Lăng Ông (Bà Chiểu) tức là lăng thờ Ông, nằm ở khu vực gọi là Bà Chiểu, có tên chữ là Thượng Công miếu, là khu đền và mộ của tả quân Lê Văn Duyệt tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
... Có thể nói Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó. Điều đó, nếu là có thật, nên được đánh giá cho khách quan...
Trích phát biểu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong tọa đàm về Lê Văn Duyệt, do tạp chí Xưa & Nay tổ chức vào năm 2000 tại TP.HCM
Với vị trí ấn lệnh Tả quân trong cơ cấu quân đội của chúa Nguyễn Ánh, chiếc ấn của Lê Văn Duyệt là hiện vật gắn liền công đức tiền nhân với mảnh đất phương Nam...
20 năm ấn mới về đến Bảo tàng TP.HCM
Câu chuyện bắt đầu cách nay tròn 36 năm, vào năm 1981, một người dân là Nguyễn Văn Minh khi đào đất trong vườn nhà ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, TP Huế đã phát hiện chiếc ấn đồng, trên lưng ấn có khắc dòng chữ "Tả quân chi ấn" với nét chữ chân phương.
Sau đó, một trong những người tiếp cận sớm nhất với hiện vật này là TS Nguyễn Hữu Thông. Thông qua tạp chí Xưa & Nay, giới nghiên cứu khoa học tại TP.HCM biết đến chiếc ấn Tả quân và ngay từ đầu đã có người đặt vấn đề đó là ấn của Lê Văn Duyệt.
Từ đó mới có những cuộc tiếp xúc "từ Nam ra Huế" để nghiên cứu và tìm hiểu chiếc ấn.
Khi giới nghiên cứu kết luận đây là chiếc ấn của Tả quân Lê Văn Duyệt, Bảo tàng TP.HCM quyết định xin được nhượng lại.
Dầu vậy, công cuộc tìm hiểu và thương thảo kéo dài suốt 20 năm, mãi đến năm 2001 chiếc ấn đồng "Tả quân chi ấn" mới được đưa về Bảo tàng TP.HCM.
Lê Văn Duyệt là người "Xuất tích cương lệ" (lời vua Minh Mạng), hùng dũng, cứng cỏi, có đảm lược, quyết đoán, một danh tướng, một chính trị gia sắc sảo của triều Nguyễn, có công lao không nhỏ đối với việc giữ yên bờ cõi phía Nam của Tổ quốc ta hồi những thập niên đầu thế kỷ 19.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh tại tọa đàm "Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ" do tạp chí Xưa & Nay tổ chức năm 2000 ở TP.HCM
Ấn đồng Tả quân chi ấn của đô thống chế tả quân Dinh Thần sách Lê Văn Duyệt được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xứng đáng bảo vật quốc gia
Theo Bảo tàng TP.HCM, căn cứ khoản 21 điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (năm 2009) quy định các tiêu chí bảo vật quốc gia phải có, ấn "Tả quân chi ấn" đang được lưu giữ tại Bảo tàng TP.HCM đáp ứng được ba tiêu chí:
Là hiện vật gốc độc bản: Ấn "Tả quân chi ấn" của khâm sai chưởng tả quân Bình Tây tướng quân Lê Văn Duyệt là 1 trong 5 ấn được vua Gia Long cho đúc để ban tặng 5 vị chưởng quân đứng đầu ngũ quân thời bấy giờ là tiền quân - tả quân - hữu quân - trung quân - hậu quân.
Cho đến nay, chỉ chiếc ấn Tả quân này còn lại trong số 5 ấn được vua Gia Long ban tặng.
Là hiện vật có hình thức độc đáo: Ấn thể hiện trình độ kỹ thuật đúc đồng buổi đầu thời Gia Long, nét chữ chân khắc trên thân khảm bạc, phần núm ấn với đầu và thân lân có hoa văn trang trí vân thủy ba, đao lưỡi và khắc vạch, việc đúc chiếc ấn mang hình con lân dành cho các tướng đứng đầu quân đội thời Gia Long.
Và thứ ba là ấn "Tả quân chi ấn" có giá trị liên quan đến nhân vật lịch sử là tả quân Lê Văn Duyệt, người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển vùng đất Nam Bộ.
Cùng với quá trình phục vụ công chúng và giới nghiên cứu từ lúc về với Bảo tàng TP.HCM, dịp này, nếu ấn đồng của tả quân Lê Văn Duyệt được công nhận là bảo vật quốc gia, không chỉ giá trị hiện vật mà bản thân nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt một lần nữa được tôn vinh trong lòng công chúng hôm nay.
Du khách xem ấn đồng Tả quân chi ấn của đô thống chế tả quân Dinh Thần sách Lê Văn Duyệt được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều hiện vật quý chưa được công nhận
UBND TP.HCM vừa đề nghị Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch xét công nhận 14 hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng TP.HCM là bảo vật quốc gia, trong đó có ấn đồng "Tả quân chi ấn" của đô thống chế tả quân Dinh Thần sách Lê Văn Duyệt, bộ sưu tập khuôn in tín phiếu, tiền giấy (gồm 12 hiện vật), tranh sơn mài Thanh niên thành đồng của họa sĩ Nguyễn Sáng...
Hiện VN có 118 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Trong số bảo vật được công nhận có rất nhiều hiện vật được phát hiện tình cờ, chủ yếu do người dân đào được trong lòng đất hoặc trục vớt được ở dưới nước.
Có điều đáng buồn, dù bảo vật quốc gia là danh hiệu được công nhận giá trị ở tầm mức cao quý nhất, song trên thực tế nhiều đơn vị sở hữu vẫn chưa có hình thức nào để tôn vinh và phát huy giá trị cao quý ấy.
Hầu hết bảo vật quốc gia được công nhận đều đang thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước, nhất là các bảo tàng và một số ít thuộc các di tích lịch sử văn hóa.
Trong khi đó, các nhà chuyên môn nhận xét hiện có rất nhiều hiện vật nằm trong các bộ sưu tập tư nhân rất xứng đáng là bảo vật quốc gia.
Song vì nhiều lý do, nhất là sự ràng buộc của luật pháp về mặt chuyển nhượng và chế độ bảo quản, mà những hiện vật này vẫn chưa được lập hồ sơ đề nghị công nhận.
THÁI LỘC - MAI HOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận