Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ dự kiến được thực hiện trong vòng 10 năm (2022-2032), nuôi thả thành công 100 con. Mục tiêu có ít nhất 50 con còn sống trong môi trường tự nhiên quanh vùng đệm.
Dự toán tổng kinh phí thực hiện trên 76 tỉ đồng. Trong đó, gồm chuyển giao việc cải thiện môi trường sinh cảnh cho đàn sếu, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, và quảng bá du lịch.
Nhằm đảm bảo các yêu cầu, tính chất, phân kỳ các mục tiêu thực hiện công tác bảo tồn sếu, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phát triển dự án lên thành đề án.
Ông Nguyễn Phước Thiện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (trưởng Ban điều hành đề án) - yêu cầu Vườn quốc gia Tràm Chim khẩn trương lên chi tiết tiến độ các công việc được giao, như phối hợp các đơn vị sớm hoàn chỉnh dự thảo đề án.
Ban điều hành đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim (giai đoạn 2022 - 2032) thành lập 5 tổ công tác: tổ pháp chế, tổ phục hồi hệ sinh thái, tổ xây dựng đề án nhân sự, tổ đầu tư xây dựng cơ bản, tổ thông tin và truyền thông.
Trong thời gian tới, Ban điều hành đề án sẽ họp bàn trực tuyến với phía Thái Lan để rà soát tiến độ chuyển giao cá thể sếu về Đồng Tháp; tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia, ngành chức năng về kế hoạch phục hồi hệ sinh thái, điều tiết mực nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim đảm bảo hài hòa với phát triển sinh kế vùng đệm.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam nhằm phục hồi sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Đã hoàn thiện thiết kế chuồng cho sếu đầu đỏ
Hiện nay Vườn quốc gia Tràm Chim đã thuê đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế chuồng phục vụ quy trình nuôi nhốt sếu và thả về thiên nhiên, cử đoàn công tác sang Thái Lan để tập huấn chuyên môn, kỹ thuật nuôi sếu cho nhân viên Vườn quốc gia Tràm Chim; bàn thảo kế hoạch với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan đưa sếu về Việt Nam để nuôi và huấn luyện sếu sinh sản…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận