khăn lại tránh lãng phí đồ ăn".

Phúc kể trung bình mỗi ngày có khoảng 100 - 150 người đến cho tặng đồ. "Có người trực tiếp mang đến, có người gửi bưu phẩm về cho nhóm. Nhiều bạn trẻ đã cùng nhau góp quà rồi lan truyền trên mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng xung quanh. Khá đông học sinh, có em còn đang học tiểu học cũng tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ", Phúc nói.

Sau khi tiếp nhận, nhóm sẽ tiến hành phân loại, chọn lọc kỹ càng, bảo đảm hình thức và chất lượng sử dụng trước khi chia suất và tặng cho người cần.

Ý tưởng chung tay chống lãng phí thực phẩm đã được nhóm Phúc thực hiện suốt ba năm qua. Năm 2023, chiến dịch đã trao tặng 710 suất bánh, kẹo cho thiếu nhi khó khăn tại các xã biên giới của tỉnh Gia Lai, Long An, Điện Biên. Năm nay, nhóm đặt mục tiêu quyên góp được ít nhất 1.000 phần quà và sẽ trao trong chương trình "Tháng ba biên giới" tại các địa bàn giáp biên khắp cả nước.

"Tôi tin rằng nhiều ánh lửa nhỏ góp lại sẽ tạo nên một ngọn lửa to, thắp sáng ước mơ, niềm hy vọng và trao cho những hoàn cảnh khó khăn một nụ cười ấm áp, hạnh phúc", Phúc tâm sự. Mới đây, chàng trai gen Z này còn lọt vào top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023 lĩnh vực hoạt động xã hội.

Bà Thu Uyên (bìa phải) cùng bạn bè phân loại quần áo của bà con đem đến cho gian hàng 0 đồng - Ảnh: DIỆU QUÍ

Bà Thu Uyên (bìa phải) cùng bạn bè phân loại quần áo của bà con đem đến cho gian hàng 0 đồng - Ảnh: DIỆU QUÍ

Ai cần đến lấy, ai dư đến cho

Gần năm tháng nay, một căn hộ tại cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) trở nên tấp nập người ra kẻ vào. Nếu không có tấm biển to đùng dán dòng chữ "Gian hàng 0 đồng, San sẻ yêu thương" trước cửa, dễ nhầm tưởng một shop quần áo nào đó mới mở.

Gian hàng 0 đồng của bà Bùi Thị Thu Uyên (52 tuổi) "khai trương" từ 28-10 năm ngoái. Đây là nơi nhận quần áo, đồ dùng đã cũ nhưng còn tốt để cho tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tuần ba ngày vào thứ hai, năm, bảy, từ sáng đến trưa.

Ở đây, quần áo, giày dép được sắp xếp gọn gàng, nằm ngay ngắn trên các kệ hàng. Khi có người mang đồ đến cho, bà Uyên cùng nhóm bạn sẽ tiến hành phân loại.

"Cái nào đẹp, nhìn còn mới thì để lại ở gian hàng, cái nào cũ chút nhưng còn nguyên vẹn hoặc đồ dày thì cho đi vùng sâu vùng xa, đi tỉnh. Còn đồ không thể mặc được thì tôi vẫn tận dụng cho các xưởng cơ khí, trang trại nuôi chó mèo", bà cho biết.

Quần áo, giày dép là đồ người dân đem tới cho nhiều nhất, đa dạng màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ. Ngoài ra, cửa hàng cũng nhận được túi xách, sách vở, đồ dùng học tập, gấu bông. Có người còn mang quạt máy, nồi cơm điện tới.

Căn hộ 72m² của bà Uyên trước kia cho thuê bán quán ăn và tiệm nail. Thích mô hình gian hàng 0 đồng từ lâu nên sau khi người thuê hết hợp đồng, bà Uyên tận dụng nhà làm nơi cho người cần tới chọn và lấy đồ về, ai dư đồ thì đem đến tặng, không phân biệt đối tượng.

Bà cho hay: "Ban đầu mới mở gian hàng thì đâu có đồ nhiều, tôi và nhóm bạn hơn 10 người gom đồ ở nhà mình, người thân, bạn bè để treo lên. Thấy vẫn ít quá nên đi mua thêm đồ second-hand (quần áo cũ) về móc lên sào, nhìn không gian cho đầy đặn chút.

Làm chừng hai tuần người ta biết tới từ truyền miệng với mạng xã hội, bà con hưởng ứng nhiều nên số người cho lẫn người nhận đều tăng cao".

Người đến nhận đồ ban đầu là lao động nghèo quanh cư xá Thanh Đa, sau khi lan tỏa, giờ đây có thêm người ở các quận, huyện khác trong TP đến, có cả học sinh, dân văn phòng.

Những ngày đầu, số lượng đồ còn ít nên bà Uyên dán bảng mỗi người lấy không quá ba món để chừa lại cho người sau. Còn hiện giờ đồ được tặng quá nhiều nên bà không giới hạn số lượng món, chỉ ghi "Hãy lấy vừa đủ dùng. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác".

Gian hàng 0 đồng tấp nập kẻ ra người vào, dù mỗi ngày phải phân loại nhiều đồ dùng và quán xuyến khá mệt nhưng bà Uyên và nhóm thiện nguyện đều thấy vui.

Bà tâm sự: "Tấm lòng nhiều người rộng mở lắm, hay tin cần quyên góp đồ cũ để cho người nghèo, người khó khăn vùng sâu vùng xa là bà con mang đồ đến cho nhiệt tình".

Bà kể nhiều bữa vừa soạn dứt điểm xong định về thì có người đến cho nữa nên phải ở lại soạn tiếp cho xong một bao đồ. "Có chú kia còn chở đồ đến bằng nguyên một chiếc xe lôi". "Tôi sẽ duy trì mô hình này lâu dài, khi nào không còn sức nữa mới thôi", bà Uyên vui vẻ cho hay.

Bên cạnh gian hàng 0 đồng, suốt bảy năm nay, mỗi tuần vào thứ tư, bà Uyên và mấy người bạn sẽ nấu 250 suất cơm từ thiện phát cho các bệnh nhi và thân nhân của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Theo bà Uyên, hiện nay người đến nhận đồ trung bình mỗi ngày có hơn trăm, mỗi người lấy ít nhất năm món. "Giờ qua Tết rồi nên tôi sẽ cơ cấu lại, mỗi người chỉ được lấy năm món", bà nói.

"Có những hoàn cảnh khó khăn đến lấy đồ rất ý thức, chỉ lấy vừa đủ, mình có cho thêm họ cũng từ chối nhận để dành cho người nghèo khác", bà chia sẻ.

***************

Nghỉ việc công ty, anh chuyển sang lái taxi, muốn được tự do hơn về thời gian làm việc thiện, rồi hết đưa người nghèo đi khám bệnh, chở cấp cứu miễn phí đến chở đồ đi trao tặng...

Kỳ tới: Nhẹ nhàng sẻ chia, chẳng nghĩ ngày nhận lại

Thành phố dễ thương - Kỳ 1: Hội nhóm cho đồ tuốt tuồn tuộtThành phố dễ thương - Kỳ 1: Hội nhóm cho đồ tuốt tuồn tuột

Sài Gòn - TP.HCM hay được gọi vui là "hợp chủng quốc" bởi luôn mở rộng vòng tay với người muôn phương và trao cơ hội cho người có ý chí làm giàu, tạo công ăn việc làm cho kẻ khó khăn được kiếm sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên