20/06/2017 10:15 GMT+7

Kỳ 1: Bảo vật lăn lóc lối đi, thoi bạc cất kho

THÁI LỘC - LAM ĐIỀN
THÁI LỘC - LAM ĐIỀN

TTO - Những bảo vật quốc gia nằm lăn lóc hoặc im lìm phủ bụi trong kho, trong khi nhiều bảo tàng thành lập cho có, không có sưu tập hiện vật, thiếu nhân sự có trình độ. Thực trạng đó được phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tại nhiều bảo tàng trong cả nước.

*** Error ***
Phòng trưng bày tượng Phật giáo của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM chỉ giới thiệu một phần nhỏ trong hàng trăm tượng Phật sưu tập được - Ảnh: L.Điền

Do thiếu không gian trưng bày và trang thiết bị hiện đại, nhiều bộ sưu tập hiện vật quý tại các bảo tàng ở TP.HCM vẫn chưa được phát huy giá trị tương xứng. Thậm chí nhiều hiện vật quý phải náu mình chủ yếu ở... nhà kho. Đáng buồn hơn, bảo vật quốc gia ở bảo tàng địa phương lại nằm lăn lóc, có nguy cơ bị hủy hoại.

Hiện vật quý thiếu không gian trưng bày

Trong đợt ghé thăm Bảo tàng Lịch sử TP.HCM gần đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho rằng bảo tàng lẽ ra tổ chức những “đường dây” dẫn chuyện tốt hơn để du khách tìm hiểu được nhiều hơn chứ không dồn dập dày đặc các hiện vật trong một không gian hạn chế như vậy.

Điều này đúng. Nhưng vấn đề là bảo tàng từ bấy đến nay vẫn chỉ có ngần ấy diện tích.

“Trong khi tính từ sau 1975 đến nay, số hiện vật của bảo tàng đã tăng gấp 8 lần, từ 5.000 hiện vật giờ đã lên đến 40.000 hiện vật” - ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết. Dĩ nhiên, phần lớn các hiện vật ấy đều nằm ở kho.

Bảo tàng Lịch sử cũng là nơi lưu giữ 11 trong số 12 bảo vật quốc gia của TP.HCM. Tuy vậy, hiện vẫn thiếu một không gian tương xứng để vừa triển lãm vừa tôn vinh giá trị, vừa bảo quản tốt các bảo vật có tầm quốc gia này.

Đáng tiếc nhất là bộ sưu tập tượng Phật giáo của bảo tàng này với hàng trăm bức được hình thành qua nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ vì không có không gian đủ rộng, nên bảo tàng chỉ mới tổ chức được một phòng trưng bày tượng Phật giáo thường trực với số lượng khoảng 20 tượng, còn tất cả đều cất trong kho.

Không chỉ thế, một không gian đủ rộng và hiện đại để trưng bày các bộ sưu tập cổ vật thời Nguyễn mà bảo tàng có được là ao ước của không riêng ông Tuấn mà nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng. Hiện bảo tàng chỉ đủ chỗ trưng bày khoảng 1/7 đến 1/6 số hiện vật có được.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng không đủ chỗ để “bày biện” các bộ sưu tập độc đáo của mình. Các bộ sưu tập quý hiếm như Sưu tập tiền giấy của Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ; bộ áo dài 200 chiếc sưu tập từ các phụ nữ nổi tiếng; bộ kỷ vật chiến tranh lên đến 15.000 hiện vật... đều đang chờ những không gian thích hợp để “trình diện” với công chúng.

Bảo vật quốc gia nằm lăn lóc

Đó là hai trong bộ ba khẩu thần công Uy Phúc có cùng tên Bảo quốc an dân đại tướng quân được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia cuối năm 2013, hiện đang nằm lăn lóc trên lối đi giữa khu nhà làm việc của Bảo tàng Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Trí Sơn - giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh - cho biết bảo tàng đã tốn đến hàng chục triệu đồng để xử lý về mặt chuyên môn, tránh việc tiếp tục bị tác hại. Dù biết để bảo vật quốc gia giữa lối đi như vậy là khó ngó và nguy cơ hỏng hóc cao, nhưng chẳng còn cách nào khác. Bảo tàng này sở hữu hơn 8.000 hiện vật quý giá, đang để trong bốn kho khá chật hẹp.

“Thiết bị tối tân nhất của bảo tàng là quạt máy và máy hút bụi, một số hiện vật hỏng hóc dần thấy mà đau lòng nhưng đành chịu!” - ông Sơn nói.

Rất nhiều bảo tàng đều “kêu” về việc thiếu kho bảo tàng đủ tiêu chuẩn để bảo quản hiện vật, đành nhìn các hiện vật quý giá bị hủy hoại dần dần. Đau đớn bậc nhất trong số đó là những người làm việc ở Bảo tàng Nghệ An.

Trong số 25.000 hiện vật của bảo tàng có bộ sưu tập hiện vật khảo cổ ở làng Vạc, đại diện cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn. Thế nhưng, theo quyền giám đốc - ông Nguyễn Đức Kiếm, cái kho của bảo tàng hiện “chỉ đang ở mức cất giữ thôi, chứ chẳng bảo vệ được gì cả, vì phương pháp khoa học ở mức 0, mọi phương tiện bảo quản đều không có”.

Vì vậy, bộ sưu tập thuộc hàng bảo vật này đang vô cùng thảm hại: những chiếc dao găm trên cán có tượng (giá hiện vật trên thị trường hàng nghìn USD, chưa nói đến giá trị vô giá về mặt văn hóa) cứ nứt, mủn và vữa ra ở trong kho. Đặc biệt là những chiếc trống đồng, lâu lâu cứ thấy những mảng mục mủn, rời ra khỏi trống.

Ông Kiếm cám cảnh: “Nhìn đau lòng lắm, nhưng chịu!”. Chưa hết, nhiều hiện vật bằng giấy, da, vải hay các chất liệu thảo mộc… cũng đang xuống cấp ở mức tệ hại, nhiều hiện vật được xem vô phương cứu chữa.

Bảo tàng “rỗng”!

Ở Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế đang thuộc hàng “bảo tàng rỗng” cả về hiện vật, nhân sự lẫn nguồn lực… Thành lập từ năm 1989 và sau hàng chục năm “kêu gào”, bảo tàng này mới chính thức được bàn giao trụ sở vào năm 2012, đó là khu nhà vốn là trụ sở UBND TP Huế.

Dù có trụ sở mới là khu nhà với hai tòa dinh thự cổ kiểu Pháp tuyệt đẹp, nhưng từ đó đến nay, ngoài các hoạt động chủ yếu là “cho mượn chỗ” để trưng bày, triển lãm trong các dịp lễ lạt; hoạt động thường xuyên nhất tại đây cũng là ca Huế thính phòng 1 đêm/tuần do Câu lạc bộ ca Huế phối hợp. Bảo tàng này hiện có 752 hiện vật, bao gồm cả 92 đồng tiền xu và tiền giấy, nên nhìn chung trong tình trạng “đầu thừa đuôi thẹo”.

Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, cho biết hiện không có bộ sưu tập hiện vật nào cho ra hồn, không đủ để triển lãm chuyên đề nào cả. “Muốn mua hiện vật thì phải có lộ trình, mà trong tình trạng kinh phí quá hạn hẹp nên rất khó” - bà Tranh nói.

Tuy nhiên, điều khó hơn nữa của Bảo tàng Văn hóa Huế chính là nhân lực. Có 12 người làm chuyên môn, trong đó có 2 người học ngành bảo tàng, còn lại là học sử và Hán Nôm…

Theo bà Tranh, với mức thu nhập hiện nay thì khó mà tuyển cho được người có trình độ chuyên môn cao…

Tuy nhiên, theo nhiều nhà chuyên môn, cho dù các bảo tàng lớn tuyển người có đầy đủ bằng cấp chuyên ngành đi nữa, hầu hết cán bộ bảo tàng cũng không biết nhiều về hiện vật, nhất là tính thật giả…

Bộ sưu tập giá 3 tỉ ít ai biết

Cách đây 8 năm, UBND TP.HCM đã xuất ngân sách 3 tỉ đồng mua một bộ sưu tập cho Bảo tàng TP.HCM. Đó là bộ sưu tập Tiền thưởng - thoi bạc, với 220 hiện vật là các đồng tiền thưởng và thoi bạc thưởng của thời Nguyễn trải qua các triều: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Bảo Đại...

Bộ sưu tập gồm các thoi bạc thật, các đồng tiền bằng bạc và bằng vàng, đến nay có thể xem là vô giá bởi tính quý hiếm và các thông tin chứa đựng trong hiện vật.

Tuy nhiên, theo bà Lưu Tuyết Trinh - phó giám đốc Bảo tàng TP.HCM, từ ngày tiếp nhận bộ sưu tập hiện vật quý giá này, bảo tàng chỉ mới tổ chức trưng bày một phần hiện vật trong đó.

Không chỉ thế, Bảo tàng TP.HCM còn sở hữu hàng loạt bộ sưu tập quý giá, mà nếu đáp ứng nhu cầu không gian diện tích trưng bày, có lẽ phải cần một khu vực rộng lớn hơn hiện trạng nhiều lần mới kham nổi.

Chẳng hạn bộ sưu tập hiện vật về các ngành nghề thủ công truyền thống của Sài Gòn - TP.HCM với 900 hiện vật của 18 ngành nghề đặc thù của cư dân TP; bộ sưu tập đồ gỗ từ các dinh thự, tư dinh, cự tộc của Sài Gòn; bộ sưu tập hiện vật sân khấu cải lương lên đến hàng ngàn hiện vật, 21.000 bức ảnh của 538 vở tuồng từng hát tại Sài Gòn; bộ sưu tập rất quy mô về thể thao Sài Gòn - TP.HCM...

Sai sót trong trưng bày

*** Error ***

Hai hộp đựng mũ thì ghi là “hộp đựng sách”, còn ống đựng sắc phong (thứ hai từ trái qua) thì ghi là “ống quyển” - hiện vật trưng bày tại gian thời Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Ảnh: THÁI LỘC

Ngày 25-3, chúng tôi cùng nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn ghé thăm Bảo tàng Lịch sử VN - TP.HCM để xem triển lãm trang phục triều Nguyễn ngay tại gian chính của bảo tàng.

Là tác giả sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (bao gồm cả quy định về trang phục thời Nguyễn dịch từ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ triều Nguyễn), ông Sơn rất ngạc nhiên và cho biết đối chiếu theo điển chế triều Nguyễn và các hình ảnh, sử liệu, có đến 18 trong số 20 áo tại triển lãm đều được chú thích thiếu chính xác.

Trước đó, vào đầu năm 2017, trong sự háo hức, chúng tôi cùng một nhà sưu tập cổ vật thăm Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa thành lập, là bảo tàng mỹ thuật đầu tiên ở miền Trung và thứ ba của cả nước. Nhưng chúng tôi không khỏi thất vọng với phần mỹ thuật cổ.

Theo nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (Huế), gian Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn có ba hiện vật không liên quan đến đồ ký kiểu (đặt làm ở Trung Quốc theo kiểu thức của người Việt).

Những sai sót tương tự có thể nhận thấy ở rất nhiều bảo tàng tuyến tỉnh. Tuy nhiên, ngay cả đối với bảo tàng trung ương, dù không quá phổ biến nhưng cũng có không ít sai sót gây thất vọng với nhiều người. Đơn cử tại gian thời Nguyễn thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), phần giáo dục trưng bày hai hộp đựng mũ thì được cho là “hộp đựng sách”, và ống đựng sắc phong thì được cho là “ống quyển”. Tương tự, một hộp đựng ấn thì được cho là “hộp đựng sắc phong”...

>> Kỳ 2: Để bảo tàng không tụt hậu 

THÁI LỘC - LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên